Kênh tránh bão hiệu quả trước lạm phát và biến động ở các tài sản rủi ro
Kể từ cú bứt phá mạnh hồi tháng 11 khi chạm ngưỡng 60 triệu đồng/lượng sau hơn 1 năm đi ngang quanh mốc 54 - 57 triệu đồng/lượng, giá vàng SJC trong nước liên tục thiết lập kỷ lục mới.
Diễn biến giá vàng trong một năm trở qua. Nguồn: Webgia.com
Trao đổi với người viết, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng thời gian qua thị trường chứng khoán giảm nhiệt và một loạt thông tin tiêu cực khiến nhà đầu tư quan ngại và thua lỗ nhiều. Do đó, nhiều người có thể rút vốn và tập trung vào các tài sản an toàn hơn như vàng hoặc bất động sản.
"Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng còn nhiều yếu tố bất định và vừa qua cũng có nhiều biến động mạnh, nhiều người lo ngại bong bóng bất động sản có thể xảy ra. Do đó, tôi cho rằng nhà đầu tư có thể tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn", ông Nghĩa nhận định.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ lo ngại thị trường chứng khoán thời gian tới sẽ điều chỉnh sau thời gian dài tăng mạnh.
"VN-INDEX 2 năm qua liên tục lập đỉnh. Bong bóng thị trường chứng khoán có lẽ chưa thấy nhưng có thể sẽ xuất hiện những đợt điều chỉnh mạnh. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, vàng được xem là một kênh triển vọng trong năm nay bởi đây là tài sản an toàn", ông Hiếu nói.
Ngoài những yếu tố bất định ở các tài sản rủi ro có thể khiến dòng tiền chảy vào vàng, những biến động ở thị trường vàng thế giới được cho cũng sẽ tác động tới giá vàng Việt Nam.
Đại dịch COVID-19 và nỗi lo về lạm phát tăng mạnh do trong suốt 2 năm qua nhiều nước bơm tiền để cứu trợ nền kinh tế là chất xúc tác đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh. Tính từ đầu năm 2020 đến hiện tại, giá vàng khoảng 200 USD/ounce (tương đương 12,5%).
Đỉnh điểm trong tháng 8/2020, giá vàng đạt đỉnh lịch sử hơn 2.000 USD/ounce, tức tăng tới 25% so với đầu năm do tâm lý lo ngại của các nhà đầu tư trước sự tàn phá của đại dịch COVID-19. Họ tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn trước những bất ổn. Đây cũng chính là thời điểm thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt là tại Mỹ chìm trong sắc đỏ.
Bên cạnh đó, hiện một số quốc gia như lớn cũng gom vàng vì lo ngại đồng USD bị mất giá và những bất ổn chính trị leo thang. Do đó, giá vàng thế giới sẽ tiếp tục ở mức cao.
Trong khi đó, vàng SJC của Việt Nam lại nhạy cảm với đà tăng của thế giới nhưng lại biến động rất ít với những đợt giảm. Chênh lệch giữa vàng thế giới và vàng Việt Nam ngày càng nới rộng ra từ mức trung bình 7 - 8 triệu nay đã lên tới trên 12 triệu đồng/lượng.
"Giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với vàng thế giới do nhà độc quyền nhập khẩu vàng. Đây cũng chính là cái "đệm" khiến giá vàng trong nước không giảm khi vàng thế giới giảm.
Trong khi đó, khi vàng thế giới tăng, giá vàng trong nước tăng mạnh, chủ yếu tác động từ tâm lý hơn là thực thể mua - bán trên thị trường. Vàng trong nước có thể thiết lập nền giá mới trong năm 2022, quanh mốc khoảng 60 triệu đồng/lượng", ông Nghĩa nhận định.
Sẽ khó xảy ra cuộc "bùng nổ" giá vàng trong năm 2022
Mặc dù vàng trong nước được kỳ vọng sẽ có nhiều yếu tố hỗ trợ nhưng theo các chuyên gia đây không phải là kênh đầu tư tốt mà chỉ nên xem là nơi tích trữ tài sản và trú ẩn trước các đợt biến động.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của CTCK Maybank Kim Eng, dòng tiền trong năm 2022 sẽ quan tâm nhiều hơn với những tải sản trú ẩn an toàn trước những biến động về cả địa chính trị lẫn kinh tế. Điều này có thể khiến giá vàng tăng trong trung và ngắn hạn.
Tuy nhiên, theo ông khó xảy ra cuộc "bùng nổ" về giá vàng trong năm 2022 và chỉ mang tính chất phòng thủ.
Ngoài ra, các chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương của các nước lớn, đặc biệt là Mỹ cũng sẽ tạo lực cản đổi với vàng.
"Nếu Fed tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, đồng nghĩa USD sẽ tăng kéo theo đà tăng giá vàng sẽ bị hạn chế. Do đó, tôi cho rằng khó xảy ra cú sốc đối với thị trường vàng", ông Nghĩa nhận định.
Dưới góc độ nhà kinh doanh vàng, ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) nhận định giá vàng trong nước năm 2022 có thể chịu tác động bởi dịch bệnh, lạm phát nhưng không quá nhiều. Giá vàng sẽ tiếp tục duy trì ở ngưỡng cao nhưng khó có đột biến.
Bởi ở Việt Nam, việc mua vàng được coi như một hình thức tích trữ tài sản, của để dành chứ chưa hẳn gọi là đầu tư.
Mặc dù vậy, những yếu tố bất định về chiến sự Nga - Ukraine trong thời gian gần đây được đánh giá là chiếc "ngòi" có thể khiến giá vàng bùng nổ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: "Nếu tình xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine bùng nổ, giá vàng thế giới có thể lên tới khoảng 1.900 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ đạt ngưỡng khoảng 65 - 70 triệu đồng/lượng. Xác suất đạt 70 triệu đồng/lượng có thể thấp nhưng mức 65 triệu đồng/lượng hoàn toàn có thể đạt được".
Mặc dù vậy, ông Hiếu cho rằng chỉ nên coi đây là kênh tích trữ tài sản hơn là đầu tư.
H.Mĩ
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam