Thực thi Hiệp định EVFTA: Đổi mới hoạt động công đoàn, đảm bảo cam kết về lao động EuroCham: Tiềm năng của Hiệp định EVFTA được doanh nghiệp chú ý hơn |
EU thể hiện sự quan tâm đa dạng đối với hàng hóa Việt Nam
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thông qua năm 2020 đã tạo nên bước ngoặt trong quan hệ kinh tế EU-Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc xóa bỏ thuế quan, EVFTA còn kích thích thương mại và đầu tư bằng cách loại bỏ gần như tất cả các loại thuế, giảm các rào cản pháp lý và quan liêu, bảo vệ chỉ dẫn địa lý và tạo thêm cơ hội trong các thị trường dịch vụ và mua sắm công. Điều này thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho tăng trưởng và phát triển của cả hai bên.
Các quốc gia châu Âu thể hiện sự quan tâm đa dạng đối với hàng hóa Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Theo Sách Trắng 2024 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong giai đoạn 2020-2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU vượt xa tăng trưởng xuất khẩu sang các nước không thuộc EU với mức tăng 34,4% so với 25,4% ở các nơi khác. Mức tăng đột biến này đã thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 14,2%, đạt 45,8 tỷ USD vào năm 2021, điều này đồng thời cho thấy sự đa dạng hóa và tiến bộ trong sản xuất.
Đến năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam vào EU đạt tổng cộng 38,5 tỷ Euro, tiếp tục tăng 33,9% vào năm 2022 lên 51,6 tỷ Euro. Trong khi đó, xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng có sự gia tăng mạnh mẽ – tăng từ 10,7 tỷ Euro vào năm 2021 lên khoảng 12,7 tỷ Euro vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 19,3%.
Sách Trắng 2024 của EuroCham ghi nhận, khối lượng thương mại năm 2022 phản ánh khả năng phục hồi và mở rộng trao đổi giữa EU và Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại đạt 64 tỷ Euro – tăng 30,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam giữ vị trí thứ 31 trong số các thị trường xuất khẩu lớn nhất của EU (0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của EU) và là nguồn nhập khẩu lớn thứ 11 (1,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU), cũng như chiếm vị trí thứ 16 trong tổng kim ngạch thương mại của EU. Đồng thời, EU là nước nhập khẩu lớn thứ 5, nước xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại tổng thể thứ 4 của Việt Nam.
Theo EuroCham, tăng trưởng thương mại song phương Việt Nam-EU thể hiện sự phụ thuộc kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Việt Nam và EU. Năm 2022, máy móc và thiết bị trở thành mặt hàng nhập khẩu chính của Việt Nam vào châu Âu với giá trị 22,5 tỷ Euro (chiếm 43,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU), tiếp đến là giày dép với giá trị 6,2 tỷ Euro và dệt may với giá trị 5,2 tỷ Euro. Các mặt hàng xuất khẩu chính của EU sang Việt Nam bao gồm hóa chất (4,2 tỷ Euro), máy móc (3 tỷ Euro) và thiết bị vận tải (765 triệu Euro) – điều này chứng tỏ động lực cung-cầu song phương bổ sung đã thúc đẩy trao đổi tích cực hơn.
Đặc biệt, EuroCham chỉ rõ, các quốc gia châu Âu thể hiện sự quan tâm đa dạng đối với hàng hóa Việt Nam, trong đó Hà Lan, Đức và Ý dẫn đầu nhập khẩu từ Việt Nam vào EU – phản ánh sức hấp dẫn lớn của sản phẩm Việt Nam tại châu Âu. Ngược lại, các nước EU có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất sang Việt Nam bao gồm Đức, Bỉ và Hà Lan – nhấn mạnh mối quan hệ thương mại hai chiều bền chặt.
Một sự phát triển quan hệ thương mại đáng chú ý là sự gia tăng thâm hụt - từ 11 tỷ Euro vào năm 2012 lên 28 tỷ Euro vào năm 2021, và tiếp tục tăng lên 39 tỷ Euro vào năm 2022. Mặc dù cho thấy châu Âu có nhu cầu ngày càng lớn đối với hàng hóa Việt Nam, điều này cũng báo hiệu các lĩnh vực cần tái cân bằng và triển vọng tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị từ EuroCham, khi người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong bối cảnh chuyển đổi xanh toàn cầu, các công ty cũng ưu tiên dịch vụ hậu cần xanh một cách chuyên nghiệp. Do vậy, Việt Nam phải đối mặt với những rào cản để phù hợp với trọng tâm chuỗi cung ứng xanh của EU, bao gồm việc thực thi các tiêu chuẩn và quy định nghiêm ngặt hơn về môi trường.
Ngoài ra, áp dụng công nghệ xanh đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi việc đảm bảo nguồn cung ứng minh bạch, bền vững từ các nhà cung cấp trong nước cũng có thể là một thách thức. Cải thiện hậu cần, cơ sở hạ tầng và kỹ năng, cộng với việc nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm bền vững, đặt ra những trở ngại đáng kể mà nếu vượt qua được, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia đi đầu trong phát triển chuỗi cung ứng xanh của châu Âu.
Ông Julien Guerrier - Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định, sau ba năm thực hiện, EVFTA đã tạo điều kiện để Việt Nam củng cố định hướng phát triển của đất nước bằng cách hỗ trợ thúc đẩy các quy định của Việt Nam tương thích với tiêu chuẩn quốc tế. Điều này đã cải thiện mức độ phù hợp về quy định và giảm bớt các rào cản pháp lý, tạo môi trường thuận lợi hơn cho tăng trưởng của Việt Nam.
Với những phát triển về kinh tế này, ông Julien Guerrier cho rằng, Việt Nam sẽ có cơ hội tăng cường hơn nữa năng lực kinh tế và nâng cao các quyền về xã hội và lao động. Nhờ đó, Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố vị thế như một tác nhân cốt lõi trong chiến lược đối tác của EU, tích cực tham gia vào các sáng kiến như Thỏa thuận xanh EU (EU Green Deal), Cửa ngõ Toàn cầu (Global Gateway) và Hiệp định khung về Tham gia giữa EU-Việt Nam (FPA). "Để đạt được mục tiêu này, điều cần làm là phải tham gia thảo luận sâu hơn và trao đổi hiểu biết chuyên sâu thực tế về môi trường kinh doanh và chính sách giữa EU và Việt Nam" - ông Julien Guerrier cho hay.
Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu cam kết hỗ trợ Việt Nam
Thời gian qua, EuroCham đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy thực hiện EVFTA thông qua hợp tác với các bên liên quan chính. Theo đó, tổ chức này đã tích cực hợp tác với các tổ chức EU, Phái đoàn EU tại Việt Nam và chính phủ Việt Nam để hiện thực hóa tiềm năng của hiệp định.
Ngoài ra, EuroCham còn tích cực đóng góp cho Ủy ban Thương mại của EVFTA và các ủy ban chuyên môn, đánh giá việc thực hiện hiệp định trong các lĩnh vực như đầu tư, thương mại dịch vụ, thương mại điện tử và mua sắm chính phủ; làm cầu nối quan trọng giữa Việt Nam và EU, tạo điều kiện trao đổi thông tin và phối hợp giữa các bên, đặc biệt là trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết để thực thi hiệu quả EVFTA.
Đáng kể, các cam kết của EuroCham còn bao gồm việc hỗ trợ các nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bằng cách thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng và góp phần phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực như công nghệ, pháp lý, bảo hiểm.
Bên cạnh đó, cam kết của EuroCham trong việc thực hiện đầy đủ EVFTA bao gồm xây dựng các thể chế, chính sách, khung pháp lý nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam; đồng thời tối đa hóa các cơ hội mà hiệp định mang tính bước ngoặt này mang lại cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Đặc biệt, Sách Trắng 2024 nhấn mạnh, EVFTA, với sự tham gia tích cực của EuroCham góp phần tạo tiền lệ cho các hiệp định thương mại quốc tế toàn diện và có trách nhiệm, mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu – ông Gabor Fluit cho biết, năm 2019, trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, tổng khối lượng giao dịch giữa EU và Việt Nam ở mức 57,81 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, chỉ hai năm sau khi triển khai, con số này đã tăng lên 66,78 tỷ USD – tăng 15%. Đánh giá cao quá trình chuyển đổi này, 31% thành viên EuroCham hiện xếp Việt Nam vào một trong số ba điểm đến đầu tư toàn cầu hàng đầu, theo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (“BCI”) của chúng tôi".
Theo Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit, đây rõ ràng là một lá phiếu tín nhiệm dành cho nền kinh tế Việt Nam. "Bên cạnh việc đánh giá cao những tiến bộ ấn tượng đã đạt được, với tư cách là một tổ chức, EuroCham có niềm tin rất vững chắc vào tiềm năng phát triển trong tương lai của Việt Nam. Và với tư cách là một đối tác lâu dài, đáng tin cậy trong suốt hành trình này, cộng đồng doanh nghiệp châu Âu vẫn giữ vững cam kết hỗ trợ Việt Nam"- ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Bảo Thoa