Du lịch Việt Nam kỳ vọng một năm nhiều khởi sắc

17/02/2024 - 01:53
(Bankviet.com) Với những tín hiệu vui ngay dịp Tết Nguyên đán, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc, trong đó sẽ đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Khách du lịch quốc tế quay lại Việt Nam thấp vì bị tính phí cao và những khuyến nghị chính sách Du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường

Du lịch đang phục hồi mạnh mẽ

Sau Tết Dương lịch, các hoạt động du lịch tiếp tục hoạt động sôi động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày.

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, từ ngày 8 - 14/2, ngành du lịch cả nước ước đón và phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2023); trong đó có khoảng 3,5 triệu lượt khách lưu trú (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023); công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (trong đó cơ sở lưu trú du lịch cao cấp từ 4 - 5 sao ở một số địa phương trọng điểm du lịch đạt công suất cao hơn, tập trung vào các ngày 3, 4 Tết). Nhiều địa phương trọng điểm du lịch thu hút lượng đông khách du lịch, mang lại nguồn thu lớn từ hoạt động du lịch.

Du lịch Việt Nam kỳ vọng một năm nhiều khởi sắc
Kỳ vọng du lịch Việt Nam sẽ đạt mục tiêu năm 2024. Ảnh: TTXVN

Tại cuộc gặp mặt đầu Xuân, triển khai nhiệm vụ với lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 15/2, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước Tết Nguyên đán, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác quản lý đối với các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch.

Đồng thời Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã ban hành công văn gửi các Sở quản lý du lịch đề nghị tăng cường công tác quản lý điểm đến, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn, đảm bảo hoạt động du lịch trong dịp Tết Nguyên đán an toàn, vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm.

Chính vì vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các địa phương đã rất chủ động triển khai các hoạt động thu hút, phục vụ khách du lịch, bảo đảm chất lượng dịch vụ. Bên cạnh nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, các doanh nghiệp du lịch cũng chủ động cung cấp các gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu của người dân trong những ngày Tết Nguyên đán”- ông Nguyễn Trùng Khánh đánh giá.

Sau thời gian bị “đóng băng” do dịch Covid-19, hoạt động du lịch đang phục hồi mạnh mẽ. Năm 2023, hoạt động du lịch có sự phục hồi mạnh mẽ, gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt, vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm (8 triệu lượt) và đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12,5-13 triệu lượt) của năm.

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các địa phương đều có những sản phẩm du lịch mới; thông qua công tác xúc tiến quảng bá và làm mới sản phẩm tạo điểm đến an toàn, lượng khách đã được tăng cao, lượng khách lưu trú tăng cao với những con số ấn tượng. Khách nước ngoài đến Việt Nam nhiều hơn, tìm hiểu về văn hóa Việt và phong tục tập quán của người Việt, Tết Việt. Đây cũng là cơ sở để ngành du lịch đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách trong năm 2024.

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh - Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á đánh giá, với thành công của năm du lịch 2023 và sự tăng trưởng ngay từ những ngày đầu của năm 2024 nhiều du khách sẽ trông đợi trải nghiệm và khám phá những địa điểm mới. Cơ hội cho du lịch nội địa và quốc tế sẽ tăng cao. Đặc biệt các sự kiện, lễ hội sẽ được tổ chức trở lại với quy mô lớn hơn, du lịch sẽ trở nên sôi động và thú vị hơn bao giờ hết, mang lại nhiều kỷ niệm và trải nghiệm tuyệt vời cho du khách trong năm 2024.

CEO Lux Group Phạm Hà cũng tin rằng, dự kiến năm 2024 du lịch Việt Nam sẽ phục hồi, vượt hơn năm 2019, với doanh thu tăng cao hơn. “Việc thúc đẩy mở rộng các thị trường thông qua các chính sách visa cởi mở, nhiều điểm đến được du khách yêu thích; các địa phương, doanh nghiệp đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tôi tin rằng các mục tiêu đề ra của ngành du lịch năm 2024 sẽ đạt được, trong đó chúng ta có thể đón 18 triệu lượt khách”- ông Hà nói.

