Giá sầu riêng hôm nay 14/4: Ri6 giảm sâu, thị trường phân hóa mạnh giữa các vùng
Giá sầu riêng hôm nay 14/4 giảm mạnh ở nhiều nơi, Ri6 loại A mất tới 10.000 đồng/kg so với cuối tuần, trong khi sầu Thái vẫn giữ giá cao tại một số kho lớn.
Miền Tây giảm sâu, giá Ri6 chỉ còn 55.000 – 60.000 đồng/kg
Khảo sát thị trường tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho thấy giá sầu riêng tại các vựa tiếp tục lao dốc. Loại Ri6 A – từng là nhóm bán chạy nhất nhờ năng suất và độ thơm ngon – hiện chỉ còn 55.000 – 60.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng.
.jpg)
Giá các loại sầu riêng phổ biến khác tại miền Tây cụ thể như sau:
Ri6 B: 35.000 – 45.000 đồng/kg
Ri6 C: 30.000 – 32.000 đồng/kg
Ri6 VIP: 70.000 – 75.000 đồng/kg
Thái A: 80.000 – 95.000 đồng/kg
Thái VIP: 100.000 – 105.000 đồng/kg
Musang King A: 130.000 – 135.000 đồng/kg
Sáu Hữu A: 65.000 – 70.000 đồng/kg
Chuồng Bò B: 45.000 – 50.000 đồng/kg
Sự phân hóa giá giữa các loại cho thấy thị trường sầu riêng đang bước vào giai đoạn điều chỉnh mạnh, khi nguồn cung từ nhiều vùng bắt đầu ra rộ.
Khu vực Đông Nam Bộ bước vào chính vụ, giá giảm nhẹ
Tại Đông Nam Bộ, sầu riêng đang bước vào vụ thu hoạch chính. Dù giá giảm nhẹ so với cuối tháng 3, mặt bằng giá tại đây vẫn cao hơn một số tỉnh miền Tây nhờ chất lượng trái được đánh giá tốt hơn.
Cụ thể:
Ri6 A: 55.000 – 60.000 đồng/kg
Ri6 B: 35.000 – 40.000 đồng/kg
Ri6 C: 25.000 – 30.000 đồng/kg
Thái A: 80.000 – 85.000 đồng/kg
Thái B: 60.000 – 65.000 đồng/kg
Thái C: 40.000 – 45.000 đồng/kg
Một số vùng trồng trọng điểm như Bến Cát, Bù Đăng (Bình Phước) hay Tân Uyên (Bình Dương) ghi nhận hoạt động thu mua diễn ra chậm, trong khi thương lái chủ yếu gom hàng chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.
Xuất khẩu sầu riêng tụt hạng, bị "vượt mặt" bởi thanh long và chuối
Theo thống kê mới nhất từ Cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sầu riêng chỉ đạt 52,6 triệu USD, giảm hơn 69% so với cùng kỳ năm trước. Sau 2 năm giữ ngôi vương ngành rau quả, sầu riêng bất ngờ rơi xuống vị trí thứ ba trong bảng xếp hạng, chỉ chiếm khoảng 7,7% tỷ trọng toàn ngành.
Trong khi đó, thanh long vươn lên dẫn đầu với kim ngạch 93,8 triệu USD, chiếm gần 13,7%. Chuối cũng bất ngờ vượt mặt sầu riêng khi mang về 71,6 triệu USD trong hai tháng, giữ vị trí thứ hai và chiếm tỷ trọng hơn 10%.
Sự tụt giảm của sầu riêng được cho là do các rào cản kỹ thuật ngày càng gắt gao từ thị trường Trung Quốc, nhất là kiểm tra dư lượng cadmium và chất vàng O. Điều này buộc các địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu phải rà soát lại mã số vùng trồng, hệ thống bảo quản, truy xuất nguồn gốc nếu muốn tiếp tục duy trì lợi thế.
Theo các chuyên gia, trong ngắn hạn, giá sầu riêng khó có thể bật tăng trở lại do lượng hàng lớn từ miền Đông Nam Bộ đang vào vụ. Bên cạnh đó, áp lực xuất khẩu chậm cũng khiến các kho thu mua cầm chừng, chỉ lựa hàng chuẩn để đảm bảo điều kiện kỹ thuật.
Việc duy trì chất lượng trái, kiểm soát dư lượng và xây dựng thương hiệu sầu riêng địa phương sẽ là chìa khóa để ngành sầu riêng vượt qua giai đoạn trồi sụt hiện nay, nhất là khi thị trường xuất khẩu đang "kén chọn" hơn bao giờ hết.