Ngành xây dựng – nhóm xây dựng dân dụng
Trong năm 2022, nhóm này ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực với 42,1 nghìn tỷ doanh thu (+27% YoY, chưa hồi phục về mức trước dịch) và lỗ 530 tỷ sau thuế (cùng kỳ lãi 870 tỷ), chủ yếu do nhóm khách hàng chính là các nhà phát triển bất động sản gặp khủng hoảng thanh khoản trong nửa cuối năm 2022 khi đồng thời phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị thắt chặt và mặt bằng lãi vay tăng.
Trong năm 2023, FPTS dự kiến nhóm doanh nghiệp xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục khó khăn khi các khách hàng bất động sản vẫn phải đối mặt với vấn đề thanh khoản. Doanh thu dự phóng đạt 37,5 nghìn tỷ (-11% YoY) và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 68 tỷ (cùng kỳ lỗ 530 tỷ). Trong đó, doanh thu sụt giảm chủ yếu do nhu cầu phát triển dự án của các khách hàng bất động sản chững lại khi mặt bằng lãi suất cho vay tăng. Về mặt lợi nhuận, nhóm xây dựng dân dụng dự kiến được hưởng lợi từ kỳ vọng chi phí đầu vào tăng chậm lại, tuy nhiên sẽ phải chịu áp lực đáng kể từ chi phí tài chính khi mặt bằng lãi suất và tổng nợ vay dự kiến đều tăng.
Cần lưu ý rằng, dự phóng trên chưa bao gồm các khoản bất thường – trong đó đáng kể nhất là chi phí dự phòng phải thu khó đòi và các khoản doanh thu/chi phí liên quan tới đầu tư tài chính (chủ yếu là đầu tư cổ phiếu và hợp tác đầu tư dự án bất động sản)…
Ngành thép
Theo thống kê của FPTS, trong năm 2023 ngành thép Việt Nam hiện có khoảng 20 doanh nghiệp niêm yết và chia thành các nhóm doanh nghiệp sản xuất từ phôi (lò BOF hoặc lò EAF) (xem thêm tại Phụ lục), nhóm gia công sản xuất tôn mạ và nhóm doanh nghiệp thương mại. Trong khuôn khổ báo cáo dự phóng kết quả kinh doanh ngành thép Việt Nam năm 2023, chúng tôi đưa ra con số dự phóng dựa trên việc nghiên cứu 9 doanh nghiệp thép niêm yết (tương ứng với tỷ trọng vốn hóa 94,9% tổng giá trị vốn hóa các doanh nghiệp thép niêm yết tại ngày 09/03/2023. Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp lớn nhất ngành khi chiếm tới 82,5% tổng vốn hóa…
Ngành nhựa – nhóm nhựa xây dựng
Năm 2022, kết quả kinh doanh ngành nhựa xây dựng tăng trưởng tích cực, một số doanh nghiệp đạt kết quả cao kỷ lục. Cụ thể, doanh thu thuần tăng trưởng 22,6% YoY nhờ (1) sản lượng phục hồi từ mức nền thấp của năm 2021 và (2) giá bán ống nhựa được duy trì ở mức cao sau khi các doanh nghiệp lần lượt tăng mạnh giá bán trong năm 2021 để bù đắp chi phí đầu vào. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng mạnh 62,5% YoY và biên lợi nhuận gộp mở rộng khi giá hạt nhựa, đặc biệt là giá PVC giảm mạnh trong 2H2022 sau khi lập đỉnh vào T10/2021.
Dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023: Kết quả kinh doanh của ngành nhựa xây dựng chịu ảnh hưởng chính bởi chu kỳ sản lượng tiêu thụ và diễn biến giá hạt nhựa.
Doanh thu: FPTS dự phóng doanh thu thuần năm 2023 đạt 11.096 tỷ VNĐ (-3,5% YoY) do (1) sản lượng tiêu thụ tăng trưởng 4,3% YoY, chậm lại bởi nhu cầu cho ống nhựa từ ngành xây dựng ảm đạm và (2) giá bán ống nhựa trung bình năm giảm -7,5% YoY trong bối cảnh ngành cạnh tranh cao, thêm nữa giá hạt nhựa hạ nhiệt sẽ tạo dư địa cho các doanh nghiệp trong ngành giảm giá bán.
Biên lợi nhuận gộp: Xét về giá hạt nhựa đầu vào (chiếm 60%-70% tổng giá thành nhựa xây dựng), chúng tôi giả định giá PVC, HDPE và PP trung bình năm 2023 đạt lần lượt 978 USD/tấn, 1.115 USD/tấn và 1.143 USD/tấn, phục hồi so với mức cuối năm 2022 vì (1) kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ trên thế giới cải thiện và (2) dự phóng giá dầu đi ngang. Tuy nhiên, giá hạt nhựa trung bình năm 2023 vẫn thấp hơn năm 2022 khoảng ~7%-8% do ảnh hưởng bởi mức giá cao trong nửa đầu năm 2022. Kết hợp cùng với kỳ vọng giảm giá bán ống nhựa, chúng tôi ước tính biên lợi nhuận gộp ngành nhựa xây sẽ giảm nhẹ -0,3 đpt YoY, đạt 25,8% trong năm 2023.
Chi phí bán hàng: Dự phóng đạt 1.041 tỷ VNĐ (-7,3% YoY), trong đó riêng Chiết khấu thương mại đạt 601 tỷ VNĐ (-6,5% YoY) - chiếm tỷ trọng lớn nhất ~57,7% trong chi phí bán hàng. Chi phí chiết khấu được cắt giảm khi giá hạt nhựa đang tăng trở lại và cạnh tranh cao gây áp lực giảm giá bán lên các doanh nghiệp.
Chi phí quản lý doanh nghiệp: FPTS giả định tỷ lệ Chi phí quản lý doanh nghiệp/Doanh thu thuần được duy trì bằng mức trung bình trong quá khứ, đạt ~2,7%, tương ứng Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 302 tỷ VNĐ (+6,8% YoY).
Chi phí tài chính: Dự phóng đạt 303 tỷ VNĐ (+1,3% YoY), trong đó riêng khoản Chiết khấu thanh toán đạt 200 tỷ VNĐ (-3,4% YoY) - chiếm tỷ trọng lớn nhất ~68,2% trong chi phí tài chính. Chiết khấu thanh toán được ước tính dựa trên giả định tỷ lệ Chiết khấu thành toán/Doanh thu thuần tương đương mức trung bình trong quá khứ. Chi phí lãi vay đạt 90 tỷ VNĐ (+14,4% YoY) do mặt bằng lãi suất cao, ước tính lãi suất vay nợ trung bình tăng 1 đpt YoY…
Ngành dầu khí – nhóm dịch vụ khai thác
Kết quả kinh doanh nhóm cung cấp dịch vụ khai thác chịu ảnh hưởng gián tiếp bởi diễn biến giá dầu thông qua nhu cầu khai thác và thăm dò dầu khí do đó thường có độ trễ 6 – 12 tháng so với diễn biến giá dầu.
Kết quả kinh doanh 2022: Giá dầu tăng mạnh, đạt mức 100,1 USD/thùng tương ứng với mức tăng trưởng 42,4%yoy giúp thị trường khai thác dầu khí thượng nguồn sôi động trở lại. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nhóm cung cấp dịch vụ khai thác phục hồi, tuy nhiên lợi nhuận ròng sụt giảm do tác động bởi các yếu tố bên ngoài hoạt động kinh doanh như (1) Trích lập dự phòng khoản phải thu, (2) Chi phí lãi vay tăng mạnh và (3) Lỗ tỷ giá.
Trong năm 2023, FPTS cho rằng triển vọng kinh doanh nhóm dịch vụ khai thác sẽ tiếp tục khả quan với kì vọng (1) Kịch bản giá dầu đạt 92 USD/thùng giúp hoạt động khai thác dầu khí tiếp tục diễn ra sôi động và (2) Luật dầu khí sửa đổi và hành động thúc đẩy của các dự án dầu khí lớn trong nước của Chính Phủ.
Với triển vọng trên, FPTS dự phóng doanh thu nhóm dịch vụ khai thác tăng trưởng 23,1%, đạt 26.879 tỷ đồng trong năm 2023. Lợi nhuận gộp và lợi nhuận ròng của nhóm dịch vụ khai thác trong năm 2023 có mức tăng trưởng cao, lần lượt đạt 45,7% và 100,6%...
Xem chi tiết báo cáo của FPTS tại đây >>>>
FPTS: Báo cáo triển vọng 2023 – “Tính chu kỳ và chuyện đầu tư” Theo Chứng khoán FPT (FPTS), đầu tư vào một cổ phiếu không còn là câu chuyện rời rạc của riêng doanh nghiệp, riêng ngành nghề ... |
Nguyễn Hoàng