Giá vàng hôm nay 21/2/2025: Vàng nhẫn vượt mặt vàng miếng, giá thu mua cao chưa từng thấy

21/02/2025 - 12:35
(Bankviet.com) Vàng nhẫn ghi nhận mức tăng mạnh, giá thu mua tại nhiều hệ thống lớn vượt 90 triệu đồng/lượng, có nơi lên tới 90,6 triệu đồng, cao hơn nhiều so với vàng miếng SJC. Nhu cầu tích trữ tăng cao cùng diễn biến của giá vàng thế giới đẩy giá bán ra lên 92,4 triệu đồng/lượng, phản ánh xu hướng dịch chuyển của thị trường.

Giá vàng trong nước

Trong phiên giao dịch ngày 20/2, vàng nhẫn trở thành tâm điểm của thị trường khi giá thu mua tại nhiều cửa hàng lớn vượt xa mức của vàng miếng. Tại DOJI, vàng nhẫn tròn 9999 được mua vào với giá 90,6 triệu đồng/lượng, cao hơn cả mức thu mua vàng miếng SJC (90 triệu đồng/lượng). Hệ thống PNJ cũng nâng giá thu mua vàng nhẫn tròn PNJ 999.9 lên 90,4 triệu đồng/lượng, trong khi Phú Quý đẩy giá thu mua vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9 lên 90,5 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu tiếp tục dẫn đầu thị trường khi niêm yết giá thu mua vàng nhẫn thương hiệu Rồng Thăng Long ở mức 90,6 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Giá vàng hôm nay 21/2/2025: Vàng nhẫn 'nổi loạn' vượt mặt vàng miếng, giá thu mua cao chưa từng thấy
Hình minh họa

Không chỉ giá thu mua, giá bán ra của vàng nhẫn cũng ghi nhận mức tăng mạnh, dao động từ 92,2 - 92,4 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, vàng nhẫn Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tiếp tục duy trì vị thế cao nhất thị trường với giá bán ra 92,4 triệu đồng/lượng.

Trong khi vàng nhẫn liên tục lập đỉnh, vàng miếng SJC cũng duy trì đà tăng mạnh, nhưng khoảng cách giá so với vàng nhẫn đã bị thu hẹp đáng kể. Tại SJC, giá vàng miếng tăng lên 90 triệu đồng/lượng mua vào và 92,3 triệu đồng/lượng bán ra, tương tự mức giá tại DOJI, PNJ và Phú Quý. Tuy nhiên, so với vàng nhẫn, mức tăng của vàng miếng có phần khiêm tốn hơn, cho thấy sự dịch chuyển của dòng tiền sang vàng trang sức và vàng nhẫn tích trữ.

Động thái đẩy giá thu mua vàng nhẫn lên mức cao kỷ lục cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của người dân và nhà đầu tư đối với loại vàng này. Việc giá thu mua vượt mốc 90 triệu đồng/lượng phản ánh nguồn cung có dấu hiệu thắt chặt, trong khi tâm lý thị trường tiếp tục bị chi phối bởi biến động của vàng thế giới. Giới chuyên gia nhận định, vàng nhẫn có thể tiếp tục giữ mức giá cao nếu nhu cầu tích trữ vẫn duy trì mạnh, đặc biệt khi người mua đang ưu tiên các loại vàng có tính thanh khoản cao.

Với mức giá hiện tại, khoảng cách giữa giá mua vào và bán ra vẫn khá rộng (từ 1,7 - 2 triệu đồng/lượng), đòi hỏi nhà đầu tư cân nhắc kỹ trước khi quyết định giao dịch. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn có thể khiến thị trường tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

Tổng hợp giá vàng trong nước tại thời điểm chốt phiên ngày 20/2/2025:

Thương hiệu

Loại vàng

Giá mua vào (triệu đồng/lượng)

Giá bán ra (triệu đồng/lượng)

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC)

Vàng miếng SJC

90

92,3

Vàng nhẫn SJC

89,9

92

Tập đoàn DOJI

Vàng miếng SJC

90

92,3

Nhẫn tròn 9999 (Hưng Thịnh Vượng)

90,6

92,3

Hệ thống PNJ

Vàng miếng SJC

90

92,3

Vàng nhẫn trơn PNJ 999.9

90,4

92,2

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý

Vàng miếng SJC

90,1

92,3

Vàng nhẫn tròn Phú Quý 999.9

90,5

92,2

Bảo Tín Minh Châu

Vàng miếng SJC

90,1

92,3

Vàng nhẫn thương hiệu Rồng Thăng Long

90,6

92,4

Giá vàng thế giới

Thị trường vàng thế giới khởi đầu năm 2025 với nhịp tăng mạnh mẽ, liên tục thiết lập các kỷ lục mới. Chỉ trong chưa đầy hai tháng, giá vàng đã có tới 10 lần chạm đỉnh, bất chấp những đợt điều chỉnh mạnh trong ngắn hạn. Hợp đồng tương lai vàng đã tăng khoảng 11% kể từ đầu năm, trong khi chỉ riêng tháng 2, mức tăng đã gần 4%.