Tăng sức hút cho du lịch Việt Nam

Mặc dù đã đạt được nhiều thành công và danh hiệu, nhưng ngành du lịch Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như sản phẩm du lịch dù đã định hình nhưng vẫn chưa bắt kịp với xu thế đa dạng của khách hàng; thị trường khách vẫn bị phụ thuộc vào một số thị trường chính, việc kết nối và khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm; bguồn nhân lực vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng.

Vì vậy, theo PGS. TS Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội, để nâng tầm vị thế của du lịch Việt Nam, ngành du lịch Việt Nam cần tầm nhìn quốc gia để tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng này bằng các định hướng, chủ trương: Ưu tiên phát triển du lịch cả về chính sách, ngân sách đầu tư phát triển du lịch và sự phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; triển khai có hiệu quả việc xây dựng chuỗi giá trị cung ứng dịch vụ, xây dựng điểm đến và sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững.

Ông Phạm Hải Quỳnh cũng nêu ý kiến, Việt Nam cần tiếp túc mở rộng visa với các nước còn lại để mở rộng thị trường, hoàn thiện quy trình quản lý khách đã vào Việt Nam một cách đơn giản hiệu quả hơn. Có quy chuẩn quản lý đơn giản và hỗ trợ cho những điểm, bản, làng làm du lịch thuộc vùng biên. Tiếp tục định hướng và phát triển các sản phẩm du lịch ở các địa phương theo hướng bền vững có quản lý định hướng, đặc biệt là lấy giá trị văn hóa bản địa làm chìa khóa để định hướng phát triển...

Còn theo ông Phạm Hà – CEO Lux Group, Thái Lan có mục tiêu tham vọng đón 40 triệu khách, theo đó, quốc gia này đã chính thức thực hiện chính sách miễn thị thực vĩnh viễn cho công dân Trung Quốc; cung cấp bảo hiểm y tế miễn phí cho du khách … Vì vậy, để tạo cú huých cạnh tranh với các điểm đến trong khu vực, Việt Nam cũng cân nhắc thúc đẩy thực hiện các chính sách để thu hút khách du lịch như xúc tiến mở thị trường mới, tiếp tục miễn visa, nhất là với các thị trường EU.

"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cần phải mạnh mẽ, nhanh chóng triển khai các chính sách hơn nữa để thu hút khách đến Việt Nam, cùng với đó là tăng cường cải thiện sản phẩm, dịch vụ để mang đến nhiều trải nghiệm, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu nhiều hơn của du khách"- ông Hà nhấn mạnh.

Với quyết tâm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, tại cuộc gặp mặt đầu Xuân, triển khai nhiệm vụ với lãnh đạo các Cục, Vụ, cơ quan đơn vị thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch – ông Nguyễn Văn Hùng cũng đã đề nghị cần tiếp tục tăng cường quản lý điểm đến và thực hiện tốt hơn nữa nội dung quản lý Nhà nước về du lịch hướng dẫn các địa phương để đảm bảo vấn đề về tăng tốc du lịch, hoàn thành chỉ tiêu mà Chính phủ giao cho ngành. Nhất là mục tiêu xây dựng điểm đến an toàn, môi trường thân thiện, xanh sạch đẹp, sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu.

Về quan điểm mở rộng diện miễn thị thực để thúc đẩy du lịch, tại hội nghị phát triển du lịch tháng 11/2023, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã đề xuất Chính phủ mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho khách từ các nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam, chi tiêu nhiều như Australia, Canada, Mỹ, các nước còn lại trong Liên minh châu Âu (EU). Đồng thời, Việt Nam nên miễn thị thực ngắn hạn cho khách từ thị trường lớn, tiềm năng như Trung Quốc, Ấn Độ để kích cầu du lịch.

Trong chỉ thị ngày 15/2 đôn đốc nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết, Thủ tướng yêu cầu Bộ Ngoại giao sớm tổng kết, đánh giá việc áp dụng chính sách miễn thị thực đơn phương cho công dân 13 nước thời gian qua. Bộ Ngoại giao và Công an cần đề xuất mở rộng các nước có công dân được đơn phương miễn thị thực Việt Nam.

Hy vọng, với sự quyết liệt đồng bộ của toàn ngành du lịch cũng như sự quan tâm của Nhà nước, các Bộ ngành cùng với các chính sách mới nhiều thuận lợi ngành du lịch sẽ có một năm nhiều khởi sắc.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương