Dư nợ xấu tăng 17%, Vietcombank chuẩn bị họp cổ đông bàn chuyện tăng vốn

21/03/2022 - 20:50
(Bankviet.com) Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 8/4/2022 tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) vừa có văn bản thông báo chốt danh sách cổ đông hưởng quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 vào ngày 4/3/2022, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 3/3.

Cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 8/4/2022 tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.

Thông tin cho thấy, tại đại hội, cổ đông Vietcombank sẽ xem xét và thông qua báo cáo Hội đồng quản trị (HĐQT) về hoạt động năm 2021 và định hướng năm 2022; Báo cáo của Ban Điều hành về hoạt động kinh doanh năm 2021 và định hướng năm 2022; mức thù lao cho các thành viên HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) năm 2022.

Ban lãnh đạo ngân hàng cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, phương án tăng vốn điều lệ năm 2022 và bầu bổ sung thành viên BKS nhiệm kỳ 2018-2023.

Báo cáo tài chính cho thấy, trong năm 2021, lợi nhuận trước thuế hợp nhất lũy kế cả năm của ngân hàng đạt 27.376 tỷ đồng, tăng 18,8% so với năm 2020 và vượt 8,5% so với kế hoạch năm. Với con số này, Vietcombank tiếp tục giữ vị trí quán quân toàn ngành về lợi nhuận nếu xét theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Năm 2021, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 56.711 tỷ đồng, tăng 15,6% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi đóng góp 42.387 tỷ đồng (tăng 16,8%); thu nhập ngoài lãi đóng góp 14.324 tỷ đồng (tăng 12,1%).

Tính đến 31/12/2021, tổng tài sản của Vietcombank đạt hơn 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 14,4% lên 960.750 tỷ đồng.

Về chất lượng cho vay, dư nợ xấu của ngân hàng trong năm qua đã tăng 17% lên 6.121 tỷ đồng, chủ yếu tăng tại nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng chỉ nhích nhẹ từ mức 0,62% lên 0,64%.

Mặt khác, với việc bổ sung "bộ đệm" nợ xấu lên 25.976 tỷ đồng (tăng 35%), tỷ lệ bao phủ nợ xấu của Vietcombank đã tăng từ 368% lên 424%, mức cao kỷ lục của toàn ngành ngân hàng.

Trước đó, thông tin trên tờ Vietnamnet cho thấy, cuối tháng 9/2021, nợ xấu của Vietcombank đã lên mức 10.884 tỷ đồng, tăng 108% so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu do nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đột ngột tăng mạnh, cụ thể, nhóm nợ này cuối tháng 9 là 3.122 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần chỉ trong quý 3 và so với đầu năm đã tăng tới 14 lần. Đồng thời, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) của Vietcombank cũng tăng 122% trong 9 tháng đầu năm lên 1.483 tỷ đồng. Nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 45% lên 6.279 tỷ đồng và chiếm 58% trong cơ cấu nợ xấu của Vietcombank.

Sau thời gian dài duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 1%, chỉ loanh quanh 0,6-0,8%; đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Vietcombank đã lên 1,16%.

Kiều Phong

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán