Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Thái Nguyên sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV về việc tăng cường các biện pháp quản lý và phát triển thị trường vàng theo hướng an toàn, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Trong bối cảnh giá vàng thế giới tăng mạnh thời gian qua, giá vàng miếng trong nước cũng leo thang, với chênh lệch giá so với vàng thế giới có thời điểm lên tới 18 triệu đồng/lượng – tương đương khoảng 25%.
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội trong một đợt kiểm tra điểm kinh doanh vàng Bảo Tín Lan Vỹ (ảnh Kiểm toán Nhà nước) |
Theo NHNN, từ năm 2021, chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao, tác động đến tâm lý xã hội và gây lo ngại về ổn định kinh tế vĩ mô. Từ mức chênh lệch khoảng 3 triệu đồng/lượng trong giai đoạn 2014-2021, cuối năm 2021 đến nay, con số này có thời điểm đạt tới 18 triệu đồng/lượng.
Biện pháp kiểm soát chênh lệch giá vàng
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai nhiều giải pháp để giảm chênh lệch giá vàng, ổn định thị trường. Kết quả là, đến ngày 25/9/2024, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới đã giảm xuống còn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Trong thời gian tới, NHNN cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát chênh lệch giá vàng, phối hợp với các cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vàng, cửa hàng và đại lý phân phối. Đồng thời, NHNN sẽ tập trung hoàn thành thanh tra theo Quyết định số 324 năm 2024 đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch.
Hiện NHNN đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, bao gồm các nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, phù hợp với tình hình thực tiễn. Các chính sách sẽ bám sát chủ trương của Đảng và Chính phủ, đồng thời tiếp thu kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng.
Trước đó, ngày 23/5/2024, NHNN đã phối hợp với Thanh tra Chính phủ cùng các bộ, ban ngành như Công an, Tài chính, Công Thương tổ chức công bố quyết định thanh tra về việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng. Các đối tượng thanh tra bao gồm các ngân hàng như EximBank, TPBank, cùng các công ty kinh doanh vàng lớn như SJC, PNJ, Doji và Bảo Tín Minh Châu.
PNJ bị xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng
Mới đây, Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) đã công bố thông tin về việc bị xử phạt hành chính sau đợt thanh tra liên ngành của Chính phủ đối với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên toàn quốc từ ngày 23/5 đến 10/9.
Cụ thể, PNJ đã nhận Quyết định xử phạt số 648/QĐ-XPHC từ Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng, với số tiền phạt là 1,34 tỷ đồng.
PNJ đã nhận Quyết định xử phạt svới số tiền phạt là 1,34 tỷ đồng |
Nguyên nhân dẫn đến việc PNJ bị xử phạt liên quan đến các quy định nội bộ chưa chặt chẽ về phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro, báo cáo giao dịch có giá trị lớn, và quy trình kiểm toán nội bộ chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý về phòng chống rửa tiền. Bên cạnh đó, công ty cũng mắc một số sai sót trong việc báo cáo và cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý.
Đối diện với các thiếu sót này, PNJ cho biết đã nghiêm túc chấp hành quyết định xử phạt và chủ động khắc phục những vấn đề tồn tại. Công ty cam kết sẽ hoàn thiện các quy định và quy trình nội bộ để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp luật.
PNJ bị xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng sau đợt thanh tra kinh doanh vàng liên ngành của Chính phủ PNJ vừa bị xử phạt 1,34 tỷ đồng sau đợt thanh tra liên ngành về kinh doanh vàng do vi phạm quy định về phòng ... |
Giá vàng đảo chiều tăng dựng đứng sau hai phiên “lao dốc” Giá vàng thế giới đã đảo chiều tăng mạnh sau hai phiên giảm sâu, vượt ngưỡng 2.628 USD/Ounce. Tâm lý trú ẩn an toàn và ... |
Giá vàng hôm nay 11/10/2024: Vàng nhẫn giảm mạnh, nhà đầu tư lỗ gần 1 triệu đồng/lượng sau 10 ngày Sáng ngày 11/10, giá vàng miếng SJC giảm 500.000 đồng/lượng, vàng nhẫn giảm 300.000 - 400.000 đồng/lượng. Trong khi đó, giá vàng thế giới tăng ... |
Trang Nhi