Giá vàng hôm nay 26/4/2022: Bán tháo

26/04/2022 - 16:03
(Bankviet.com) Giá vàng hôm nay trên thị trường thế giới tụt giảm do áp lực bán tăng vọt. Giới đầu tư thua lỗ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cổ phiếu đã đẩy mạnh bán vàng ra để bù lỗ trên thị trường chứng khoán.

Giá vàng trong nước

Mở cửa ngày giao dịch 25/4, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC giảm 400 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và 350 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước, ở mức 69,45 - 70,15 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết ở mức 69,5 - 70,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 250 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên cuối tuần trước.

Tổng hợp giá vàng SJC tại các thương hiệu kinh doanh lớn trong nước tại thời điểm chốt phiên 25/4:

Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở 69,55 - 70,25 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Doji hiện niêm yết giá vàng SJC tại: 69,5 - 70,2 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý niêm yết tại: 69,5 - 70,15 triệu đồng/lượng.

Hệ thống PNJ niêm yết tại: 69,5 - 70,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Bảo tín Minh Châu được niêm yết tại: 69,52 - 70,18 triệu đồng/lượng. Giá vàng 999,9, thương hiệu vàng Rồng Thăng Long giao dịch tại 55,46 - 56,11 triệu đồng/lượng. Giá vàng trang sức giao dịch tại 54,6 - 56,0 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới

Đêm 25/4 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.908 USD/ounce. Vàng giao tháng 6 trên sàn Comex New York ở mức 1.909 USD/ounce.

Giá vàng thế giới đêm 25/4 cao hơn khoảng 0,7% (13 USD/ounce) so với đầu năm 2021. Vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá 53,4 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn khoảng 16,6 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước tính tới cuối giờ chiều phiên 19/4.

Giá vàng trên thị trường quốc tế tụt giảm do áp lực bán tăng vọt. Giới đầu tư thua lỗ trên nhiều lĩnh vực, trong đó có cổ phiếu đã đẩy mạnh bán vàng ra để bù lỗ trên thị trường chứng khoán.

Vàng giảm giá trong bối cảnh lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ tăng vọt. Một đồng USD tăng mạnh cũng đã gây áp lực lên mặt hàng kim loại quý.

Chỉ số DXY, đo lường biến động của đồng USD với rổ 6 đồng tiền chủ chốt, tăng mạnh lên 101,45 điểm. Đây là mức cao nhất trong 2 năm qua.

Đồng USD tăng trong bối cảnh Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tỏ quan điểm cứng rắn về chính sách tiền tệ. Nhiều khả năng Fed sẽ tăng mạnh lãi suất thêm 50 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5 tới và thêm 50 điểm nữa trong cuộc họp tháng 6.

Vàng giảm còn do giới đầu tư có dấu hiệu bán mạnh sau khi thua lỗ trên các thị trường chứng khoán.

Tại Trung Quốc, CSI 300 giảm gần 5% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, xóa sạch mọi thành tích trong tháng 3. Chỉ số Shenzhen (Thâm Quyến) Component giảm tới 6%. Trong khi đó, chỉ số Shanghai (Thượng Hải) Composite giảm gần 5,1%.

Chứng khoán Nhật, Hàn Quốc… đều giảm 1,8-2%.

Trước đó, trong phiên cuối tuần qua, chứng khoán Mỹ ghi nhận cú giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, với chỉ số công nghiệp Dow Jones mất hơn 900 điểm khi mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ tăng nhanh lãi suất để chống lạm phát, hiện đang ở mức cao nhất trong 40 năm qua: 8,5% ghi nhận trong tháng 3 vừa qua.

Giới đầu tư lo ngại ngân hàng trung ương các nước trong đó có Fed sẽ buộc phải giảm lượng tài sản trong bảng cân đối kế toán, thắt chặt định lượng và cách thức thắt chặt chính sách tiền tệ, nhằm giảm lượng thanh khoản trong nền kinh tế.

Không ít người cũng lo về khả năng lãi suất các hợp đồng repo, mua lại chứng khoán đã bán, tăng vọt lên đỉnh giống như hồi giữa tháng 9/2019. Và rủi ro lãi suất có thể trở thành rủi ro tín dụng trên thị trường tài chính khi mà người đi vay không chi trả được nợ khi đến hạn.

Chuyên gia nhận định về giá vàng

Nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer cho biết: “Có vẻ như nỗi sợ hãi về việc tăng lãi suất đã chiếm ưu thế tuyệt đối.

Với nhận định Fed sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm tại cuộc họp vào tháng 5 tới, các nhà giao dịch trong phiên cuối tuần qua đã đặt cược rằng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tiếp theo để chế ngự lạm phát tăng vọt”.

Rõ ràng, đồng USD mạnh chính là “khắc tinh” của giá vàng trong bối cảnh hiện nay.

Vàng rất nhạy cảm với việc tăng lãi suất của Mỹ và lợi suất cao hơn, điều này làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng vốn không sinh lời, đồng thời thúc đẩy đồng USD mạnh hơn. Tuy nhiên, vàng vẫn được coi là một kho lưu trữ giá trị an toàn trong các cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị.

Nhà phân tích Menke nói thêm: “Trong 3 tháng tới, vàng sẽ vẫn giữ ở mức 1.850 USD/ounce. Giá kim loại quý này vẫn ở ngưỡng khá cao với vai trò là một tài sản trú ẩn an toàn”.

Chuyên gia của Julius Baer nói thêm: “Chúng tôi cho rằng áp lực lạm phát sắp giảm bớt và điều đó sẽ lấy đi một số nhu cầu trú ẩn an toàn mà chúng tôi đã thấy đối với vàng”.

Trong khi đó, Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại Kinesis Money, nhận định, những hành động “kếch xù” của Fed và triển vọng tăng trưởng giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc (trong bối cảnh nước này tiếp tục thực hiện các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19), đang vượt quá sức hấp dẫn trung hạn của vàng và bạc. Do đó, giá kim loại quý như vàng, bạc giảm sâu.

Ngày càng có nhiều lo ngại về nhu cầu hàng hóa thô vì các ca mắc mới Covid-19 tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không ngừng tăng mạnh. Giá vàng kỳ hạn tháng 6 giảm 35,90 USD xuống 1.898,00 USD/ounce.

Nếu Fed thực sự tăng lãi suất, động thái này có thể tiếp tục đẩy lợi suất trái phiếu và USD tăng cao hơn, khiến giá vàng chịu thêm sức ép trong ngắn hạn.

Theo các nhà phân tích, vàng vẫn sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhà đầu tư có thể bị tác động tâm lý trong ngắn hạn bởi tuyên bố tăng lãi suất của Fed, do đó, giá vàng có thể sẽ còn điều chỉnh giảm trong ngắn hạn.

Minh Phương

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán