Cụ thể, bà Hà Thị Thanh Châu tiếp tục đăng ký bán 185.000 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 274.151 cổ phiếu (0,045% vốn điều lệ) về 89.151 cổ phiếu (chiếm 0,01% vốn điều lệ), giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 24/2 đến 24/3.
Trước đó, từ ngày 19/1 - 17/2, bà Hà Thị Thanh Châu đã bán ra 65.000 cổ phiếu trong tổng đăng ký 250.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 0,06% về còn 0,045% vốn điều lệ. Lý do không bán hết lượng đăng ký do giá không đạt kỳ vọng.
Như vậy, lượng cổ phiếu mà bà Hà Thị Thanh Châu đăng ký bán bằng lượng cổ phiếu trong đợt đăng ký bán vừa qua nhưng không bán hết.
Được biết, trong Báo cáo quản trị năm 2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIG đã giảm sở hữu từ 10,09% về còn 7,68% vốn điều lệ, tương ứng giảm sở hữu 2,41% vốn điều lệ; ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Chủ tịch HĐQT (con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn) đã giảm sở hữu từ 10,28% về còn 8,85% vốn điều lệ, tương ứng giảm sở hữu 1,43% vốn điều lệ; bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT (con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn) đã giảm sở hữu từ 3,61% về còn 2,98% vốn điều lệ, tương ứng bán ra 0,63% vốn điều lệ tại DIC Corp.
Nếu thống kê ba cha con ông Nguyễn Thiện Tuấn đã giảm sở hữu khoảng 4,47% vốn điều lệ tại DIC Corp trong năm 2022.
Ở một diễn biến khác, theo thống kê từ ngày 4/11/2022 đến 16/11/2022 dựa trên Công bố thông tin (không tính trường hợp mua vào của con gái Nguyễn Thị Thanh Huyền), gia đình Chủ tịch Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp tới 31.858.450 cổ phiếu DIG, tương ứng 5,22% vốn điều lệ. Trong đó, thời điểm bán giải chấp, cổ phiếu DIG giao dịch vùng từ 16.600 đồng về 10.800 đồng/cp.
Về kết quả kinh doanh, trong quý IV/2022, DIG ghi nhận doanh thu giảm 57% so với cùng kỳ năm trước, còn 391 tỷ đồng. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự sụt giảm mạnh của mảng chủ lực là kinh doanh bất động sản (giảm 77%, còn 183 tỷ đồng), trong khi đó mảng xây lắp lại có sự tăng trưởng (tăng 14 lần, lên 110 tỷ đồng). Lợi nhuận gộp đạt 109 tỷ đồng, giảm mạnh 72% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý, DIG chỉ có thêm 22 tỷ đồng doanh thu tài chính và 3 tỷ đồng lãi trong công ty liên doanh, liên kết. Nguồn thu này là quá bé nhỏ so với chi phí khổng lồ (chi phí tài chính đạt 55 tỷ đồng, tăng 11%; chi phí bán hàng 23 tỷ đồng, giảm 60%; chi phí quản lý 54 tỷ đồng, giảm 6%).
Vì thế, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh chỉ vỏn vẹn 1,3 tỷ đồng. Với thêm 2,5 tỷ đồng khoản lợi nhuận khác, lợi nhuận trước thuế quý IV/2022 của DIG chỉ đạt 3,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2,7 tỷ đồng, cùng giảm 99,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ các quý lỗ (quý IV/2015, quý II/2016, quý I/2017 và quý III/2022) đây là khoản lợi nhuận sau thuế theo quý thấp nhất của DIG kể từ quý I/2015 đến nay.
Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của DIG đạt 1.908 tỷ đồng, giảm 57% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu cả năm ghi nhận sự suy giảm của mảng bất động sản (giảm 42%, còn 1.132 tỷ đồng) trong khi đó mảng xây lắp tăng 58% (đạt 311 tỷ đồng) và mảng dịch vụ tăng 19% (đạt 187 tỷ đồng).
Lợi nhuận gộp đạt 637 tỷ đồng, giảm 30% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 33,38%, giảm nhẹ so với mức 35,47% của năm trước. Riêng biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh bất động sản là 47,52%, của mảng xây lắp là 17%,
Trong năm, doanh thu tài chính đạt 87 tỷ đồng, tăng 2,5 lần, nhưng vẫn quá thấp so với chi phí tài chính lên tới 264 tỷ đồng, tăng 2,6 lần. Với chi phí bán hàng 98 tỷ đồng (giảm 50%) và chi phí quản lý tới 177 tỷ đồng (tăng 11%), lợi nhuận trước thuế năm 2022 của DIG giảm tới 84%, chỉ đạt 197 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 144 tỷ đồng, giảm 85% so với năm trước.
Nhìn nhận nguyên nhân lợi nhuận suy giảm của DIG, có thể thấy ngoài việc doanh thu thuần giảm mạnh, còn do DIG đã không còn khoản thu nhập khác khổng lồ như của năm trước. Cụ thể, năm trước, DIG ghi nhận khoản thu nhập khác lên tới 873 tỷ đồng, là khoản chênh lệch do đánh giá hàng tồn kho.
Năm 2022, DIG đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.910 tỷ đồng. Như vậy, công ty hoàn thành 10,3% mục tiêu.
Không chỉ kinh doanh kém, dòng tiền năm 2022 của DIG cũng khá tệ. Dòng tiền kinh doanh âm 2.531 tỷ đồng (năm trước âm 801 tỷ đồng). Do đó, DIG đã phải tăng cường thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của các đơn vị khác để dòng tiền đầu tư dương 2.950 tỷ đồng.
Cũng nhờ vậy mà DIG giảm được quy mô vay mượn khi tiền thu từ đi vay chỉ còn 1.802 tỷ đồng, giảm 61% so với năm trước; trong khi tiền trả nợ gốc vay tăng 2,3 lần lên 2.975 tỷ đồng. Song lưu chuyển tiền thuần vẫn âm 754 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền cuối kỳ chỉ còn 246 tỷ đồng, giảm 75% so với đầu năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của DIG đạt 14.743 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm. Do quy mô vốn bằng tiền sụt giảm như trên đã nói, lượng tiền gửi ngân hàng của công ty chỉ còn khoảng 420 tỷ đồng, giảm hơn 80% so với đầu năm.
Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 4.371 tỷ đồng, tăng 27%. Các khoản phải thu dài hạn đạt 2.381 tỷ đồng, giảm 42%. Hàng tồn kho đạt 5.923 tỷ đồng, tăng 54%. Như vậy, tổng giá trị hàng tồn kho và các khoản phải thu là 12.675 tỷ đồng, chiếm, 86% tổng tài sản – một tỷ trọng đáng quan ngại. Đó là chưa kể công ty còn khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang 117 tỷ đồng (chủ yếu là dự án khu du lịch sinh thái, vui chơi giải trí Ba Sao và nhà máy gạch men).
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 là 6.995 tỷ đồng, giảm 24% so với đầu năm. Đáng kể là khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn chỉ còn 1.460 tỷ đồng, giảm 16%. Điểm khá là nợ vay đạt 3.884 tỷ đồng, giảm 21%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 7.747 tỷ đồng, tăng 1% so với đầu năm, DIG có hệ số D/E rất thấp. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện là 299 tỷ đồng.
Quỳnh Nga