Cập nhật tại thời điểm lúc 2h55 ngày 21/2 (theo giờ Hà Nội), giá vàng giao ngay trên sàn Kitco đạt 2.938,5 USD/ounce, tăng thêm 18,84 USD so với phiên liền trước.

Thị trường vàng thời gian qua liên tục biến động mạnh, thể hiện rõ qua phiên giảm sâu ngày 14/2 khi vàng giao ngay mất 45 USD/ounce, còn hợp đồng giao tháng 4 giảm tới 63 USD. Tuy nhiên, đợt điều chỉnh này nhanh chóng bị thay thế bởi một chuỗi phục hồi mạnh, cho thấy sức bật đáng kể của kim loại quý.

Động lực chính cho đà tăng hiện nay vẫn là nhu cầu trú ẩn an toàn khi căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang. Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga tại Arab Saudi về xung đột Ukraine diễn ra trong bối cảnh Nhà Trắng xem xét khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt đối với Moscow, động thái khiến châu Âu và Ukraine lên tiếng cảnh báo. Song song đó, tuyên bố mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng áp thuế nhập khẩu 25% lên ô tô, chất bán dẫn và dược phẩm càng làm gia tăng lo ngại về một cuộc chiến thương mại mới.

Trong khi đó, biên bản cuộc họp ngày 19/2 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức vẫn chưa sẵn sàng cắt giảm lãi suất nếu chưa có thêm bằng chứng rõ ràng về việc lạm phát được kiểm soát. Quan điểm này tiếp nối chính sách tiền tệ thận trọng của năm ngoái, khi Fed thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản nhưng vẫn duy trì lập trường linh hoạt trước các biến động kinh tế.

Bên cạnh đó, sự bất ổn của các chính sách thương mại cũng góp phần tạo áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu. Các mức thuế quan tiềm năng được Mỹ đề xuất không chỉ ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng mà còn đặt ra nhiều ẩn số đối với triển vọng kinh tế, củng cố thêm vị thế của vàng như một tài sản trú ẩn hàng đầu.

Dự báo giá vàng

Khi giá vàng đang tiến gần mốc 3.000 USD/ounce, thị trường ngày càng quan ngại về sự mất cân đối giữa cung và cầu. Nhiều ngân hàng trung ương tiếp tục tăng cường dự trữ vàng, trong khi nguồn cung kim loại quý lại có dấu hiệu thắt chặt đáng kể.

Theo Andy Schectman, Chủ tịch của Miles Franklin Precious Metals, thị trường vàng vật chất đang trải qua tình trạng căng thẳng chưa từng thấy khi nhiều quốc gia đẩy mạnh hồi hương dự trữ vàng. Hiện tượng rút vàng khỏi các quỹ giao dịch (ETF) cũng ngày càng phổ biến, cho thấy các tổ chức lớn đang chuyển dần từ vàng giấy sang vàng vật chất – một tín hiệu có thể phản ánh sự mất lòng tin vào hệ thống tài chính truyền thống.

Tình trạng khan hiếm vàng còn thể hiện rõ qua thời gian giao hàng kéo dài tại các kho vàng London, trong khi tại Trung Quốc, một số ngân hàng lớn đã báo cáo tình trạng hết hàng do nhu cầu quá cao. Hàn Quốc thậm chí đã tạm dừng bán vàng thỏi, viện dẫn lý do thị trường thắt chặt nguồn cung.

Bên cạnh vấn đề nguồn cung, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng giá vàng có thể còn tiếp tục tăng nếu các yếu tố địa chính trị và chính sách kinh tế của Mỹ tiếp tục gây bất ổn. Ray Jia, Trưởng phòng nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhận định rằng tình hình thuế quan và chính sách thương mại của chính quyền Trump có thể là chất xúc tác lớn nhất cho đà tăng của vàng.

Ngân hàng Goldman Sachs mới đây đã nâng dự báo giá vàng cuối năm 2025 lên 3.100 USD/ounce, thay vì 2.890 USD như trước. Nếu các rủi ro chính sách gia tăng, thậm chí mức giá 3.300 USD/ounce hoàn toàn có thể xảy ra. Với xu hướng hiện tại, thị trường vàng có thể còn nhiều đột biến trong thời gian tới, khi những bất ổn kinh tế và chính trị tiếp tục đóng vai trò chi phối.

Giá vàng hôm nay 20/2/2025: Vàng nhẫn cao không tưởng, 'gom hàng' ngay hay chờ đợi?

Giá vàng vẫn duy trì đà tăng và đang neo gần mức kỷ lục, đẩy nhà đầu tư vào thế lưỡng lự. Việc quyết định ...

Giá vàng chiều nay 20/2/2025: Vàng miếng SJC và vàng trang sức đồng loạt tăng, vượt 92 triệu đồng

Giá vàng chiều nay 20/2 tiếp tục tăng mạnh, khi vàng SJC chạm mốc 92,3 triệu đồng/lượng, theo đà tăng của vàng thế giới. Nhu ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán