Giá dầu về mức thấp nhất trong hai tháng

02/11/2023 - 20:13
(Bankviet.com) Giá dầu nối dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh tồn kho nhiên liệu tại Mỹ gia tăng, cho thấy những áp lực nguồn cung đang giảm bớt.
Thị trường hàng hóa hôm nay ngày 1/11/2023: Giá dầu thô giảm sâu, giá đậu tương lấy lại sắc xanh Giá xăng dầu hôm nay ngày 1/11/2023: Xăng tăng từ 249- 416 đồng/lít; giá dầu giảm

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại ngày giao dịch đầu tiên của tháng 11, giá dầu nối dài đà giảm sang ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh tồn kho nhiên liệu tại Mỹ gia tăng, cho thấy những áp lực nguồn cung đang giảm bớt. Ngoài ra, đồng USD mạnh lên cũng hạn chế sức mua dầu thô, góp phần gây áp lực lên giá.

Giá dầu WTI chốt phiên ngày 1/11 giảm 0,7% xuống 80,44 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 28/8. Giá dầu Brent giảm 0,5% xuống 84,63 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 6/10.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 27/10 tăng 773.000 thùng lên mức 421,9 triệu thùng, không thay đổi nhiều so với báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API). Tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm phân phối dầu WTI kỳ hạn của Mỹ cũng tăng 272.000 thùng trong tuần trước.

Trong khi đó, tồn kho xăng tăng 65.000 thùng, trái ngược với kỳ vọng giảm 800.000 thùng của thị trường. Nhu cầu dầu thô suy yếu khi kế hoạch khởi động lại các nhà máy lọc dầu bảo trì chậm hơn dự kiến.

Tiêu thụ nhiên liệu yếu hơn tuần trước, tổng sản phẩm được cung cấp, một thước đo cho nhu cầu, đã giảm 233.000 thùng/ngày xuống 19,86 triệu thùng/ngày.

Bên cạnh yếu tố cung cầu, đồng USD mạnh lên ngay sau dữ liệu việc làm của Mỹ cũng gây sức ép cho giá dầu. Cụ thể, số người có việc ngoài ngành nông nghiệp theo khảo sát của ADP đạt mức 113.000 trong tháng 10/2023, từ mức 89.000 của tháng 9/2023, chấm dứt chuỗi giảm 3 tháng liên tiếp. Chỉ số Dollar Index, thước đo giá trị đồng USD, đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần, khiến cho chi phí mua dầu vật chất đắt đỏ hơn.

Mặc dù dữ liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ ổn định, nhưng hoạt động sản xuất thu hẹp đáng kể. Theo báo cáo của Viện Quản lý Cung ứng (ISM), chỉ số quản lý mua hàng (PMI) sản xuất của Mỹ trong tháng 10 đạt 46,7 điểm, thấp hơn 2,3 điểm so với dự báo và dữ liệu của tháng trước.

Các thông tin trên đã kéo giá dầu đảo ngược mức tăng mạnh trong nửa phiên đầu, vốn được hỗ trợ bởi căng thẳng leo thang tại khu vực Trung Đông khi lãnh đạo Iran đã kêu gọi các nước Hồi giáo dừng cung cấp dầu cho Israel.

{keywords}
Giá dầu về mức thấp nhất trong hai tháng

Các nhà đầu tư cũng thận trọng chốt lời trước tâm điểm cuộc họp lãi suất của FED. Rạng sáng nay theo giờ Việt Nam, cuộc họp quyết định giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 5,25 - 5,50%, phù hợp với kỳ vọng của thị trường.

Theo Reuters, giá dầu thế giới giảm khoảng 1% xuống mức thấp nhất trong ba tuần do đồng USD tăng và sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất như dự kiến. Tuy nhiên, Fed cũng để ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất trong tương lai.

Việc tăng lãi suất có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và làm giảm nhu cầu dầu. Đồng USD mạnh khiến việc mua nhiên liệu bằng các loại tiền tệ khác trở nên đắt hơn, gây sức ép lên giá.

Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 39 xu (0,5%) xuống 84,63 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 58 xu (0,7%) xuống 80,44 USD/thùng. Đây là mức đóng phiên thấp nhất của dầu Brent kể từ ngày 6/10 và dầu WTI kể từ ngày 28/8.

Giá dầu đã biến động mạnh trong phiên này, khi hai loại dầu chủ chốt đã có lúc tăng hơn 2 USD/thùng lúc đầu phiên này do những lo ngại về tình hình Trung Đông.

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tuần so với một giỏ các đồng tiền khác. Giá dầu cũng chịu áp lực khi dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ tăng trong tuần trước do các nhà máy lọc dầu, mà đang tiến hành bảo trì theo mùa, bắt đầu hoạt động trở lại chậm hơn dự kiến.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương