Tính từ cuối tháng 5/2023 đến cuối tháng 7/2023, thị giá cổ phiếu MWG của Công ty CP Thế giới Di động đã xác lập nhịp tăng ấn tượng với mức tăng lên tới gần 45% kèm thanh khoản gia tăng mạnh. Sau đó, cổ phiếu này có dấu hiệu đi ngang quanh vùng giá từ 51.000 – 54.000 đồng/cp trong tháng 8 và bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại trong những phiên gần đây. Chốt phiên 20/9, cổ phiếu MWG tăng lên mức 55.800 đồng/cp.
Điều đáng nói, trong lúc cổ phiếu giao dịch tích cực trở lại nhưng từ các thành viên Hội đồng quản trị Thế giới Di động như ông Đoàn Văn Hiểu Em, Đặng Minh Lượm đến các quỹ đầu tư Arisaig Partners (Asia) Pte Ltd, Arisaig Asia Fund Limited, Dragon Capital… lại liên tục bán ra hàng triệu cổ phiếu MWG để giảm tỷ lệ sở hữu.
Trong một báo cáo vào giữa năm ngoái, Arisaig Partners (Singapore) đánh giá rất cao tiềm năng tăng trưởng của MWG, đặc biệt là Bách Hoá Xanh. Quỹ ngoại còn nhận định mảng bán lẻ bách hoá sẽ vươn lên đóng góp phần lớn vào doanh thu của MWG trong 5 năm tới.
Đáng chú ý, Arisaig Asian Fund Limited, quỹ thành viên thuộc Arisaig Partners từng nhiều lần khẳng định việc đầu tư dài hạn vào Thế giới Di động và không có tư duy giao dịch cổ phiếu, nhưng sau khoảng 3 năm nắm giữ, quỹ ngoại này đã liên tục bán bớt cổ phiếu và giảm sở hữu tại doanh nghiệp hàng đầu ngành bán lẻ, lý do đưa ra là tái cơ cấu đầu tư.
Tính chung từ đầu tháng 8 tới nay, cổ phiếu MWG cũng lọt top chứng khoán bị bán ròng mạnh nhất bởi nhà đầu tư nước ngoài với giá trị hơn 500 tỷ đồng. Hơn nữa, cổ phiếu MWG còn ghi nhận tình trạng "hở room" ngoại diễn ra thường xuyên hơn.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG từ đầu năm 2023 đến nay |
Thống kê trong hơn một tháng qua, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại MWG giảm rõ rệt, từ mức tối đa 49% đã giảm về sát ngưỡng 48,4%, tương ứng lượng cổ phiếu nhà đầu tư nước ngoài có thể mua thêm lên tới gần 8,5 triệu đơn vị. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu đại gia ngành bán lẻ này. Dù vậy, thị trường lại không còn được chứng kiến cảnh “tranh mua” của nhà đầu tư ngoại nữa.
Khác với trước đây, cổ phiếu MWG từng được ví như một trong những thỏi nam châm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Room ngoại của MWG thường xuyên được phủ kín 49% và hầu như chỉ hở ra do các hoạt động ESOP, nhưng sau đó đều nhanh chóng được lấp đầy. Nhiều giao dịch ghi nhận khối ngoại phải chấp nhận trả một mức giá chênh (premium) cao nhất thị trường, lên đến 40% so với thị giá để được sở hữu cổ phiếu MWG.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhà đầu tư nước ngoài đang có dấu hiệu kém mặn mà đối với MWG. Những giao dịch premium không còn xuất hiện, thậm chí các lệnh thỏa thuận trực tiếp trên sàn với biên độ tối đa +/-7% cũng gần như không còn xuất hiện.
Cổ phiếu MWG về đỉnh, thành viên HĐQT Thế giới di động chốt lời 1 triệu đơn vị Theo thông báo mới đây, một thành viên HĐQT Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (HOSE: MWG) vừa đăng ký bán ra ... |
Lãnh đạo Thế giới Di động hoàn tất bán ra 1 triệu cổ phiếu MWG Đoàn Văn Hiểu Em báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu của người nội bộ Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động ... |
Iphone 15 ra mắt, doanh nghiệp bán lẻ có hưởng lợi? Nhu cầu suy yếu trong 6 tháng đầu năm 2023 khiến các doanh nghiệp bán lẻ như Thế giới Di động hay Công ty CP ... |
Nhật Hải