Lượng trứng gia cầm xuất khẩu mới chiếm 1% sản lượng sản xuất Giá trứng gia cầm giảm Hồng Kông (Trung Quốc) bỏ lệnh cấm nhập khẩu trứng và sản phẩm trứng gia cầm Việt Nam |
Đến hẹn lại lên, khoảng hơn một tuần trở lại đây, trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như: Tô Hiệu (quận Hà Đông), Nguyễn Chí Thanh, Trung Kính (Cầu Giấy)… xuất hiện các điểm "giải cứu" trứng gà với giá chỉ 65.000 đồng/30 quả. Như vậy, tính ra giá trứng chỉ hơn 2.000 đồng/quả. Trong khi đó, tại các trang trại, giá trứng được thương lái thu mua chỉ khoảng 1.400 - 1.500 đồng/quả trứng.
Giá trứng gia cầm giảm mạnh chủ yếu do nguồn cung dồi dào nhưng không đến mức phải 'giải cứu' |
Trước đó, thời điểm tháng 12/2023, giá trứng gà công nghiệp ở miền Bắc ở mức 2.250 - 2.500 đồng/quả; giá trứng gà miền Trung giữ ở mức 2.200 - 2.300 đồng/quả; giá trứng gà miền Đông Nam bộ là 2.100 - 2.200 đồng/quả, giảm 50 đồng/quả; miền Tây Nam bộ giữ mức 2.000 - 2.100 đồng/quả. Với trứng gà Ai Cập thường bán tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, các tiểu thương bán ở mức 3.000 – 3.200 đồng/quả.
Theo một chủ trang trại nuôi trứng tại huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, giá trứng thường lên xuống theo quy luật cung cầu thị trường. Theo đó, trước và sau Tết Nguyên đán thường là thời điểm giá trứng rẻ nhất năm.
Cụ thể, thông thường, từ ngày 20 tháng Chạp âm lịch, lượng trứng gia cầm các công ty nhập để sản xuất sẽ giảm, thậm chí là dừng hẳn vì mùa làm hàng Tết kết thúc. Sinh viên về quê nghỉ Tết nên nhiều bếp ăn tập thể cũng đóng cửa.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài từ 7-9 ngày, hoạt động sản xuất kinh doanh ngừng nên thị trường trứng gia cầm gần như “đóng băng”. Chưa kể, các lò ấp cũng giảm công suất. Trong khi đó, gia cầm vẫn đẻ trứng đều đặn nên lượng trứng tồn đọng tăng cao.
Sau Tết, hoạt động sản xuất kinh doanh được khôi phục trở lại, bếp ăn tập thể mở cửa nhưng cũng chỉ tiêu thụ một lượng nhất định. Thế nên, thời điểm này nguồn cung luôn vượt cầu, giá trứng sẽ rẻ hơn so với các mùa khác trong năm.
Một nguyên nhân khác được các chủ trang trại nhắc đến đó là sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến nguồn cung dồi dào cùng hiện tượng thời tiết miền Bắc nồm ẩm kéo dài nhiều ngày, trứng tồn đọng từ Tết bị mốc vỏ ảnh hưởng đến chất lượng, hầu hết trang trại chăn nuôi nhỏ không có kho lạnh bảo quản nên phải xuất bán ồ ạt,… Đây là lý do nhiều hộ chăn nuôi bán xả số lượng lớn trứng dịp này với giá rẻ.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Đình Đảng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thủy sản và thú y Hà Nội, tình trạng một số điểm trưng biển “giải cứu” trứng chỉ là cá biệt do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không có liên kết tiêu thụ, không có hệ thống bảo quản. Còn đối với trang trại chăn nuôi trứng gia cầm tập trung và liên kết theo chuỗi thì việc tiêu thụ ổn định.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam - cho hay, từ đầu năm 2024 đến nay, giá trứng gia cầm giảm mạnh chủ yếu do nguồn cung dồi dào nhưng không đến mức phải “giải cứu”. Việc các tiểu thương dùng biển hiệu, băng rôn "giải cứu" là chiêu trò câu khách nhằm bán trứng với số lượng lớn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 12/2023, tổng đàn gia cầm ở nước ta là gần 559 triệu con, tăng 3,3% so với năm 2022, trong đó có gia cầm nuôi lấy thịt và gia cầm đẻ trứng.
Tổng sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng cả năm ước đạt gần 2,31 triệu tấn, tăng 6%; sản lượng trứng gia cầm năm 2023 ước đạt 19,22 tỷ quả, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Đáng chú ý, trứng gia cầm (trứng tươi và trứng qua chế biến) của nước ta đã xuất khẩu sang hàng chục quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Song, xuất khẩu trứng gia cầm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng lượng trứng của cả nước, số còn lại để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tổng đàn gia cầm đứng Top đầu thế giới. Tuy nhiên, sản phẩm của ngành hàng này chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu chiếm tỷ trọng không đáng kể.
Lãnh đạo Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cho biết, năm 2022, một người Việt Nam tiêu thụ bình quân 184 quả trứng gia cầm, mức khá thấp so với nhiều nước. Trong khi, ở nước ta trứng gia cầm là một trong những loại thực phẩm có giá bán lẻ khá bình dân, chỉ dao động từ 2.800 - 4.500 đồng/quả tuỳ loại.
Theo vị lãnh đạo này, chăn nuôi gia cầm đẻ trứng còn dư địa lớn khi tiêu thụ trứng của nước ta năm 2030 dự kiến đạt 250 quả/người. Cùng với đó, cơ hội xuất khẩu của ngành trứng Việt Nam cũng mở rộng khi chúng ta đã ký nhiều hiệp định thương mại, thị trường truyền thống đang mở cửa trở lại.
Cuối tháng 7/2023, sau hơn 4 năm, thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) đã gỡ bỏ lệnh cấm và cho phép nhập khẩu trứng, sản phẩm trứng gia cầm từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và Đồng Nai.
Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đàm phán xong việc xuất khẩu thịt gia cầm, trứng gia cầm sang Mông Cổ. Theo ông Long, chăn nuôi gia cầm ở Mông Cổ chiếm tỷ trọng rất thấp. Vì vậy, đây là một thị trường tiềm năng. Các sản phẩm trứng gia cầm của Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi tiếp cận thị trường này.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết cùng biến động của thị trường tiêu thụ khiến ngành chăn nuôi gia cầm (trong đó có sản phẩm trứng) gặp nhiều rủi ro. Do đó, để chăn nuôi nói chung và gia cầm nói riêng phát triển ổn định, tránh tình trạng "được mùa - mất giá", các địa phương khuyến khích chăn nuôi trang trại tập trung xa khu dân cư, đầu tư đồng bộ từ xây dựng chuồng trại đến kho bảo quản, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm ổn định. Việc này không chỉ kiểm soát được dịch bệnh trong quá trình chăn nuôi mà còn giúp các trang trại giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường...
“Để tránh tình trạng "được mùa - mất giá" trong chăn nuôi nói chung và gia cầm, trứng gia cầm nói riêng, Hà Nội khuyến khích chăn nuôi tập trung tại các vùng đã được quy hoạch; từng bước giảm số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi trong khu dân cư, chấm dứt chăn nuôi gia cầm tại các khu vực không được phép...”, ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia cầm để giảm chi phí đầu vào; hỗ trợ hợp tác xã, người dân đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trứng gia cầm với doanh nghiệp, cửa hàng tiện ích, bếp ăn tập thể...
Nguyễn Hạnh