Giá ca cao tăng kỷ lục, doanh nghiệp bánh kẹo gồng mình chống lỗ

27/09/2024 - 22:34
(Bankviet.com) Giá nguyên liệu ca cao tăng gấp 4-5 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp ngành hàng bánh kẹo đang đối diện với bài toán khó khăn chưa từng có.
Tại sao cacao lại có “giá trị như vàng”? Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 30/4: Giá ca-cao lao dốc hơn 15%, giá dầu hạ nhiệt Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 25/6/2024: Cacao giảm sâu về mức thấp nhất trong 1 tháng Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 2/7/2024: Giá ca cao giảm sâu 5,67% bất chấp lo ngại thiếu hụt nguồn cung

Doanh nghiệp đối diện với bài toán càng làm, càng lỗ

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hoàng Danh Hữu - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại dịch vụ nông trại EDE (sở hữu thương hiệu Miss Ede) - cho hay, doanh nghiệp đang rất vất vả, bởi nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp muốn tăng giá thì cũng không biết tăng như thế nào.

Giá ca cao tăng kỷ lục, doanh nghiệp bánh kẹo gồng mình chống lỗ. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)
Nguồn cung cacao tại Việt Nam năm nay đạt khoảng 1.500-2.000 tấn, giảm hơn một nửa so với trước. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Ngoài câu chuyện giá tăng, thời điểm hiện tại cũng đang vào cuối vụ ca cao, dịch bệnh đang hoành hành ở Việt Nam và Bắc Phi, khiến sản lượng ca cao đang sụt giảm. Với những doanh nghiệp nhỏ như Miss Ede cũng không dám nhập nguyên liệu thêm trong giai đoạn này để trữ hàng vì giá quá cao so với thực tế. Giá nguyên liệu sản xuất cao, đẩy giá thành sản xuất tăng, doanh nghiệp càng làm, càng lỗ.

Trong bối cảnh giá nguồn nguyên liệu đầu vào tăng quá cao như hiện nay buộc doanh nghiệp ‘phải gồng’ và sản xuất cầm chừng những đơn hàng mà doanh nghiệp đã kết nối hoặc đã ký kết lâu dài để giữ khách hàng. Thời điểm này, để đẩy mạnh sản xuất là rất khó. Càng sản xuất, doanh nghiệp sẽ đối mặt với thua lỗ càng lớn.

“Chúng tôi buộc phải đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng có tỷ lệ nguyên liệu ca cao ít hơn, ví dụ các sản phẩm cacao pha chế bao gồm sữa và đường, tỷ lệ cacao sẽ ít hơn 40% so với cacao nguyên chất. Khi đó, doanh nghiệp sẽ vẫn giữ được một ít lợi nhuận để duy trì. Còn với trường hợp socola thanh nguyên bản (sử dụng toàn bộ nguyên liệu cacao) thì sẽ rất khó”, ông Hoàng Danh Hữu cho hay.

So với thời điểm này của năm ngoái, giá ca cao tăng khoảng gấp 4-5 lần. Giá bán đầu ra doanh nghiệp cũng đã điều chỉnh tăng một chút, tuy nhiên, khó vượt qua 10%, bởi người tiêu dùng không chấp nhận việc tăng giá một sản phẩm quá nhiều. Các đối tác bán hàng của Miss Ede cũng e ngại nếu các nhà sản xuất điều chỉnh giá quá nhiều.

Không chỉ những doanh nghiệp nhỏ, ngay cả những doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo lớn cũng đang đối diện với bài toán giá nguyên liệu cacao leo thang chóng mặt.

“Orion với sản phẩm bánh ChocoPie bán chạy nhất tại Việt Nam cho biết, hiện tại giá nguyên vật liệu cacao leo thang ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí sản phẩm, chúng tôi vẫn đang cố gắng gồng gánh phần chi phí này để duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng”, đại diện Orion chia sẻ và cho biết, tuy vậy, áp lực chi phí ngày càng lớn khiến việc duy trì mức giá hiện tại rất khó khăn.

Đại diện Saigon Co.op cũng cho hay, việc tăng giá bán là khó tránh khi nguyên liệu sản xuất socola leo thang. Tình trạng này cũng ảnh hưởng đến các công ty quốc tế như Hershey, Mars, Ferrero và Mondelez. Họ cố gắng duy trì giá nhờ vào nguồn dự trữ, nhưng các công ty này cảnh báo từ năm 2025, cacao có thể tăng mạnh buộc họ phải điều chỉnh giá bán sản phẩm.

Chờ vào vụ mùa mới, giá sẽ không tăng thêm nữa

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2022, Việt Nam có khoảng 3.400 ha trồng cacao, sản lượng gần 5.300 tấn. Tuy nhiên, nguồn cung năm nay khoảng 1.500-2.000 tấn, giảm hơn một nửa so với trước do nhiều nông dân chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.

Giá ca cao tăng kỷ lục, doanh nghiệp bánh kẹo gồng mình chống lỗ
Giá ca cao tăng kỷ lục, doanh nghiệp bánh kẹo gồng mình chống lỗ. (Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển)

Đại diện Puratos Grand-Place Việt Nam – cho hay, hiện doanh nghiệp đang thu mua khoảng 70% sản lượng cacao của Việt Nam. So với công suất của nhà máy chế biến cacao của doanh nghiệp có khả năng đạt công suất 2.000 tấn/năm, nguồn cung hiện tại là không đủ để công ty duy trì vận hành nhà máy, do đó công ty hiện đang phải nhập khẩu thêm các nguồn hạt từ các nước khác lân cận trong khu vực và châu Phi để đảm bảo công suất nhà máy.

Trong bối cảnh giá cacao tăng đột biến, đại diện Puratos Grand-Place Việt Nam cho hay, việc này đang gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung ứng nguyên liệu thô (hạt cacao) không bị đứt gãy cũng như giá bán sản phẩm của Công ty không biến động quá mạnh gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của khách hàng tại thị trường Việt Nam.

Tính từ đầu năm đến nay, Puratos Grand-Place Việt Nam đã phải tăng giá bán nhiều hơn 1 lần cho các sản phẩm socola và cacao. Tùy mã sản phẩm cụ thể, mức tăng tăng khoảng 20-30%. Nếu so với đà tăng của giá ca cao trên thị trường thế giới (sàn ICE London) có thời điểm tăng đến hơn 250% vào giữa tháng 4/2024 so với giá giao động vào giữa tháng 1/2024. Công ty đã rất nỗ lực trong việc tận dụng nguồn nguyên liệu dự trữ và chấp nhận cắt giảm biên lợi nhuận để giúp bình ổn giá sản phẩm tránh ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của khách hàng đang đồng hành cùng Công ty.

Theo số liệu từ Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) và Ngân hàng Thế giới (WB), ba năm trước, giá cacao khoảng 2.300-2.500 USD mỗi tấn. 4 tháng đầu năm nay, nguyên liệu này tăng lên 11.000 USD một tấn, cao gấp bốn lần so với cùng kỳ các năm trước. Sự gia tăng này chủ yếu do mất mùa nghiêm trọng ở nhiều quốc gia sản xuất, chiếm phần lớn sản lượng ca cao toàn cầu như Bờ Biển Ngà và Ghana. Đến 19/9, giá cacao giảm về 8.000 USD một tấn, nhưng vẫn đắt hơn gần ba lần so với cùng thời điểm năm trước.

Tại Việt Nam, mức thu mua loại nguyên liệu nông sản này từ nông dân hiện tăng gấp đôi so với năm ngoái. Người trồng tại Bến Tre, Đắk Lắk cho biết mỗi kg cacao khô dao động 150.000-160.000 đồng, thậm chí có thời điểm lên đến 210.000 đồng.

Giá cacao tăng, người trồng được hưởng lợi. Tuy nhiên, với nhiều người nông dân trồng cacao tại Đắk Lắk, diện tích trồng của họ đã thu hẹp gần một nửa so với trước do chuyển sang các loại cây trồng như sầu riêng, mít... có giá trị, lợi nhuận cao hơn.

Giá nguyên liệu đầu vào tăng, đẩy giá thành sản xuất tăng, và kéo theo giá bán đầu ra tăng. Điều này đồng nghĩa, người tiêu dùng có thể phải mua các sản phẩm chứa socola đắt hơn vào cuối năm và dịp Tết Nguyên đán. Theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, với các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá, doanh nghiệp có thể đề xuất cơ quan quản lý điều chỉnh giá khi chi phí đầu vào tăng 3-5%. Tuy nhiên, bánh kẹo không thuộc danh mục này, nên doanh nghiệp có quyền tự quyết giá bán dựa trên tình hình thực tế.

“Hiện tại, các doanh nghiệp trong mảng socola không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới đang đứng trước ngưỡng cửa rủi ro rất lớn về chi phí. Nếu chỉ bán socola nguyên bản, càng bán, doanh nghiệp càng thua lỗ. Khoảng gần 2 tháng nữa cacao sẽ vào vụ mới. Miss Ede hi vọng, khi vào mua, có thể giá cacao sẽ không tăng thêm nữa”, ông Hoàng Danh Hữu chia sẻ.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương