Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2021 với lợi nhuận giảm mạnh sau khi tất toán trái phiếu VAMC và mới thực hiện được xấp xỉ 10% kế hoạch năm.
Cụ thể, trong quý I/2021, nguồn thu chính của Eximbank là thu nhập lãi thuần đạt 818 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ. Lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư cũng giảm tới 22,5%, xuống 22,6 tỷ đồng. Trong khi đó, mảng dịch vụ và kinh doanh ngoại hối có sự khởi sắc, lần lượt đem về 132 tỷ và 95 tỷ đồng lãi thuần, tăng 75% và 78% so với quý I/2020…
Tổng thu nhập hoạt động của Eximbank đạt 1.110 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Cùng với đó, nhờ cắt giảm được 8,2% chi phí hoạt động, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 26%, lên 533 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất chỉ ở mức 214 tỷ đồng, giảm 53,2% so với cùng kỳ...
Sở dĩ lợi nhuận giảm mạnh trong quý đầu năm nay là do Eximbank đã trích tới 319 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro trong quý I/2021. Ba tháng đầu năm 2021, Ngân hàng đã mua lại toàn bộ nợ bán cho VAMC. Cuối năm ngoái, số dư trái phiếu VAMC của Eximbank là hơn 2.032 tỷ đồng, nhưng do chưa xử lý được nợ xấu mua lại từ VAMC, Ngân hàng phải tăng trích dự phòng rủi ro.
Trong khi đó, với VietBank, thu nhập lãi thuần quý I chỉ đạt 237 tỷ đồng, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm 24%, chỉ đạt 9,5 tỷ đồng. Lãi từ mua bán chứng khoán giảm 24%, xuống 121 tỷ đồng; lãi từ hoạt động khác giảm 58%, xuống 27 tỷ đồng.
Lãi từ hoạt động dịch vụ của VietBank khả quan hơn, tăng 96% so với cùng kỳ, lên 20 tỷ đồng. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động quý I/2021 của Ngân hàng là 415 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động tăng 12,6%, lên 294 tỷ đồng.
VietBank được hoàn nhập dự phòng 3,3 tỷ đồng trong quý I/2021, trong khi cùng kỳ phải trích 30 tỷ đồng. Mặc dù được hoàn nhập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng quý đầu năm 2021 chỉ đạt 124 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ; lãi sau thuế là 98,5 tỷ đồng.
Vẫn tự tin với chỉ tiêu đã đặt ra
Ông Nguyễn Cảnh Vinh, quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho rằng, việc thanh toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt VAMC trước hạn là nỗ lực rất lớn của Eximbank có ý nghĩa rất đặc biệt với Ngân hàng trong công tác xử lý nợ xấu và là tiền đề quan trọng tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động kinh doanh về sau.
“Chúng tôi hiểu rằng, các kết quả đạt được dù có mức tăng trưởng khả quan trở lại, nhưng các giá trị tuyệt đối còn nhỏ bé so với các ngân hàng khác. Dù vậy, điều này cũng khẳng định, những nỗ lực tái cơ cấu khách hàng, danh mục, tổ chức đã và đang đem lại kết quả tốt hơn mỗi ngày. Từng bước chắc chắn, chúng tôi sẽ trở lại vị thế vốn có của mình”, ông Vinh nói và cho biết, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận 2.150 tỷ đồng trong năm 2021 và kỳ vọng sẽ hoàn tất kế hoạch đưa ra.
Trong khi đó, VietBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 1.100 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. VietBank tự tin đạt được mục tiêu này trong điều kiện được Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng gồm: tổng tài sản đạt 120.000 tỷ đồng (tăng 31% so với năm trước); tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 60.000 tỷ (tăng 21% so với 2020); tổng huy động vốn (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 91.000 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ năm trước).
Cả tín dụng và huy động vốn tăng trưởng âm quý đầu năm, nên Saigonbank chỉ đạt gần 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và gần 54 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, song vẫn tăng 21% và 22% so với cùng kỳ. Ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho biết, tín dụng 3 tháng đầu năm giảm do thời gian này rơi vào tháng Tết Nguyên đán, đồng thời, Saigonbank kiểm soát chặt chất lượng khoản vay để tránh rủi ro nợ xấu trong dịch bệnh.
Saigonbank đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế 135 tỷ đồng trong năm 2021, tăng 11,45% so với năm 2020. “HĐQT và Ban Điều hành quyết tâm, nếu đại dịch Covid-19 không bùng phát và tình hình kinh tế ổn định, Ngân hàng sẽ đạt mức lợi nhuận cao hơn”, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank cho biết.
Anh Khôi
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