Giá cao su xuất khẩu xuống đáy, chuỗi ngày tăng giá kết thúc?

22/08/2022 - 05:05
(Bankviet.com) Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong tháng 7, Việt Nam xuất khẩu được 196,5 nghìn tấn cao su, trị giá gần 319 triệu USD, tăng 4,6% về lượng và tăng gần 3% về trị giá so với tháng 6; tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm gần 4% về lượng và giảm 5,7% về trị giá.

Xuất khẩu giảm liên tiếp, giá cà phê nội địa vẫn ngược chiều thị trường thế giới: Nguyên nhân do đâu?

Giá tiêu hôm nay 20/8/2022: Nhiều thông tin xấu, xuất khẩu tiêu giảm mạnh

Giá cà phê hôm nay 20/8/2022: Nguồn cung thấp, người dân tiếp tục găm hàng

Trong tháng, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.623 USD/tấn, giảm 1,7% so với tháng trước và giảm 1,8% so với tháng 7/2021. Đây cũng là tháng thứ ba liên tiếp giá xuất khẩu cao su bình quân sụt giảm và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, so với tháng 4, giá xuất khẩu cao su trung bình đã giảm 182 USD/tấn, là mức giá thấp nhất từ tháng 2/2021 đến nay.

Trước đó, trong quý II, mặc dù xuất khẩu cao su của Việt Nam đạt 380,3 nghìn tấn, trị giá 646,38 triệu USD, tăng 23,6% về lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá xuất khẩu bình quân ở mức 1.699 USD/tấn, giảm khoảng 3,4% so với quý I/2022.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, cho biết nguyên nhân khiến giá cao su bình quân sụt giảm là tình hình lạm phát tăng cao tại các nước trên thế giới khiến nhu cầu tiêu thụ chậm lại, trong đó, Trung Quốc, thị trường quan trọng của cao su Việt Nam duy trì chính sách "Zero Covid" khiến việc tiêu thụ sụt giảm.

Số liệu thống kê cho thấy trong tháng 7 giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc ở mức 1.572 USD/tấn, giảm hơn 1% so với tháng 6 và giảm 3% so với tháng 7/2021.

Trung Quốc hiện là quốc gia tiêu thụ lớn nhất cao su Việt Nam, chiếm 71,3% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với lượng xuất khẩu tháng 7 đạt hơn 140.000 tấn, trị giá hơn 220 triệu USD. Con số này tăng 4,8% về lượng và tăng 3,6% về trị giá so với tháng 6, tuy nhiên so với tháng 7/2021 giảm 7,6% về lượng và giảm 10,3% về trị giá.

Tại Bình Phước, giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức 290-302 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC so với cuối tháng 7. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa ở mức 306-308 đồng/độ TSC, giảm 5 đồng/độ TSC.

Diễn biến sụt giảm của giá cao su không chỉ diễn ra với Việt Nam mà tại thị trường thế giới, giá cao su ở các sàn giao dịch châu Á cũng quay đầu giảm trước lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Bên cạnh đó, sản lượng cao su toàn cầu tăng cùng với giá dầu thô suy yếu cũng ảnh hưởng đến thị trường.

Điển hình tại Thái Lan, giá cao su giảm mạnh từ tháng 6 đến nay. Ngày 9/8, giá cao su RSS3 chào bán ở mức 58,5 Baht/kg (tương đương 1,65 USD/kg), giảm 4% so với cuối tháng 7 và giảm khoảng 20% so với đầu tháng 6, thời điểm trước đợt lao dốc của giá cao su.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, trong quý II, thị trường cao su bị tác động mạnh bởi tình hình dịch bệnh, khủng hoảng địa chính trị, tình trạng thiếu container, chi phí vận tải cao, giá nhiên liệu tăng mạnh và thông quan chậm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Chủ tịch Hội cao su - nhựa TP HCM, giá cao su dự báo sẽ khó thể tăng trở lại trong những tháng cuối năm mặc dù thời gian này thường là mùa sản xuất trong năm.

"Tình hình lạm phát thế giới vẫn tiếp diễn, nhu cầu tiêu thụ của thị trường khó đoán định do đó tôi cho rằng giá cao su sẽ tiếp tục giảm và mức giảm như thế nào sẽ tùy thuộc vào sự lạm phát của thế giới", ông Nguyễn Quốc Anh chia sẻ.

Còn theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nguồn cung cao su toàn cầu dự báo sẽ tiếp tục thiếu hụt so với nhu cầu, điều này cho thấy triển vọng thị trường cao su tự nhiên dự kiến sẽ cải thiện hơn trong năm nay và các năm tới.

Số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết Trung Quốc đang có nhu cầu khoảng 500.000 tấn cao su tự nhiên mỗi tháng, nhưng chỉ có khoảng 115.000 tấn được đáp ứng từ nguồn cung nội địa. Như vậy, mỗi tháng, quốc gia tỷ dân thiếu khoảng 385.000 tấn cao su tự nhiên cần phải nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tại các thị trường khác như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Ấn Độ, dự báo tiếp tục xu hướng tăng nhờ kinh tế ở các thị trường này đang dần hồi phục sẽ là tín hiệu lạc quan cho việc xuất khẩu cao su Việt Nam.

Trong đó, theo dự báo của Tổng cục Cao su Ấn Độ, năm 2022, sản lượng cao su thiên nhiên của nước này chỉ đạt 800.000 tấn trong khi nhu cầu tiêu thụ lên tới 1,24 triệu tấn. Như vậy, Ấn Độ cần nhập khẩu 440.000 tấn cao su.

Đây sẽ là cơ hội cho ngành cao su tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của Việt Nam, bởi trước đó, mặt hàng này ghi nhận sự tăng trưởng cao cả lượng và giá trị trong 7 tháng đầu năm. Lần lượt đạt gần 72.500 tấn, trị giá hơn 130 triệu USD, tăng hơn 52% cả về lượng và trị giá.

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán