Việt Nam đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, trên cơ sở chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, xây dựng kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, nền kinh tế và xã hội, giúp tận dụng được nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng, giảm đến mức thấp nhất khai thác tài nguyên vốn có đang cạn kiệt. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn bước đầu sẽ gặp khó khăn nhất định, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy và nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng còn hạn chế.
1. Hiện trạng phát triển kinh tế tuần hoàn trên thế giới
Sức ép của tăng trưởng, đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng nhu cầu tiêu thụ các loại nhiên liệu, năng lượng làm gia tăng khai thác tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Theo ước tính của Liên hợp quốc, đến năm 2030 nếu tiếp tục phát triển với mô hình kinh tế tuyến tính (dựa trên quá trình khai thác, sản xuất, tiêu dùng và cuối cùng thải ra môi trường), nhu cầu sử dụng tài nguyên sẽ tăng gấp ba lần so với hiện nay, vượt ngoài khả năng cung ứng của trái đất. Lượng chất thải vượt giới hạn sức chịu tải của môi trường.
Theo dự báo của Liên minh châu Âu (EU), từ năm 1970 - 2017, lượng nguyên liệu khai thác toàn cầu hằng năm tăng gấp ba lần; đến năm 2050, lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ bằng ba lần năng lực cung cấp của trái đất, gây ra rủi ro lớn về biến đổi khí hậu, gia tăng dịch bệnh... là mối đe dọa nghiêm trọng tới an ninh lương thực, an ninh khu vực và sức khỏe của con người, môi trường tự nhiên và hệ sinh thái trên toàn cầu. Khoảng một nửa lượng phát thải khí nhà kính, hơn 90% tổn thất đa dạng sinh học và căng thẳng về nước sạch là do khai thác tài nguyên, chế biến nguyên nhiên liệu, thực phẩm và hàng hóa, dịch vụ.
Phát triển các mô hình kinh tế xanh, ít chất thải, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn đang nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia, doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được xem là xu thế tất yếu, được đồng thuận toàn cầu, được các quốc gia coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỉ 21. Kinh tế tuần hoàn là cơ hội chung tay thực hiện cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã xác định thực hiện kinh tế tuần hoàn là một lộ trình dài hạn. Hà Lan, Pháp, Nhật Bản, Úc… xác định các lộ trình thực hiện từ 10 năm đến 20 năm, thậm chí 30 năm. Với những định hướng và hành động chiến lược trên các khía cạnh như: Nhận thức, hành vi và văn hóa, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, huy động nguồn lực... thông qua việc sử dụng hiệu quả nhiều công cụ, chính sách khác nhau để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thay đổi hành vi sản xuất, tiêu dùng của các chủ thể theo hướng bền vững, chuyển đổi từ mô hình kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy quản lí chất thải theo các nguyên tắc, biện pháp của kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ phát triển thị trường các hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế tuần hoàn như công nghệ, thiết bị, sản phẩm để thúc đẩy tái chế, tái sử dụng; phục hồi, thị trường các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ tạo ra từ áp dụng kinh tế tuần hoàn như nguyên liệu, vật liệu tái chế, sản phẩm, hàng hóa đã qua sử dụng; dịch vụ tư vấn, đánh giá, kết nối và chia sẻ các bên, hợp tác quốc tế, giám sát kinh tế tuần hoàn…
Việc lựa chọn các ngành, lĩnh vực, sản phẩm, vật liệu, chất thải ưu tiên cho thực hiện kinh tế tuần hoàn của các nước cũng khác nhau do nhiều yếu tố như lợi thế, đặc trưng và nguy cơ phát sinh chất thải, ô nhiễm môi trường... Nhìn chung, các nước đều hướng đến chuyển dịch toàn diện để giải quyết đồng thời ba mục tiêu quan trọng là giảm chất thải, bảo tồn vốn tự nhiên, đa dạng sinh học và giảm phát thải khí nhà kính.
2. Vai trò của kinh tế tuần hoàn trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050
Tại COP26, các quốc gia đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 để giữ cho mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 1,5 độ C vào cuối thế kỉ này. Việc chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng sạch, tái tạo là trọng tâm để đạt các mục tiêu trên.
Tuy nhiên, theo nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Quỹ Ellen Macarthur, chuyển đổi năng lượng cùng với tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng chỉ đóng góp được 55% cho mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, còn 45% nằm ở các giải pháp kinh tế tuần hoàn. Cũng theo tính toán của Quỹ Ellen Macarthur, thế giới có thể giảm 38% lượng khí thải từ vật liệu xây dựng vào năm 2050 bằng cách loại bỏ chất thải trong các tòa nhà và quá trình xây dựng, chia sẻ mục đích sử dụng các tòa nhà nhiều hơn; tái sử dụng và tái chế vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, có thể giảm một nửa lượng khí thải từ hệ thống thực phẩm vào năm 2050 thông qua các biện pháp tuần hoàn trong nông nghiệp. Do vậy, việc áp dụng các nguyên tắc loại bỏ chất thải và ô nhiễm, lưu thông các sản phẩm, nguyên liệu trong mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp, nông nghiệp. Cụ thể, việc giảm thiểu và loại bỏ chất thải và ô nhiễm sẽ giảm phát thải khí nhà kính trong toàn bộ chuỗi giá trị bằng cách luân chuyển, thu giữ lại năng lượng có trong các sản phẩm, tái tạo tự nhiên giúp cô lập và thu giữ được carbon.
