Giải mã giá dầu thế giới tiếp tục lao dốc

06/12/2023 - 23:10
(Bankviet.com) Giá dầu thế giới tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất gần 5 tháng qua khi các thị trường tiếp tục nghi ngờ về tác động của việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+.
Ngân hàng Thế giới: Giá dầu thế giới có thể tăng kỷ lục 150 USD/thùng OPEC giữ giá dầu thế giới ở mức 80 USD đến 100 USD Giá dầu thế giới có thể chạm 100 USD/thùng vào năm 2024 do rủi ro gián đoạn nguồn cung

Theo đó, giá dầu thô Brent giao kỳ hạn giảm 83 xu Mỹ (1,1%) xuống 77,20 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 72 xu Mỹ (1,0%) xuống 72,32 USD/thùng, và là mức giá đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu kể từ ngày 6/7. Đối với dầu WTI, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2023 giá giảm trong bốn ngày liên tiếp.

Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 20h38 ngày 5/12 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 77,24 USD/thùng, giảm 0,79 USD, tương đương 1,01% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 72,28 USD/thùng, giảm 0,76 USD, tương đương 1,04% so với phiên liền trước.

OPEC+ cắt giảm sản lượng

Giới phân tích cho rằng, giá dầu thế giới tiếp tục đi xuống trước những bất ổn xung quanh các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), tình hình căng thẳng ở Trung Đông và số liệu kinh tế yếu từ Mỹ.

gia dau

Sức ép của đồng USD đẩy giá dầu thế giới lao dốc không phanh. Ảnh: RIA Novosti

Giá dầu tiếp tục gặp áp lực khi các nhà giao dịch vẫn hoài nghi về chính sách cắt giảm tự nguyện gần 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024 của OPEC+.

Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, OPEC+ sẵn sàng thực hiện các động thái cắt giảm sản lượng bổ sung để loại bỏ tình trạng đầu cơ và biến động giá dầu không ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý thị trường.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho hay, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể kéo dài qua sau tháng 3/2024 nếu thị trường yêu cầu, đồng thời chỉ trích các nhà bình luận vì không hiểu thỏa thuận sản lượng.

Theo Hoàng tử bin Salman, điều này sẽ thay đổi một khi “mọi người nhìn thấy thực tế của thỏa thuận”. “Tôi thành thật tin rằng 2,2 triệu thùng sẽ bù trừ mức tồn kho thông thường thường xảy ra trong quý đầu tiên”, Hoàng tử bin Salman nhấn mạnh.

Tuy nhiên, việc thiếu đồng thuận của các thành viên của OPEC+ trong quyết định tăng hay giảm sản lượng khiến nhiều người băn khoăn về tính hiệu quả và sự gắn kết của nhóm này.

Nhà phân tích thị trường cao cấp Craig Erlam của UK & EMEA, tại công ty phân tích và dữ liệu OANDA, cho rằng thỏa thuận OPEC+ không hỗ trợ nhiều cho giá dầu.

Nhu cầu ngày càng giảm

Các cuộc khảo sát vào tuần trước của Reuters cho thấy trong tháng 11, hoạt động sản xuất toàn cầu vẫn yếu do nhu cầu giảm. Số liệu được công bố hôm 5/12 cho hay, lượng đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ trong tháng 10 giảm nhiều hơn dự kiến, với mức giảm mạnh nhất trong hơn 3 năm qua. Số liệu này cho thấy nhu cầu dầu suy yếu tại Mỹ. Ngoài ra, căng thẳng gia tăng tại Israel-Hamas đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung.

gia dau
Ảnh minh họa

Đồng thời, thị trường dường như đã quay trở lại tâm trạng bi quan về nhu cầu xăng dầu trong tương lai, chi phối bởi lo ngại về kinh tế Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất, cũng như các quốc gia tiệu thụ dầu lớn khác. Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác đang cố gắng hỗ trợ giá bằng cách giảm sản lượng dầu.

Giới chuyên gia cũng cảnh báo 2024 có thể là một năm khó khăn trên thị trường dầu mỏ. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán mức tiêu thụ xăng ở nước này sẽ giảm trong năm 2024 do ngày càng có nhiều người làm việc kết hợp giữa trực tiếp và từ xa, động cơ ô tô hiệu quả hơn và số lượng xe điện ngày càng tăng.

Đồng USD tăng giá

Theo ghi nhận, đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong hai tuần so với các đồng tiền chủ chốt sau khi dữ liệu mới cho thấy cơ hội việc làm của Mỹ trong tháng 10/2023 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021. Đồng USD mạnh có thể làm giảm nhu cầu dầu bằng cách làm cho nhiên liệu này trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu áp lực bởi tồn kho dầu của Mỹ đã tăng lên hàng triệu thùng trong những tuần qua.

Tuy nhiên, nhà phân tích Edward Moya tại OANDA đánh giá, thị trường dầu mỏ sẽ vẫn ổn định với triển vọng nhu cầu thấp và bất kỳ diễn biến mới nào trong cuộc xung đột Israel-Hamas có thể kéo theo sự gián đoạn nguồn cung.

Thanh Bình (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương