Giá sầu riêng hôm nay 28/4: Giá lao dốc, nông dân miền Tây thấp thỏm
Giá sầu riêng hôm nay 28/4 tại khu vực miền Tây tiếp tục duy trì ở mức thấp sau nhiều ngày liên tục giảm. Tình hình khiến nhiều nhà vườn lo lắng khi vụ thu hoạch đang bước vào giai đoạn rộ.
Giá sầu riêng trong nước giảm mạnh, thị trường trầm lắng
Theo khảo sát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá thu mua sầu riêng hôm nay tiếp tục giảm sâu so với đầu tháng. Cụ thể, giá sầu riêng Ri6 A hiện dao động từ 50.000 – 55.000 đồng/kg, Ri6 B ở mức 32.000 – 38.000 đồng/kg, Ri6 C dao động từ 25.000 – 28.000 đồng/kg, trong khi Ri6 VIP duy trì quanh 60.000 – 65.000 đồng/kg.

Đối với dòng sầu riêng Thái, loại A hiện được thu mua trong khoảng 80.000 – 85.000 đồng/kg, loại B từ 60.000 – 65.000 đồng/kg và loại C dao động 45.000 – 50.000 đồng/kg. Sầu riêng Thái VIP giữ giá ở mức 95.000 – 100.000 đồng/kg.
Các loại sầu riêng cao cấp như Musang King và Black Thorn vẫn duy trì mức giá cao nhất thị trường. Sầu riêng Musang King A hiện giao dịch ở mức 125.000 – 135.000 đồng/kg, trong khi Musang King B dao động 105.000 – 115.000 đồng/kg.
Tại khu vực Đông Nam Bộ, giá sầu riêng cũng ghi nhận mức giá tương tự miền Tây, với Ri6 A dao động 50.000 – 55.000 đồng/kg, Thái A từ 80.000 – 85.000 đồng/kg và Thái VIP ở mức 95.000 – 100.000 đồng/kg.
Xuất khẩu chững lại, áp lực đè nặng lên giá sầu riêng
Từ đầu năm 2025 đến nay, ngành sầu riêng Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn khi thị trường Trung Quốc - đầu ra lớn nhất - áp dụng quy trình kiểm định nghiêm ngặt đối với các lô hàng nhập khẩu. Cụ thể, Trung Quốc đã tiến hành kiểm tra 100% đối với tất cả các lô sầu riêng, tập trung vào kiểm tra chất lượng và dư lượng các chất cấm như vàng O và Cadimi.
Không chỉ siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian kiểm định tại cửa khẩu kéo dài 7–8 ngày gây ra tình trạng tồn đọng hàng hoá, dẫn tới nhiều container sầu riêng bị xuống cấp, ảnh hưởng chất lượng và uy tín sản phẩm.
Chi phí xét nghiệm và kéo dài thời gian thông quan cũng khiến giá thành xuất khẩu đội lên, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm số lượng giao dịch hoặc chuyển hướng sang thị trường nội địa, góp phần gây áp lực giảm giá sầu riêng trong nước.
Mặc dù tình hình xuất khẩu khởi sắc nhẹ vào tháng 3, khi một số lô hàng được thông quan nhanh hơn, song nhìn chung, thị trường sầu riêng Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do nhu cầu từ Trung Quốc chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ.
Không chỉ Việt Nam, các nước xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc như Thái Lan cũng gặp phải rào cản tương tự. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, vị thế của sầu riêng Việt Nam trên bản đồ thế giới vẫn đang được duy trì nhờ chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện và sự chủ động thích ứng của doanh nghiệp xuất khẩu.