Theo ghi nhận tại thị trường trong nước, giá vàng nhẫn tiếp tục miệt mài đi lên, trong khi giá vàng miếng SJC vẫn dậm chân tại chỗ khiến mức chênh lệch của hai loại vàng này đã tiến rất gần nhau.
Hình minh họa. |
Cụ thể, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày hôm nay 2/7.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn trơn thương hiệu vàng Rồng Thăng Long tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Hiện, doanh nghiệp này đang niêm yết mua vào ở mức 74,88 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 76,18 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng nhẫn SJC 9999 ở mức 74,0 – 75,6 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng nhẹ 50.000 đồng mỗi lượng so với chốt phiên giao dịch ngày hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC tiếp tục nằm bất động trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Theo đó, khoảng gần 1 tháng vừa qua giá vàng miếng SJC trong nước đã nằm im và không liên quan tới diễn biến của giá vàng thế giới.
Kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ngưng đấu thầu vàng miếng và triển khai phương án mới là bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) để các tổ chức này bán lại vàng trực tiếp đến tay người dân, thị trường vàng đã ghi nhận sự sụt giảm mạnh về giá.
Cụ thể, chỉ sau hơn 1 tuần kể từ khi biện pháp bình ổn mới được công bố vào ngày 27/5, giá vàng miếng SJC đã giảm gần 13 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua và bán. Tính đến thời điểm này, giá vàng miếng SJC đã đi ngang trong 3 tuần với giá bán ra được niêm yết ở mức 76,98 triệu đồng mỗi lượng.
Như vậy, hiện giá vàng nhẫn chỉ còn thấp hơn giá vàng miếng SJC chưa đến 1 triệu đồng mỗi lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng vẫn đi ngang, biến động trong biên độ hẹp khoảng 15 USD/ounce. Hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 2.333 USD/ounce.
Quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng Vietcombank, giá vàng quốc tế hiện đang tương đương 71,5 triệu đồng/lượng.
Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, thị trường vàng đang trong thời điểm lắng dịu và có thể biến động trở lại ít nhất là cho đến hết tuần này. Việc nhà đầu tư tăng mua vào đầu phiên là sự kỳ vọng mức giá sẽ bật tăng sau khi kim loại quý đang ở vùng giá thấp.
Naeem Aslam - Giám đốc đầu tư của Zaye Capital Markets - bày tỏ sự lạc quan hơn với kim loại quý. Ông nêu quan điểm, chỉ cần Fed nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ tạo áp lực cho đồng USD và đẩy giá vàng tăng cao.
Tổng giám đốc Marc Chandler của Bannockburn Global Forex phân tích, nếu giá kim loại quý tăng vượt mốc 2.350 USD/ounce sẽ tiếp đà tăng lên 2.360 USD/ounce, thậm chí chinh phục mức giá 2.400 USD/ounce.
Marc Chandler dự báo, cuộc bầu cử tại Pháp và báo cáo việc làm của Mỹ cũng là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy nhà đầu tư đổ dồn vào kim loại quý.
David Morrison - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của Trade Nation - cho rằng, sau 2 tháng củng cố, diễn biến trên thị trường vàng đang ngày càng trở nên hấp dẫn, đặc biệt khi áp lực lạm phát giảm bớt. Morrison dự báo, giá vàng sẽ vượt mốc 2.350 USD/ounce trong tháng 7.
Các chuyên gia phân tích khác lưu ý, vàng vẫn trong xu hướng tăng mạnh khi mức giá vẫn duy trì ở mức hỗ trợ trên 2.300 USD/ounce.
Giá vàng chiều nay 29/6/2024: Vàng nhẫn miệt mài đi lên, bám sát giá vàng miếng SJC Thị trường trong nước vẫn khá trầm lắng, giá vàng miếng SJC tiếp tục nằm bất động, trong khi vàng nhẫn miệt mài đi lên, ... |
Giá vàng nhẫn hôm nay 1/7: Vàng nhẫn không ngừng tăng giá, sắp “bắt kịp” vàng miếng SJC Theo khảo sát lúc 9h30p ngày 1/7, giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 vàng nhẫn giao dịch quanh mức 73,95 - 75,98 triệu đồng/lượng (mua ... |
Thu Thảo