Dư nợ margin toàn thị trường ước tính lập kỷ lục 230.000 tỷ đồng cuối quý I/2022

29/03/2022 - 22:04
(Bankviet.com) Con số trên tương đương khoảng 10 tỷ USD, tiếp tục lập kỷ lục mới từ trước đến nay. Đây là nội dung dự báo trong báo cáo mới đây của chứng khoán VNDIRECT.

Con số kỷ lục này được thiết lập trong bối cảnh thanh khoản trong quý I/2022 có phần hạ nhiệt, đặc biệt từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tháng 2 trên HoSE khoảng hơn 23.200 tỷ đồng, tháng 3 ước tính quanh ngưỡng 26.700 tỷ đồng, giảm so với tháng 1 (27.569 tỷ đồng).

Dựa trên báo cáo tài chính năm 2021, ước tính dư nợ cho vay trên toàn thị trường khoảng 193.000 tỷ đồng (tương đương 8,4 tỷ USD), tăng khoảng 100.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Trong đó, Top 10 công ty chứng khoán có dư nợ lớn nhất chiếm khoảng 65% tổng dư nợ cho vay. Lớn nhất thuộc về SSI với dư nợ margin 23.698 tỷ đồng, và kế đến là Mirae Asset 17.698 tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng về số nhà đầu tư mới tham gia thị trường tăng vọt trong 2 năm 2020-2021 trong khi tốc độ tăng vốn của công ty chứng khoán chưa theo kịp, theo đó, năm 2021, nhà đầu tư thường xuyên gặp tình trạng “full room” (kịch trần hạn mức cho vay). Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán chỉ có thể cho vay tối đa gấp 2 lần vốn chủ sở hữu và điều này khiến một số công ty chứng khoán lớn đang tiệm cận mức giới hạn.

Để giải quyết room cho vay, các công ty chứng khoán đang đồng loạt tăng vốn ngay từ đầu năm 2022. Điển nhìn như CTCK VNDIRECT (VND) đã nhận được chấp thuận chào bán cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn từ 4.349 tỷ đồng lên 12.178 tỷ đồng; SSI cũng sắp phát hành tăng vốn lên 15.961 tỷ đồng.

2051-margin
Nguồn: CTCK VNDIRECT

Hay với “tay chơi mới” là CTCK ASC sau khi được Vpbank mua lại đã đổi tên thành CTCK VPBS đã lên kế hoạch tăng vốn khủng từ 269 tỷ đồng lên 8.920 tỷ đồng. Nếu thành công, vốn điều lệ của công ty chứng khoán này lọt vào Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất thị trường.

Tương tự hàng loạt các công ty chứng khoán khác cũng đã có kế hoạch tăng vốn tiếp trong 2022, như SHS tăng lên 6.505 tỷ đồng, chứng khoán Tiên Phong lên 5.000 tỷ đồng, chứng khoán smart invest tăng lên 5.000 tỷ đồng, APG dự kiến tăng lên 4.000 tỷ đồng….

Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, con số dư nợ margin vẫn có thể có kỷ lục mới trong năm nay.

Bình luận về con số dư nợ, ông Nguyễn Tuấn Long, Giám đốc môi giới cao cấp Công ty Chứng khoán Tiên Phong - chi nhánh Hà Nội cho rằng, dù dư nợ đang cao nhất từ trc tới nay nhưng song song đó, vốn hóa các doanh nghiệp đều tăng và các công ty chứng khoán cũng đã tăng về quy mô vốn (dù chưa theo kịp nhu cầu thị trừng ). Nên dư nợ cao, chủ yếu dư nợ cao đến từ nhóm doanh nghiệp, chứ nhóm cá nhân không nhiều. Và các công ty chứng khoán giờ quản trị rủi ro rất chuyên nghiệp rồi, nên không cần quá lo ngại vể margin tăng cao.

Đây cũng là lời giải cho các lo ngại thị trường tuần này có thể bị giảm mạnh - như các kỳ cuối quý khác - khi công ty chứng khoán ‘chốt sổ sách”, thu hồi margin lại để thực hiện báo cáo quý I.

Thực tế, trong phiên giảm mạnh và lực bán mạnh hôm nay, nhiều nhà đầu tư lại càng tin vào kịch bản trên. Ông Long cho biết, nhiều khả năng phiên hôm 28/3 có phần lớn đến từ hiệu ứng đám đông ngay từ tin đồn liên quan đến một lãnh đạo doanh nghiệp lớn, dẫn đến lo sợ bán mạnh ở nhóm này và lan sang một số mã khác. Quan sát thấy, ở nhiều mã sau khi nằm sàn đã có lực mua bắt sàn rất khỏe.

Bên cạnh đó, có thể có khả năng, ở một số “”kho” (các bên có nguồn tài chính lớn và cung cấp dịch vụ cho vay margin tỷ lệ cao-PV) cũng phải bán hàng khác để đảm bảo tỷ lệ vay nhóm cổ phiếu họ FLC 30%, nên cũng có thể tác động làm lực bán mạnh ở một số cổ phiếu khác, ông Long cho biết.

Phan Hằng/Báo Đầu tư

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán