Đừng để FOMO biến bạn thành “nhà đầu tư cuối cùng của bữa tiệc”

02/05/2025 - 17:05
(Bankviet.com) Khi thị trường liên tục tăng, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến nhiều người vội vã mua vào cổ phiếu nóng mà không kịp phân tích. Nhưng như một quy luật "tàn nhẫn", chính những người đến sau cùng thường là người phải trả giá.
Chiến lược - Kỹ năng

Đừng để FOMO biến bạn thành “nhà đầu tư cuối cùng của bữa tiệc”

Nguyễn Đăng 01/05/2025 18:30

Khi thị trường liên tục tăng, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến nhiều người vội vã mua vào cổ phiếu nóng mà không kịp phân tích. Nhưng như một quy luật "tàn nhẫn", chính những người đến sau cùng thường là người phải trả giá.

FOMO: Khi cảm xúc lấn át lý trí đầu tư

FOMO, viết tắt của "Fear of Missing Out" – nỗi sợ bị bỏ lỡ, là hiện tượng tâm lý phổ biến trong đầu tư tài chính, đặc biệt là chứng khoán. Đó là trạng thái khi nhà đầu tư cảm thấy lo lắng vì thấy người khác kiếm lời dễ dàng, trong khi mình lại đang đứng ngoài cuộc chơi. Tâm lý đó khiến họ vội vàng lao vào thị trường với mong muốn không bị “lạc đoàn”, bất chấp việc chưa hiểu rõ mình đang mua gì, giá trị thực của cổ phiếu ra sao, hay thị trường đang ở vùng nào của chu kỳ.

fomo(1).jpg
Đừng để FOMO dắt bạn vào vòng xoáy thua lỗ

Trong bối cảnh thị trường tăng nóng, cổ phiếu nào cũng lập đỉnh, room mạng xã hội tràn ngập hình ảnh tài khoản xanh rực, FOMO càng dễ bùng phát. Thay vì phân tích kỹ lưỡng doanh nghiệp, dòng tiền, hoặc sức khỏe vĩ mô, nhà đầu tư chỉ cần thấy cổ phiếu tăng là… nhảy vào. Cảm xúc chi phối hành động đầu tư, lý trí bị gạt sang một bên.

Theo lý thuyết hành vi tài chính (Behavioral Finance), đây là một dạng thiên kiến tâm lý phổ biến – nơi mà hành vi của con người bị điều khiển bởi cảm xúc, chứ không còn thuần túy dựa trên logic và dữ liệu. Nhà đầu tư FOMO không sợ rủi ro, mà sợ bị đứng ngoài trong lúc người khác giàu lên.

Khi bạn là người đến trễ trong bữa tiệc tăng giá

Thị trường tài chính hoạt động theo chu kỳ, và các con sóng đầu cơ thường có mẫu số chung: một nhóm nhà đầu tư chuyên nghiệp “mở tiệc”, sau đó đến lượt nhà đầu tư cá nhân nhập cuộc, và cuối cùng là những người gia nhập muộn nhất, thường bị gọi là “nhà đầu tư cuối cùng của bữa tiệc”.

Họ là những người mua vào ở vùng giá cao nhất, khi tất cả kỳ vọng tích cực đã được phản ánh vào giá cổ phiếu. Lúc đó, lực mua mới yếu dần, dòng tiền lớn âm thầm rút lui, và thị trường bắt đầu đảo chiều. Khi nhận ra mình bị “đu đỉnh”, nhà đầu tư FOMO rơi vào trạng thái hoang mang: bán thì tiếc, giữ thì sợ. Kết cục thường là gồng lỗ kéo dài, mất phương hướng và chán nản rút khỏi thị trường.

Đáng nói là, FOMO có khả năng lặp lại nhiều lần nếu nhà đầu tư không nhận diện được nó. Sau mỗi cơn sóng, thị trường lại tạo ra các “điểm nóng” mới – nhóm cổ phiếu ngành mới, mã chứng khoán vừa tăng mạnh, hoặc thậm chí là tài sản thay thế như tiền số, hàng hóa. Nếu không xây dựng được nguyên tắc đầu tư vững vàng, nhà đầu tư sẽ luôn chạy theo đám đông và luôn đến muộn.

Làm chủ FOMO: Từ phản xạ cảm xúc đến hành vi có chiến lược

Để tránh rơi vào cái bẫy FOMO, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần học cách làm chủ cảm xúc, xây dựng cho mình một chiến lược đầu tư rõ ràng – từ việc xác định khẩu vị rủi ro, kỳ vọng lợi nhuận, tới phương pháp lựa chọn cổ phiếu và thời điểm giải ngân.

Thay vì hỏi “cổ phiếu nào đang tăng mạnh?”, hãy hỏi “doanh nghiệp nào có nội lực thực sự để phát triển bền vững?”. Thay vì mua theo đà lan truyền của mạng xã hội, hãy phân tích kỹ yếu tố cơ bản, dòng tiền, định giá và bối cảnh vĩ mô. Và quan trọng nhất, hãy chấp nhận rằng cơ hội luôn còn phía trước. Bỏ lỡ một con sóng không phải là thua cuộc – miễn là bạn còn vốn và còn tỉnh táo để đón cơ hội kế tiếp.

Nhà đầu tư thành công không phải là người luôn luôn đúng, mà là người biết giữ mình không sai quá sâu và không sai quá lâu. FOMO có thể khiến bạn đi chệch một lần, nhưng nếu không tỉnh táo, nó sẽ lặp lại như một vòng luẩn quẩn đầy tốn kém.

Nguyễn Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán