Giá vàng “lên sóng” từng giờ, người dân vẫn tăng mua tích trữ cuối năm Giá vàng hôm nay 22/11/2023: Giá vàng tiếp đà tăng "phi mã" Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 22/11/2023: Giá vàng tăng “dữ dội” |
Giá vàng thế giới tăng mạnh, có thời điểm vượt mốc 2.000 USD/oz, trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (21/11), khi giới đầu tư tin rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất đến mức cực đại trong chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ này.
Trong nước sáng nay (22/11), giá vàng miếng tiếp tục tăng trên ngưỡng 71 triệu đồng/lượng, chênh lệch gần 13 triệu đồng/lượng so với giá vàng quốc tế quy đổi.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao sau tại thị trường New York tăng 20,1 USD/oz, tương đương tăng 1,02%, chốt ở mức 1.998,7 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Có thời điểm trong phiên, giá vàng giao ngay đạt 2.008,5 USD/oz.
Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX tăng 21,3 USD/oz, tương đương tăng 1,1%, chốt ở mức 2.001,6 USD/oz. Đây là lần đầu tiên giá vàng giao sau đóng cửa trên ngưỡng chủ chốt 2.000 USD/oz kể từ hôm 31/10 - theo dữ liệu từ Dow Jones Market Data.
Sáng nay (22/11), giá vàng miếng tiếp tục tăng trên ngưỡng 71 triệu đồng/lượng |
Fed công bố biên bản cuộc họp ngày 31/10 - 1/11 cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đang loay hoay với những tín hiệu trái chiều từ nền kinh tế và giữ quan điểm thận trọng khi đưa ra quyết định giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức 5,25 - 5,5%. Theo biên bản này, giới chức Fed nhất trí rằng việc tăng lãi suất thêm sẽ chỉ cần thiết nếu tiến trình giảm lạm phát trong thời gian tới chậm lại.
Nhà đầu tư trên thị trường vàng hào hứng khi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy lãi suất của chu kỳ tăng này đã đạt đỉnh, dù không loại trừ khả năng Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để đảm bảo chắc chắn rằng lạm phát sẽ giảm về 2% một cách bền vững.
Việc Fed có thể không tăng lãi suất thêm là một yếu tố có lợi cho giá vàng vì kim loại quý này là một tài sản không mang lãi suất. Giá vàng đã tăng mạnh từ tuần trước, sau khi số liệu cho thấy sự xuống thang của lạm phát ở Mỹ củng cố khả năng Fed giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp tháng 12.
Trước những diễn biến nhanh của giá vàng trong nước và thế giới, Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) xoay quanh vấn đề này.
Căng thẳng địa chính trị và kinh tế suy thoái đã tác động như thế nào đến tâm lý thị trường nhu cầu tiêu thụ vàng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thưa ông?
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và suy thoái kinh tế, các nhà đầu tư trên toàn thế giới dần nâng cao cảnh giác hơn với các sự kiện rủi ro tiềm ẩn không lường trước được. Hơn hết, phản ứng của thị trường cũng ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các rủi ro địa chính trị và khả năng bùng phát đồng thời các cuộc khủng hoảng trên toàn cầu.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Giám đốc Toàn cầu về ngân hàng trung ương của Hội đồng Vàng thế giới |
Tại Hội đồng Vàng thế giới, chúng tôi ghi nhận sự tăng trưởng trong nhu cầu vàng đầu tư ở các thị trường chịu ảnh hưởng bởi các sự kiện rủi ro gần đây - với lượng mua vàng tăng vọt ở Đức sau sự kiện Nga can thiệp quân sự tại Ukraine, và tại Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh bầu cử tổng thống.
Nhìn chung, vàng luôn có sự biến động, không kém cạnh với chứng khoán Mỹ, vì vậy phân tích giá vàng trên cơ sở ngắn hạn không thể giúp nhà đầu tư nhìn thấy bức tranh toàn cảnh của việc đầu tư vàng. Đặc tính của vàng như một kênh trú ẩn an toàn đã được khẳng định trong thời gian gần đây khi giá vàng tăng vọt sau xung đột địa chính trị của Nga và Ukraine, và một lần nữa sau các cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Lợi suất của vàng trong các giai đoạn suy thoái và lạm phát cũng đã được ghi nhận và kiểm chứng qua nhiều chu kỳ kinh tế.
Còn ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư Việt Nam cũng đang dần trở nên nhạy bén hơn trong một thế giới ngày càng khó lường, theo đó, một số cá nhân có thể sẽ chuyển sang đầu tư vàng như một biện pháp để giảm thiểu rủi ro.
Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện ra sao? Hiện các ngân hàng trung ương đang có xu hướng chậm lại quá trình tăng lãi suất, điều này ảnh hưởng ra sao đối với giá vàng, thưa ông?
