Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance – EVF) vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Theo kế hoạch, EVN Finance sẽ chào bán hơn 351 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận 1 quyền mua, 1 quyền mua được mua 1 cổ phiếu phát hành mới). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023. Cổ phiếu chào bán không bị hạn chế chuyển nhượng. Nếu thành công, công ty tài chính này sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi lên hơn 7.000 tỷ đồng.
Giá chào bán dự kiến 11.000 đồng/cp tương ứng tổng số tiền huy động gần 3.862 tỷ đồng sẽ được dùng phần lớn để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính có ứng dụng công nghệ số (3.562 tỷ đồng), còn lại 300 tỷ dành để tăng trưởng quy mô dịch vụ tài chính cho ngành năng lượng. Tiến độ sử dụng vốn dự kiến từ quý 2 đến quý 4/2023.
Đáng chú ý, giá chào bán cho cổ đông hiện hữu cao hơn 40% so với thị giá cổ phiếu EVF trên thị trường. Thị giá EVF hiện đang dao động quanh mức 7.800 đồng/cp, tăng 23% so với đáy hồi giữa tháng 11 năm ngoái nhưng chỉ bằng khoảng một nửa so với thời điểm cách đây một năm. Vốn hoá thị trường vào khoảng 2.700 tỷ đồng.
Với kế hoạch tăng vốn điều lệ như trên, EVN Finance lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu thu nhập lãi thuần đạt 1.072 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 23% so với thực hiện năm ngoái. Quy mô tổng tài sản hướng đến xấp xỉ 50.000 tỷ đồng, tăng 18% so với cuối năm 2022.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, EVF ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 455,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2021 và hoàn thành vượt mức kế hoạch Đại hội Đồng cổ đông đề ra.
Cụ thể, trong năm 2022 vừa qua, EVF ghi nhận tổng thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự đạt 2.666,7 tỷ đồng, tăng mạnh gần 51% so với năm 2021. Thu nhập lãi thuần đạt 919,2 tỷ đồng tăng 17% và đóng góp 80% vào tổng thu nhập hoạt động.
Ngoài thu nhập từ lãi thuần, lợi nhuận của EVF không đến từ hoạt động ngoại hối và chứng khoán đầu tư, mà được đóng góp bởi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 16,1 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động khác đạt 223,4 tỷ đồng và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần là 102,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế năm 2022 tăng 10% so với năm 2021 do chi phí hoạt động được kiểm soát tốt đồng thời chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm 28,8%.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của EVF đạt hơn 42.197 tỷ đồng, tăng 30,3% so với năm 2021, hoàn thành 114%. Tỷ lệ nợ xấu cải thiện, giảm 6% so với năm 2021.
Theo thuyết minh số 18, hoạt động phát hành giấy tờ có giá đạt số dư lên đến 10.254 tỷ đồng, tăng 69% so với năm 2021. Đáng chú ý là khoản huy động trái phiếu trên 5 năm là 1.725 tỷ đồng. Đây là giao dịch phát hành trái phiếu đầu tiên được bảo lãnh một phần tại Việt Nam, đồng thời EVF là tổ chức đầu tiên phát hành Trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do ICMA công bố.
Về quy mô vốn chủ sở hữu, tại 31/12/2022 EVF đạt 4.335 tỷ đồng, tăng 8,8% so với năm 2021. Mức tăng này chủ yếu đến từ đóng góp của nguồn lợi nhuận chưa phân phối.
Chứng khoán phiên sáng 14/4: NVL và LDG bớt "sóng gió", VN-Index biến động nhẹ Thị trường chứng khoán phiên sáng ngày 14/4 phân hóa trong biên độ hẹp. Chỉ số VN-Index vẫn biến động nhẹ quanh vùng giá 1.065 ... |
Tìm hiểu về Volume trong chứng khoán, cách sử dụng Volume hiệu quả trong chứng khoán Volume có thể giúp nhà đầu tư xác định được xu hướng giá, theo quy luật cung cầu nếu cung thấp hơn cầu thì giá ... |
Thị trường chứng khoán ngày 14/4/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ... |
Anh Khôi (t/h)