Giá cà phê hôm nay 23/9/2022: Tồn kho arabica thấp nhất 23 năm | |
Giá cà phê hôm nay 24/9/2022: Cà phê trong nước giảm nhẹ | |
Giá cà phê hôm nay 26/9/2022: Tăng giảm đan xen |
Cụ thể, tại các tỉnh trọng điểm trong nước đang thu mua cà phê với khoảng giá 46.800 - 47.400 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương có mức giá thấp nhất với 46.800 đồng/kg sau khi giảm 500 đồng/kg.
Hai tỉnh Gia Lai và Đắk Nông cùng điều chỉnh giảm 500 đồng/kg về mức 47.300 đồng/kg. Tương tự, giá cà phê tại tỉnh Đắk Lắk cũng giảm 500 đồng/kg xuống còn 47.400 đồng/kg trong hôm nay.
Nguồn ảnh: Internet |
Trên thị trường thế giới, giá cà phê biến động trái chiều. Theo đó, giá cà phê trực tuyến robusta tại London giao tháng 11/2022 được ghi nhận tại mức 2.204 USD/tấn sau khi giảm 1,25% (tương đương 28 USD). Giá cà phê arabica giao tháng 12/2022 tại New York đạt mức 223,8 US cent/pound, tăng 1,52% (tương đương 3,35 US cent) tại thời điểm khảo sát vào lúc 6h (giờ Việt Nam).
Tại Nyeri (Kenya), hy vọng của nông dân về sự bùng nổ trong sản xuất cà phê và khả năng đạt được giá cao đã bị tiêu tan sau đợt thời tiết lạnh và khô dai dẳng mà đất nước đã trải qua trong năm nay, theo trang Nation.
Với thời tiết diễn biến thất thường, nông dân phải vật lộn với việc cây cà phê ra hoa liên tục, trùng với thời điểm cây hình thành quả và quả chín, do đó rất khó cho người trồng trong việc phòng trừ sâu bệnh.
Kết quả của việc ra hoa trong thời gian ngắn là nông dân phải hái quả cà phê sau mỗi hai tuần, khiến kích thước quả mọng không được như kỳ vọng và sản lượng cà phê chất lượng cao giảm.
Theo ông Charles Karinga - Chủ tịch Nhà máy Kiawamururu ở Mukurwe-ini, cà phê đang bán được với mức giá trung bình là 36.000 shilling/bao 50kg. Con số này thấp hơn so với khoảng 48.000 - 54.000 shilling/bao 50kg trong cùng kỳ năm ngoái.
Các nhà máy và hợp tác xã tận dụng khối lượng cà phê loại AA để mua được giá cao hơn, cũng như nâng cao giá của các loại cà phê khác tại cuộc đấu giá. Thực tế này đã được hàng chục nhà máy tại địa phương nhân rộng.
Chủ tịch Hiệp hội Những người trồng Cà phê Ndaroini ở Mathira cho biết, sản lượng đã giảm khoảng 20% so với năm ngoái. Ông lưu ý rằng, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm và khoản chi trả chung cho người nông dân.
Ông bộc bạch: “Chúng ta có thể thấy một tình huống tréo ngoe là mặc dù thị trường đang tốt nhưng người nông dân có thể không được hưởng lợi”.
Hiện tại, người trồng vẫn hy vọng mưa sẽ giảm trước khi bắt đầu vụ chính vào tháng 11, vì điều này sẽ tạo đòn bẩy cho nhu cầu toàn cầu đối với cà phê Kenya trước sự sụt giảm sản lượng của Brazil sau đợt băng giá năm ngoái.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam trong 15 ngày đầu tháng 9, nước ta đã xuất khẩu 38.000 tấn cà phê, tương đương với kim ngạch 92,9 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giai đoạn 1/9-15/9 đã giảm đến 25% về lượng và giảm 10% về giá trị. Tuy nhiên, luỹ kế từ đầu năm, xuất khẩu cà phê vẫn tăng 12% về lượng và tăng 38% về giá trị.
Hiện triển vọng thời tiết tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt tại khu vực Mỹ Latinh là không mấy khả quan. Hiện tượng thời tiết La Niña dự kiến tiếp tục gây ra hạn hán ở Brazil thêm vài tháng. Trong khi đó, quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới là Colombia lại đang hứng chịu lượng mưa nhiều bất thường. Thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng đến sản lượng cà phê ở Guatemala, Honduras và Nicaragua.
Các chuyên gia nhận định, sản lượng và dự trữ cà phê sụt giảm tại Brazil sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm cà phê trên toàn cầu, và là một tín hiệu có thể đẩy giá cà phê trên thị trường thế giới lên cao hơn nữa trong thời gian tới. Năm 2022 là năm thứ hai liên tiếp nhu cầu cà phê sẽ vượt cung trên thị trường toàn cầu. Một số thương hiệu cà phê lớn như Starbucks và Jacobs đã lên kế hoạch tăng giá sản phẩm để đối phó với tình trạng lợi nhuận sụt giảm.
Thu Uyên