Tính riêng tháng 8, sản lượng điện của PGV đạt 2,69 tỷ kWh, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước trong đó sản lượng công ty mẹ đạt 2,38 tỷ kWh, tăng 34,4%.
EVNGENCO3 (PGV) đem về 3.860 tỷ đồng doanh thu trong tháng 8/2022 |
Bên cạnh đó, giá thanh toán điện toàn phần (FMP) bình quân tháng 8 đạt 1.511 đồng/kWh, cao hơn 51%, đây là tháng hồi phục thứ 3 liên tiếp về giá song vẫn thấp hơn vùng tháng 4.
Kết quả, công ty mẹ PGV đem về 3.860 tỷ đồng doanh thu - tăng 48,5% so với tháng 8/2021.
Theo đó, sản lượng điện lũy kế 8 tháng của PGV đạt 21,17 tỷ kWh, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện 66,47% kế hoạch năm. Trong đó, nhà máy thủy điện Buôn Kuốp tiếp tục được huy động cao do thủy văn thuận lợi, nhà máy nhiệt điện khí và than huy động theo nhu cầu của hệ thống. Các nhà máy điện đảm bảo sản lượng ứng phó trước mùa mưa bão.
Theo đó, doanh thu sản xuất điện lũy kế 8 tháng của công ty mẹ đạt 29.965 tỷ đồng - tăng 24% so với cùng kỳ, tương đương 68% kế hoạch năm.
Sang tháng 9, PGV đặt mục tiêu sản lượng điện toàn hệ thống đạt 2,5 tỷ kWh trong đó công ty mẹ 2,25 tỷ kWh, công ty con và liên kết 265 triệu kWh. Tổng công ty sẽ tập trung công tác cung ứng than đảm bảo vận hành các nhà máy nhiệt điện than.
Theo BCTC hợp nhất soát xét bán niên, PGV ghi nhận lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 1.411 tỷ đồng, tăng thêm 157 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, tương đương tăng 12,5%.
Doanh thu và lợi nhuận gộp gần như không thay đổi. Trong hoạt động tài chính, doanh thu giảm 117 tỷ đồng xuống 133 tỷ đồng và chi phí giảm 17,3 tỷ đồng xuống 947 tỷ đồng. Hoạt động liên doanh, liên kết lãi 253,4 tỷ đồng trong khi báo cáo tự lập không phát sinh. Đây là yếu tố khiến lợi nhuận doanh nghiệp có sự thay đổi.
EVNGENCO3 lý giải, tại thời điểm lập báo cáo tài chính quý II chưa soát xét, tổng công ty chưa có báo cáo tài chính của các công ty liên kết. Đến thời điểm lập BCTC hợp nhất giữa niên độ sau soát xét, tổng công ty thực hiện hạch toán các khoản đầu tư vào công ty liên kết theo phương pháp vốn chủ sở hữu nên doanh thu hoạt động tài chính giảm 99 tỷ đồng, phần lãi trong công ty liên kết đạt 253 tỷ đồng.
So với cùng kỳ năm trước, doanh thu tăng 16,3% lên 22.796 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 14% xuống 1.411 tỷ đồng.
Nửa đầu năm nay, đa phần các nhà máy của tổng công ty đều ghi nhận doanh thu tăng mạnh, đặc biệt là các nhà máy thủy điện như BuônKuốp, Buôn Tua Srah, Srêpốk. Ngược lại, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 huy động không cao do khó khăn chung của thị trường nhiên liệu than nên doanh thu giảm 8% so với nửa đầu 2021.
Tuy nhiên, lợi nhuận giảm chủ yếu do đánh giá lại chênh lệch tỷ giá cuối kỳ. Cụ thể, nửa đầu năm nay, doanh nghiệp lỗ chênh lệch tỷ giá 318 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 498 tỷ đồng.
Ngoài ra, chi phí lãi vay của EVNGENCO3 giảm được 30 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Tính đến cuối quý II, dự nợ vay dài hạn giảm hơn 2.141 tỷ đồng xuống 37.616 tỷ đồng và dự nợ dài hạn duy trì tương đương đầu năm ở mức 4.942 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 14/9 cổ phiếu PGV giảm 500 đồng về mức 25.600 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch 5.500 đơn vị.
Văn Toàn