Hạ lãi suất lần thứ 2 liên tiếp
Theo sau lần giảm mạnh 0,5 điểm phần trăm vào tháng 9/2024, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đã hạ lãi suất chính sách của Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, đưa phạm vi lãi suất mục tiêu xuống 4,50%-4,75%. Mức lãi suất này là nền tảng cho các khoản vay qua đêm giữa các ngân hàng và tác động đến các công cụ nợ tiêu dùng như vay thế chấp, thẻ tín dụng và khoản vay mua xe.
Đây là động thái đã được thị trường đoán trước từ những tín hiệu được đưa ra tại cuộc họp định kỳ tháng 9 và trong các bình luận của các nhà hoạch định chính sách kể từ đó.
Theo tuyên bố của FOMC, quyết định hạ lãi suất lần này được đưa ra dựa trên sự đồng thuận hoàn toàn của các thành viên, khác với lần trước khi quyết định vấp phải “phiếu chống” từ Thống đốc của FED, lần đầu tiên kể từ năm 2005. Lần này, Thống đốc FED Michelle Bowman đã đồng ý với quyết định hạ lãi suất.
Thông báo sau cuộc họp của FOMC phản ánh một số điều chỉnh trong cách FED nhìn nhận nền kinh tế. Đáng chú ý là sự thay đổi quan điểm trong việc đánh giá nỗ lực kiềm chế lạm phát đồng thời hỗ trợ thị trường lao động.
“Ủy ban đánh giá rằng, các rủi ro trong việc đạt được mục tiêu về việc làm và lạm phát hiện đang tương đối cân bằng”, thông báo cho biết, khác với quan điểm hồi tháng 9, khi FED bày tỏ “ngày càng tự tin” trong quá trình này.
Điều chỉnh chính sách
Tại thông báo sau cuộc họp tháng 11, các quan chức FED nhấn mạnh, việc nới lỏng chính sách là cần thiết trong bối cảnh việc hỗ trợ thị trường việc làm cần trở thành ưu tiên, ít nhất là ngang bằng với việc kiềm chế lạm phát. Cơ quan này nhận định "các điều kiện nhìn chung đã nới lỏng hơn và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên nhưng vẫn ở mức thấp".
Bên cạnh đó, FOMC một lần nữa cho biết, nền kinh tế “vẫn tiếp tục tăng trưởng vững chắc”.
Các quan chức FED lý giải thay đổi trong chính sách là một nỗ lực để đưa cấu trúc lãi suất phù hợp hơn với một nền kinh tế có lạm phát đang tiến về mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, trong khi thị trường lao động cũng cho thấy một số dấu hiệu suy yếu.
“Việc điều chỉnh lại chính sách này sẽ giúp duy trì sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời tiếp tục cho phép đạt được tiến bộ hơn nữa về lạm phát khi chúng ta tiến tới một lập trường trung lập hơn”, Chủ tịch FED Jerome Powell phát biểu tại họp báo sau cuộc họp chính sách tháng 11.
Hiện vẫn còn nhiều sự không chắc chắn về mức độ mà FED sẽ cần cắt giảm khi nền kinh tế vĩ mô tiếp tục tăng trưởng ổn định và lạm phát vẫn là vấn đề gây áp lực cho các hộ gia đình Mỹ.
GDP của Mỹ đã tăng trưởng 2,8% trong quý III/2024, thấp hơn kỳ vọng và giảm nhẹ so với quý trước đó nhưng vẫn cao hơn xu hướng lịch sử của Mỹ là khoảng 1,8%-2%. Dự báo sơ bộ của FED chi nhánh Atlanta cho thấy, mức tăng trưởng GDP quý IV/2024 sẽ rơi vào khoảng 2,4%,
Mặt khác, thị trường lao động vẫn khá vững vàng, tuy nhiên, số lượng việc làm phi nông nghiệp chỉ tăng 12.000 trong tháng 10 vừa qua đã gây thất vọng, mặc dù con số yếu kém này một phần là do các trận bão ở khu vực Đông Nam nước Mỹ và các cuộc đình công.
Quyết định diễn ra trong bối cảnh chính trị đang thay đổi. Nước Mỹ vừa trải qua cuộc bầu cử Tổng thống thứ 47. Ông Donald Trump đã giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử vào ngày 6/11.
Các nhà kinh tế phần lớn dự đoán các chính sách của ông Trump sẽ gây ra thách thức đối với lạm phát, với ý định về việc áp dụng các mức thuế quan trừng phạt và trục xuất hàng loạt những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ đầu của ông, lạm phát vẫn giữ ở mức thấp trong khi tăng trưởng kinh tế ổn định, ngoại trừ giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19.
Dẫu vậy, ông Donald Trump đã từng là một người chỉ trích quyết liệt quan điểm chính sách của Chủ tịch FED Powell và các đồng nghiệp trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Trong khi đó, ông Powell sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2026.
Các quan chức của ngân hàng trung ương luôn tránh bình luận về các vấn đề chính trị nhưng vị tân Tổng thống Mỹ có thể sẽ là một ảnh hưởng đối với hướng đi của chính sách trong tương lai.
Tại họp báo, Chủ tịch FED khẳng định, chính quyền mới sẽ không tác động trực tiếp đến chính sách tiền tệ.
“Trong ngắn hạn, cuộc bầu cử sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của chúng tôi”, ông Powell nói và cho biết thêm, ông sẽ không từ chức ngay cả khi tân Tổng thống yêu cầu.
Theo ghi nhận của CNBC, người đứng đầu ngân hàng trung ương kết thúc cuộc họp báo sớm hơn bình thường sau khi nhận được hàng loạt câu hỏi về chính quyền mới.
Tín hiệu về tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai
Đã có những câu hỏi về “điểm cuối” trong lộ trình nới lỏng lãi suất của FED, hay nói cách khác là mức lãi suất mà ngân hàng trung ương cho là phù hợp để không thúc đẩy hay kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch dự đoán FED có khả năng sẽ hạ lãi suất thêm một lần giảm 0,25 điểm phần trăm nữa vào tháng 12/2024 tới, sau đó tạm dừng vào tháng 1/2025 để đánh giá tác động của chính sách
Krishna Guha, Phó Chủ tịch Evercore ISI nhận định, tuyên bố chung của FED cho thấy định hướng duy trì ổn định chính sách trong thời gian tới trong khi các quan chức dành thời gian để tiếp thu các cú sốc từ chính sách kinh tế của ông Trump.
Trong cuộc họp tháng 9/2024, các thành viên FOMC bày tỏ kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm thêm 0,5 điểm phần trăm vào cuối năm nay và sau đó thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2025.
FED đang trong quá trình đưa nền kinh tế Mỹ “hạ cánh mềm”, kéo giảm lạm phát mà không gây ra suy thoái.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ công bố tuần trước, trong tháng 9/2024, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 2,1% so với cùng kỳ, giảm 0,2 điểm phần trăm so với tháng 8 và tiến rất gần mục tiêu 2%. Tuy nhiên, loại trừ năng lượng và thực phẩm, PCE lõi vẫn tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Quỳnh Lê