Cụ thể, giá dầu thô Brent giảm xuống mức 80,28 USD/thùng. Giá dầu WTI cũng giảm về mức 74,05 USD/thùng. Đây là mức giá thấp nhất của cả hai mặt hàng dầu này kể từ ngày 3/2. Giá dầu giảm mạnh trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư lo ngại các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ tăng lãi suất mạnh, gây áp lực lên tăng trưởng kinh tế và nhu cầu nhiên liệu.
Nguồn ảnh: Internet |
Tuy nhiên, sau đó, giá dầu đã quay đầu đi lên. Vào tối 23/2, giá của 2 loại dầu phổ biến nhất thế giới đã phục hồi. Dữ liệu từ Oilprice cho hay, cuối ngày 23/2 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 4 được giao dịch ở mức 81,5 USD/thùng, tăng 0,9 USD, tương đương 1,12% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 3 được giao dịch ở mức 74,8 USD/thùng, tăng 0,84 USD, tương đương 1,14% so với phiên liền trước.
Nguồn cung dầu ngày càng eo hẹp, thắt chặt hơn khi các nhà sản xuất lớn trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) có kế hoạch cắt giảm sản lượng. Tháng 10/2022, OPEC+ đã đồng ý cắt giảm mục tiêu sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11/2022 cho đến hết năm 2023. Sản lượng dầu thô của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tháng 1 đã giảm 49.000 thùng/ngày so với tháng 12/2022, xuống mức trung bình 28,88 triệu thùng/ngày.
Các nhà phân tích kỳ vọng nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm lọc dầu. Bloomberg ước tính, trong năm nay, nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, lên mức khoảng 16 triệu thùng mỗi ngày.
Tại thị trường trong nước, giá xăng RON 95-III (loại phổ biến trên thị trường) giảm 320 đồng/lít, về mức 23.440 đồng/lít; xăng E5 RON92 cũng giảm mức như trên với 320 đồng/lít, về mức 22.540 đồng/lít. Đáng chú ý, các mặt hàng dầu tiếp tục giảm giá, trừ dầu mazut. Mỗi lít dầu diesel 0.05S giảm 700 đồng/lít, xuống 20.860 đồng/lít; dầu hỏa giảm 750 đồng/lít, xuống 20.840 đồng/lít và dầu mazut tăng 620 đồng/kg, lên mức 14.250 đồng/kg.
Mới đây, Bộ Công Thương và VCCI đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu. Trước những biến động trên thị trường vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã kiến nghị duy trì mức chiết khấu tối thiểu đảm bảo chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, trong khi các doanh nghiệp phân phối đề nghị được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Hiện dự thảo này vẫn đang được Bộ Công Thương tổng hợp các ý kiến để trình Chính phủ về các phương án sửa đổi liên quan tới công thức tính giá, chu kỳ điều hành giá, việc sử dụng quỹ bình ổn, quyền và nghĩa vụ của đại lý, thương nhân phân phối, đầu mối...
Thanh Hằng (T/H)