Theo thông tin từ FiinTrade Platform, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam chạm mức cao nhất trong lịch sử. Tỷ lệ này được tính toán bằng dư nợ margin trên tổng giá trị vốn hóa tính theo giá trị điều chỉnh cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) trên HOSE và HNX, tại thời điểm cuối tháng 6 khoảng 6,7% - tăng 1% so với cuối quý I. FiinTrade cũng lưu ý rằng, dư nợ cho vay margin này chưa bao gồm giá trị cho vay 3 bên (thường gọi là kho).
Tại thời điểm cuối quý II/2021, dư nợ cho vay margin tại 51 công ty chứng khoán hiện chiếm hơn 95% thị phần cho vay margin toàn thị trường - tăng 26% so với quý trước - tương ứng 126.400 tỷ đồng trong khi quy mô vốn hóa điều chỉnh tăng thấp hơn 10%.
FiinTrade nhận thấy, tỷ lệ này tăng dần đều kể từ quý II/2020 sau khi chạm mức cao 5,6% trong quý I/2020 - chủ yếu do giá cổ phiếu giảm sâu khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Việt Nam.
Tỷ lệ đòn bẩy ở mức cao cho thấy có yếu tố rủi ro hiện hữu nếu thị trường xuất hiện nhịp điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên với thanh khoản hiện tại, thị trường chỉ cần 5,5 phiên giao dịch để có thể hấp thụ toàn bộ lượng margin này, giảm dần từ mức rất cao là 22,5 ngày trong quý IV/2019.
Điểm tích cực đó là lượng tiền chờ mua chứng khoán tại 51 công ty chứng khoán này tăng 13.600 tỷ đồng so với quý trước đạt 70.200 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2021. Đây là mức cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm vẫn duy trì ở mức thấp và thị trường đang thiếu vắng kênh đầu tư phù hợp.
Trong khi đó, giá trị danh mục chứng khoán niêm yết của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán vẫn duy trì tăng 13,5% so với quý trước trong quý II này.
Đức Hậu
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam