|
Theo Tổng cục Thống kê, GDP của Việt Nam tăng 7,7% trong quý II/2022, mức tăng trưởng quý II mạnh nhất kể từ năm 2011. Sự phục hồi mạnh mẽ này nhờ tiêu dùng trong nước phục hồi với tổng mức bán lẻ tăng 11,7% trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh 17,3% và giải ngân vốn FDI ổn định tăng 8,9%.
Do đó, chuyên gia của VNDIRECT kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 7,8% trong 6 tháng cuối năm, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng cả năm 2022 lên 7,1%. Các động lực chính cho mức tăng trưởng này đến từ mức nền thấp của quý III/2021 khi GDP của Việt Nam giảm 6,0%, các hoạt động dịch vụ, bao gồm giao thông công cộng, du lịch và giải trí phục hồi mạnh mẽ hơn, các gói kích thích kinh tế mới (giảm 2% VAT, gói bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, giải ngân gói đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng, ...), dòng vốn FDI phục hồi sau khi Chính phủ cho phép nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn là mối lo ngại hàng đầu. Dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng trong 6 tháng cuối năm do chỉ số giá lương thực thực phẩm tăng trong bối cảnh giá thịt lợn tăng. Cùng với đó, giá xăng dầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong nửa cuối năm 2022, giá nguyên liệu đầu vào cao hơn kéo theo chi phí sản xuất hàng tiêu dùng tăng. Tuy nhiên, Chính phủ có thể giữ CPI bình quân năm 2022 dưới 4,0% và đã thực hiện các giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát trong năm nay, bao gồm giảm thuế môi trường đối với xăng dầu và điều chỉnh giá dịch vụ công. Nhìn chung, VNDIRECT duy trì dự báo CPI bình quân của Việt Nam năm 2022 ở mức 3,5%.
"Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức để hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường. Tăng trưởng tín dụng của Việt Nam sẽ vẫn giữ được đà tăng và đạt 14% vào năm 2022. Ngân hàng Nhà nước có thể nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022", Báo cáo cập nhật vĩ mô của Công ty chứng khoán VNDIRECT đề cập.
Bùi Trang