Việt Nam đặt mục tiêu phát triển du lịch đêm tại 12 địa phương vào năm 2025 Ra mắt sản phẩm du lịch đêm Hà Nội Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển du lịch đêm |
Sản phẩm còn đơn điệu, nghèo nàn
Hiện nay, hoạt động du lịch ban đêm và sản phẩm du lịch đêm ở nước ta chủ yếu phát triển tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế… Trong đó, các sản phẩm du lịch đêm đang diễn ra ở dưới hình thức khu phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực đêm, chợ đêm, quán bar, cà phê, rạp chiếu phim, vũ trường, một số hoạt động nghệ thuật, giải trí…
Trong các địa phương, Hà Nội được đánh giá là có du lịch đêm khá phát triển, nổi bật và tạo sức hút đối với du khách khi có tới 15 sản phẩm tour du lịch đêm đặc sắc. Đơn cử, sản phẩm tour đêm tham quan Hoả Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay mới đây là tour đêm “Đạp xe Thăng Long - Hà Nội”, tour ẩm thực “Đêm làng cổ” tại làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đang trở thành điểm đến thu hút người dân và du khách mỗi dịp cuối tuần, phục vụ nhu cầu khám phá văn hoá, ẩm thực bản địa của du khách.
Một trong các hoạt động của tour đêm Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên thực tế, chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Tiến Đạt – Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel cho rằng, du lịch đêm của Việt Nam là mô hình tương đối mới, mang tính thử nghiệm khoảng thời gian ngắn gần đây nên mức độ phát triển chưa hiệu quả so với tiềm năng. “Một số địa phương đã nỗ lực phát triển du lịch đêm, song mức độ đóng góp cho kinh tế đêm là chưa nhiều. Đơn cử, lượng khách tham gia tour đêm Hoả Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám hay Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội chỉ chiếm số lượng khiêm tốn so với lượng đến khách đến Hà Nội”- ông Đạt nói.
Theo một số đánh giá, so với tiềm năng, sức hút du lịch đêm vẫn chưa cao, nguyên nhân là vì sản phẩm du lịch đêm ở ta vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, vẫn chủ yếu vận hành theo hình thức truyền thống là phố đi bộ, phố ẩm thực; các hoạt động nghệ thuật và giải trí thì không đều đặn, chủ yếu diễn ra vào hai ngày cuối tuần; chưa có tổ hợp giải trí đêm riêng biệt hay khu thương mại mua sắm xuyên đêm…
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện phát triển du lịch châu Á chỉ rõ, du lịch đêm tại Việt Nam chưa hấp dẫn du khách có thể do còn thiếu sự đa dạng và độc đáo trong trải nghiệm du lịch đêm; thiếu hạ tầng và dịch vụ phục vụ du lịch đêm chất lượng, sự lo ngại về an ninh và an toàn khi đi du lịch vào buổi tối; ít hoạt động và sự kiện nghệ thuật, văn hóa diễn ra vào buổi tối.
Đặc biệt, theo ông Phạm Hải Quỳnh, những giá trị văn hóa, nghệ thuật bản địa, hạn chế về thông tin và chương trình, sự kiện để thu hút du khách đến với du lịch đêm. “Nhiều điểm du lịch đêm mở ra theo phong trào, chưa có sự nghiên cứu chuyên sâu. Các mặt hàng phục vụ du khách chưa có sự khác biệt đặc sắc, chưa có quy hoạch và quy chế hoạt động cụ thể cho không gian kinh tế đêm, hạn chế về thời gian hoạt động”- ông Quỳnh nêu ý kiến.
Du lịch đêm không chỉ giúp tăng cường tiêu dùng, mua sắm và dịch vụ về đêm, góp phần tăng cường doanh thu và thuế cho chính phủ, thúc đẩy sự phát triển và đầu tư trong ngành du lịch; có thể tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho cả người dân địa phương và du khách. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận, dù du lịch Việt Nam rất phát triển nhưng du lịch đêm vẫn là một điểm yếu khi chúng ta chưa có những mô hình tốt, sản phẩm phù hợp để phát huy tiềm năng và lợi thế của du lịch của đất nước.