Theo số liệu thực tế từ Hội đồng Vàng thế giới, mức trung bình mua vàng của ngân hàng trung ương từ năm 2010 - 2021 chỉ dao động trong mức 400 - 500 tấn. Tuy nhiên, gần đây các ngân hàng trung ương đã thực hiện các giao dịch mua vàng ở mức kỷ lục. Năm ngoái, giao dịch mua vàng của ngân hàng trung ương đã vượt qua 1.000 tấn. Trong ba quý đầu tiên của năm nay, các ngân hàng trung ương cũng đã tích lũy thêm 800 tấn vàng.
Kể từ năm 2022, khi các ngân hàng trung ương bắt đầu quá trình tăng lãi suất, thị trường vàng cũng xuất hiện thêm một số rào cản nhất định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương đang dần dịch chuyển ra khỏi chu kỳ này nên tôi tin rằng các rào cản đối với thị trường vàng sẽ dần được gỡ bỏ.
Trong ba quý đầu tiên của năm nay, các ngân hàng trung ương cũng đã tích lũy thêm 800 tấn vàng |
Tại Việt Nam, tiêu thụ vàng trong quý III/2023 giảm 1% so với cùng kỳ năm trước và đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp nhu cầu tiêu thụ tại Việt Nam sụt giảm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này và xin ông cho biết dự báo về nhu cầu vàng tại Việt Nam những tháng cuối năm?
Trong bối cảnh giá vàng nhìn chung đang ở mức khá cao, giá vàng tại Việt Nam có mức chênh lệch đáng kể với giá vàng quốc tế, khiến giá vàng địa phương càng cao hơn. Đây có thể là nguyên nhân gây ra sự sụt giảm trong nhu cầu vàng tại Việt Nam gần đây.
Tuy vậy, sự giảm nhẹ về nhu cầu vàng tại Việt Nam không nhất thiết phản ánh bất kỳ thay đổi cơ cấu nào trong thị trường. Càng gần đến cuối năm, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục chú ý quan sát hướng đi của chính sách tiền tệ toàn cầu để nhận định hướng đi của giá vàng.
Theo Thông tư 12/2023/TT-NHNN về hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng thị trường trong nước, từ ngày 27/11, Cục Quản lý dự trữ ngoại hối sẽ tham gia vào quy trình giao dịch mua, bán vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước sẽ siết chặt hơn hoạt động mua bán vàng miếng từ các tổ chức, tín dụng đã được cấp phép, nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ vàng, giải quyết những tình trạng còn bất cập, tình trạng giá vàng trong nước chênh với giá vàng thế giới. Ông đánh giá ra sao về chính sách mới này của Việt Nam? Và ông có đề xuất gì với Chính phủ, các cơ quan quản lý của Việt Nam về công tác quản lý thị trường vàng trong thời gian tới?
Vận hành thị trường vàng một cách có tổ chức, hiệu quả và minh bạch là yếu tố then chốt. Chúng tôi hoan nghênh những chính sách hạn chế đầu cơ hoặc các chính sách hỗ trợ điều chỉnh mức chênh lệch giữa giá vàng thị trường Việt Nam và quốc tế.
Việt Nam đã đi được một chặng đường dài kể từ khi Chính phủ triển khai các quy định kiểm soát thị trường vàng hơn một thập kỷ trước. Đất nước giờ đây đang ở vị thế kinh tế vĩ mô vững chắc hơn. Việc mở cửa thị trường vàng nội địa sẽ là bước đi quan trọng, mang lại lợi ích cho người dân Việt Nam.
Chúng tôi đang tích cực tham gia đối thoại với các bên liên quan nhằm đề xuất và thúc đẩy sự phát triển của thị trường vàng nội địa, theo đó, chúng tôi rất mong đợi nhiều tiến triển mới tại Việt Nam.
Về triển vọng giá vàng trong năm 2024, ông có nhận định như thế nào và khuyến cáo gì với các nhà đầu tư?
Chính sách tiền tệ và biến động của đồng đôla Mỹ luôn là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới giá vàng. Do đó, việc phân tích đường lối điều chỉnh lãi suất của Fed sẽ giữ vai trò then chốt. Song song đó, diễn biến phức tạp của các sự kiện trên thế giới gần đây cũng cho thấy sự không ổn định trong tương lai.
Xung đột đang diễn ra ở Ukraine hay cuộc xung đột mới ở Trung Đông, và các căng thẳng địa chính trị ở những nơi khác đang trở thành tâm điểm được quan tâm của thị trường vàng. Nhà đầu tư sẽ phải xem xét toàn bộ các yếu tố này để có cái nhìn toàn diện về triển vọng của thị trường vàng trong năm 2024.
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lan (thực hiện)