"Nội chiến" ở Xây dựng Hòa Bình: Ông Nguyễn Công Phú rút khỏi HBC Hé lộ danh sách chủ các khoản nợ hơn 6.000 tỷ đồng tại Xây dựng Hòa Bình Xây dựng Hòa Bình (HBC) khi nào qua "cơn bĩ cực"? |
Chiều ngày 26/7, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) thông báo nhận được Báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2023 của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán HBC).
Qua xem xét, HOSE nhận thấy lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 của HBC là âm 3.240 tỷ đồng, vượt quá số vốn điều lệ thực góp của doanh nghiệp (2.741 tỷ đồng).
Ở góc độ lạc quan, cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết sẽ không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Ảnh minh họa) |
Theo đó, căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020, cổ phiếu HBC thuộc diện bị hủy bỏ niêm yết với tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp theo quy định.
Bên cạnh đó, căn cứ Công văn số 4615/UBCK-PTTT ngày 24/7/2024 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc xem xét hủy niêm yết bắt buộc, cổ phiếu HBC rơi vào trường hợp hủy niêm yết bắt buộc. Điều đó có nghĩa, nếu không có sự thay đổi bất ngờ nào, cổ phiếu HBC sắp tới sẽ buộc phải rời khỏi sàn chứng khoán theo quy định.
Trước đó, cổ phiếu HBC vừa được chuyển từ diện hạn chế giao dịch sang diện kiểm soát từ ngày 19/1 do doanh nghiệp này đã khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch theo quy định tại khoản 5 Điều 39, nhưng chưa đáp ứng quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 38 quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết.
Với hơn 274 triệu cổ phiếu lưu hành và có số cổ đông lên tới 37.460 người (cập nhật tại ngày 3/4/2024), HBC có lẽ là cổ phiếu được giới đầu tư ưa chuộng nhất trong ngành xây dựng. Việc mã này không còn giao dịch khiến nhiều người thấp thỏm như ngồi trên đống lửa. Câu hỏi bây giờ là nhà đầu tư cần làm gì để bảo vệ quyền lợi?
Số phận của hàng chục nghìn cổ đông?
Ở góc độ lạc quan, cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết sẽ không làm thay đổi quyền lợi của nhà đầu tư với tư cách cổ đông của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình. Vậy nhưng, điều đó sẽ khiến cổ phiếu của họ không được giao dịch, mua bán, chuyển đổi trên sở giao dịch chứng khoán, được hiểu như cổ phiếu bị treo, bị đóng băng, "tắt thanh khoản" và không thể chuyển đổi thành tiền mặt được.
Theo khoản 2 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật chứng khoán, khi cổ phiếu của công ty hủy bỏ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng thì phải đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM để nhà đầu tư có thể tiếp tục mua bán cổ phiếu tại đây. Bên cạnh đó, doanh nghiệp có nghĩa vụ phải đảm bảo cổ phiếu cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cổ đông HBC cũng cần chuẩn bị tâm lý cho việc khoản đầu tư của mình không tránh khỏi việc bị giảm giá, bởi trên thực tế các doanh nghiệp được giao dịch trên HOSE và HNX vẫn được thị trường ưu ái nhất định, thanh khoản cao hơn bên UPCoM.
Viễn cảnh này có thể kéo dài tới 2 năm, vì theo Khoản 1 Điều 122 Nghị định 155/2020 quy định, tổ chức có cổ phiếu bị hủy niêm yết theo quy định tại Điều 120, Điều 121 Nghị định này chỉ được đăng ký niêm yết lại sau khi giao dịch tối thiểu 2 năm trên hệ thống giao dịch UPCoM.
Nhưng cũng lưu ý, cổ phiếu bị hủy niêm yết không đồng nghĩa bị hủy giá trị, nhà đầu tư không cần lo mất trắng. Trong trường hợp doanh nghiệp vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh, việc giá cổ phiếu tăng ngược trở lại là hoàn toàn có khả năng.
Bước sang năm 2024, quý II vừa qua, HBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế lên tới 684,4 tỷ đồng, mức cao nhất theo quý kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán tháng 12/2006. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp mang về gần 741 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, khả quan hơn số lỗ 713 tỷ đồng cùng giai đoạn năm 2023. Doanh nghiệp cũng đã vượt rất xa kế hoạch lợi nhuận cho cả năm (433 tỷ đồng). Nhưng một vấn đề gây băn khoăn, đó là tăng trưởng lợi nhuận bán niên 2024 chủ yếu dựa vào khoản đột biến 518 tỷ đồng từ lợi nhuận khác, cao gấp gần 90 lần cùng kỳ. Phần lớn nguồn thu này đến từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (503 tỷ đồng). Tương tự, HBC cũng đem về 160 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng mạnh gấp 6,8 lần cùng kỳ, trong đó 128 tỷ đồng đến từ lãi bán các khoản đầu tư. Những khoản lãi bất thường không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi chỉ mang tính thời điểm, thiếu bền vững, chưa đủ cơ sở cho thấy bức tranh tích cực của doanh nghiệp. |