Để du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo phát triển kinh tế ban đêm
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1894/QĐ-BVHTTDL ngày 14/7/2023 về Đề án "Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm" nhằm phát huy lợi thế các dịch vụ ban đêm để phát triển sản phẩm du lịch đêm ở Việt Nam đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao; đồng thời khẳng định thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam, tăng cường thu hút khách, tăng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch nội địa và quốc tế, góp phần đưa du lịch đêm trở thành sản phẩm chủ đạo để phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Theo Đề án, cả nước sẽ tập trung 5 mô hình sản phẩm du lịch đêm bao gồm: Mô hình các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; Mô hình hoạt động thể thao, chăm sóc sức khỏe, làm đẹp; Mô hình mua sắm, giải trí đêm; Mô hình tham quan du lịch đêm; Mô hình giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Lộ trình triển khai đề án này sẽ kéo dài tới 2030.
Tuy nhiên, trong buổi trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra sáng nay (21/8), Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, tại Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” Bộ này đã có khung và gợi ý cách triển khai. Theo đó, việc còn lại là các địa phương cần có cách làm sáng tạo, nghiên cứu sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, mang tính cạnh tranh cao để giữ chân du khách.
Chính quyền cần tăng cường hỗ trợ để các đơn vị tổ chức các sự kiện văn hoá, giải trí hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm du lịch đêm của du khách. Ảnh: Đức Hoàng |
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, các nước có ngành du lịch phát triển mạnh đều tăng cường đầu tư vào du lịch đêm. Như, năm 2018, du lịch đêm đã đóng góp khoảng 1,1% vào GDP của Nhật Bản, tương đương với 2,3 nghìn tỷ JPY (khoảng 21 tỷ USD). Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 1,9 nghìn tỷ Baht (khoảng 63 tỷ USD), chiếm khoảng 11% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp khoảng 2% vào GDP của Thái Lan. Du lịch đêm cũng là một ngành công nghiệp phát triển ở Malaysia. Năm 2019, du lịch đêm đã tạo ra khoảng 82,2 tỷ ringgit (khoảng 20 tỷ USD), chiếm khoảng 20% tổng giá trị ngành du lịch và đóng góp hơn 5% vào GDP của Malaysia…
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, những con số đóng góp của du lịch đêm tại các quốc gia kể trên chính là động lực để chúng ta có những hoạt động tích cực trong việc phát triển du lịch đêm. Đặc biệt, việc ban hành Đề án “Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm” chính là một bước đi cụ thể hóa mong muốn trên. “Để triển khai thành công du lịch đêm, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng như chiếu sáng đường phố, các tiện ích công cộng, và giao thông công cộng để đảm bảo sự thuận lợi và an toàn cho du khách. Điều này có thể đòi hỏi đầu tư tài chính và công sức đáng kể từ các địa phương, cộng đồng và các công ty du lịch lữ hành” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Cho ý kiến về tăng sức hấp dẫn cho du lịch đêm, theo ông Phạm Hải Quỳnh cần xây dựng kế hoạch marketing và quảng bá để thúc đẩy du lịch đêm; tăng cường đầu tư hạ tầng, dịch vụ và an ninh cho du lịch vào buổi tối; phát triển các sản phẩm, trải nghiệm du lịch độc đáo và đa dạng vào buổi tối; phát triển các sản phẩm gắn liền với văn hóa bản địa để tạo sự khác biệt, phân khu đầu tư các sản phẩm kinh tế đêm để đáp ứng nhu cầu của du khách khi đi du lịch.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Tiến Đạt, muốn du khách “móc hầu bao” nhiều hơn cho du lịch đêm, hính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ để các tổ chức, đơn vị thực các sự kiện phục vụ du lịch đêm như chương trình Tinh hoa Bắc Bộ, Show ký ức Hội An trong khâu quảng bá, truyền thông. Bởi, không ít du khách vẫn không nắm rõ thông tin chương trình, đăng ký ở đâu, đi như thế nào? Ngoài ra, các tour mua sắm đêm cần tăng cường quản lý chất lượng hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm; khuyến khích bán hàng nội địa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP của địa phương. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi, ưu tiên cho gian hàng hàng Việt tại các điểm du lịch.