Kinh tế tuần hoàn góp phần giảm rủi ro cho doanh nghiệp về khủng hoảng thừa sản phẩm, khan hiếm tài nguyên; tạo động lực để đầu tư, đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, tăng chuỗi cung ứng... Xã hội sẽ được hưởng lợi nhờ giảm chi phí trong quản lí, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo ra thị trường mới, cơ hội việc làm mới, nâng cao sức khỏe người dân...
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ mô hình tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn sẽ gặp những khó khăn nhất định, trong bối cảnh Việt Nam còn thiếu các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn lực, công nghệ tái chế, tái sử dụng ở nước ta còn hạn chế.
3. Hiện trạng phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Việt Nam đã có mô hình kinh tế tuần hoàn từ nhiều thập niên trước, điển hình gắn với cách tổ chức vườn - ao - chuồng, vườn - ao - chuồng - rừng... Tuy nhiên, các mô hình này đều có quy mô nhỏ, chưa nhấn mạnh các yêu cầu ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo giá trị gia tăng và tăng năng suất, tư duy liên kết giữa các ngành.
Một số hạn chế trong phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam như: (i) Khuôn khổ, thể chế cho phát triển kinh tế tuần hoàn chưa hoàn thiện; (ii) Hạn chế trong nhận thức về kinh tế tuần hoàn, sự cần thiết chuyển đổi sang phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn; (iii) Nguồn nhân lực đáp ứng cho chuyển đổi sang phát triển kinh tế tuần hoàn còn yếu; (iv) Phần lớn doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạn chế về năng lực công nghệ tái chế, tái sử dụng, năng lực đóng góp vào phục hồi các nguồn tài nguyên; (v) Cách thức tiến hành, chuyển đổi từ nền kinh tế tuyến tính sang xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn còn chậm; do vậy, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế còn chưa cụ thể, kịp thời, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.
Nhận thức được tính cấp thiết của việc cần phải thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, ngay từ năm 2020, Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, xác định chủ trương, tư duy, định hướng và các nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn. Nhiều nghiên cứu cơ bản, tham vấn các chuyên gia, nhà đầu tư về kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện. Ngày 01/01/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, ngày 10/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, đã quy định các nội dung cụ thể về kinh tế tuần hoàn, trong đó có nhiệm vụ về xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo. Các bộ, cơ quan liên quan đã tập trung xây dựng các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động để triển khai thực hiện cam kết. Ngoài ra, nhiều bộ, ngành đã kí kết các thỏa thuận hợp tác thực hiện cam kết COP26 với Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC)...
Nhiều địa phương đã nhận thức, tổ chức quán triệt và triển khai các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 thông qua thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực và nhận thức của đội ngũ cán bộ; tuyên truyền các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sử dụng các nguồn năng lượng xanh; đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở trên địa bàn thuộc đối tượng phải kiểm kê khí nhà kính xây dựng kế hoạch, lộ trình giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh.
Các tổng công ty, tập đoàn nhà nước cũng triển khai các nghiên cứu, theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng hóa thạch. Doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân cũng hành động ngay. Một số tập đoàn đa quốc gia sẵn sàng hợp tác với các cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” trong các hoạt động của mình.
Như vậy, trong thời gian ngắn kể từ Hội nghị COP26 đến nay, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đã triển khai nhiều hành động thực hiện cam kết, nhận được sự ủng hộ vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, địa phương và doanh nghiệp. Việc thực hiện mục tiêu cam kết của Việt Nam tại COP26 đòi hỏi phải quyết tâm, nỗ lực cao; huy động mọi nguồn lực, toàn xã hội, toàn dân vào cuộc, trong đó kết nối và vận động thu hút nguồn lực từ quốc tế, các dòng tài chính xanh, chuyển giao công nghệ, tri thức, kinh nghiệm của các nước, các tổ chức quốc tế là rất quan trọng.
4. Các giải pháp hoàn thiện chính sách kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Khẳng định chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam phù hợp với xu hướng, yêu cầu, tạo đột phá trong phục hồi kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chủ động thích ứng, chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cách tiếp cận mở, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian, tạo thuận lợi cho phát huy hiệu quả kinh tế. Phát triển kinh tế tuần hoàn phải dựa trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, bảo đảm huy động và sử dụng hiệu quả tri thức nhân loại, các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số, nguồn lực cần thiết từ khu vực kinh tế tư nhân, tổ chức, đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, cách tiếp cận tuần tự, truyền thống là không đủ để tạo dựng “sức sống” cho các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn. Bối cảnh phát triển nền kinh tế cần có thêm động lực từ chính nỗ lực thúc đẩy “phục hồi xanh”. Theo đó, một nhiệm vụ quan trọng để sớm cụ thể hóa các định hướng này là xây dựng các nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn...
4.1. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm trong kinh tế tuần hoàn
Quy định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn để thúc đẩy, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp sớm thử nghiệm các ý tưởng sáng tạo, đồng thời đóng góp vào quá trình chuyển đổi xanh, phục hồi xanh ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, sẽ tạo điều kiện, căn cứ thực tiễn cho việc hoàn thiện khung khổ pháp lí cho kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
Các lĩnh vực tham gia cơ chế thử nghiệm bao gồm: Nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng.
Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản
Đây là một ngành quan trọng nhưng chưa có sự đột phá về tăng năng suất lao động, thúc đẩy ứng dụng khoa học và công nghệ gắn với phát triển bền vững, giảm phát thải ra môi trường. Điều này là một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng trưởng của ngành này chưa được cải thiện một cách đáng kể trong nhiều năm qua (trung bình tăng trưởng 2,98%/năm trong giai đoạn 2016 - 2021; 3,36% năm 2022 và 2,43% trong quý I/2023).
Tuy nhiên, dù đã có đóng góp trong việc cải thiện liên kết giữa các doanh nghiệp, song chưa tạo được tác động lan tỏa về năng suất, chất lượng, chuyển giao khoa học - công nghệ, các tiêu chuẩn, quy chuẩn gắn với sản xuất bền vững. Mặc dù các chính sách về thúc đẩy liên kết nội ngành, giữa ngành này với các ngành khác (công nghiệp, dịch vụ) đã được thực hiện trong nhiều năm qua. Nếu tạo được đột phá mới thông qua ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng cao hơn trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, đạt giá trị cao hơn trong xuất khẩu, cải thiện năng suất, đóng góp hiệu quả vào giảm phát thải (thậm chí có thể bán tín chỉ carbon), an ninh lương thực ở khu vực và thế giới.
Lĩnh vực công nghiệp
Lựa chọn lĩnh vực công nghiệp do cách tổ chức sản xuất duy trì nhiều năm trước đây chưa tạo ra được đột phá về liên kết nội ngành, liên kết với nông, lâm nghiệp và thủy sản và dịch vụ. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp chỉ đạt 7,78% (năm 2022), đạt -0,82% vào quý I/2023.
Việc liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, dù có nhiều cải thiện, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp gắn với cải thiện mức độ độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập và khai thác các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong công nghiệp sẽ là tác nhân quan trọng để doanh nghiệp thay đổi các thức tổ chức sản xuất, thú đẩy tư duy liên kết, mô hình thích ứng với các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là hướng đến xuất khẩu.
Lĩnh vực năng lượng
Vấn đề an ninh năng lượng, giảm phát thải trong quá trình sản xuất, tiêu dùng năng lượng, tư duy phát triển xanh một cách nhất quán (ví dụ như ô tô điện chỉ đạt hiệu quả giảm phát thải tốt nhất nếu nguồn điện được sản xuất cũng “sạch”) để phát triển bền vững. Bản thân các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, chuyển dịch năng lượng xanh, hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Lĩnh vực vật liệu xây dựng
Nhu cầu xây dựng hạ tầng và các công trình dân dụng rất lớn đối với nước ta. Vì vậy, phải bảo đảm đủ nguồn cung vật liệu xây dựng một cách bền vững, giúp đáp ứng yêu cầu phát triển hạ tầng đúng thời hạn, chất lượng, đồng thời tạo đột phá cho cải thiện giá trị gia tăng của ngành. Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp thu các công nghệ mới, hiện đại nhằm tái chế vật liệu xây dựng ở các nước có trình độ tiên tiến hơn.
4.2. Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến dự thảo kiến Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030. Kế hoạch được xây dựng bám sát các quan điểm sau: Cơ chế, chính sách mới, phát triển hạ tầng liên kết, đồng bộ giữa Trung ương và địa phương, giữa tổ chức và cá nhân trong thực hiện kinh tế tuần hoàn; tăng cường nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, gắn nội dung kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải.
Mục tiêu chung của Kế hoạch để hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên, nguồn nguyên vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế tối đa chất thải ra môi trường, thúc đẩy sự tái sinh của thiên nhiên trên cơ sở lựa chọn, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phù hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng về đổi mới, sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa trong sản xuất, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.
5. Giải pháp huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam
Với nhu cầu vốn lớn để theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức từ huy động vốn. Trong bối cảnh thâm hụt ngân sách nhà nước, nguồn vốn tài trợ và viện trợ có xu hướng giảm, huy động nguồn lực tài chính cho nền kinh tế chủ yếu từ nguồn của các tổ chức tín dụng, ngân hàng.
Việc phân bổ và sử dụng nguồn tài chính phục chuyển đổi và xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng gặp khó khăn. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới (WB, 2021), Việt Nam sẽ cần đầu tư khoảng gần 370 tỉ USD (tương đương 6,8% GDP/năm) trong giai đoạn 2022 - 2040 để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, trong đó 35% từ ngân sách, 65% từ nguồn tư nhân (có thể từ trong và ngoài nước).
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần sớm xây dựng và thực thi các cơ chế, chính sách huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế tuần hoàn. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần tiếp tục ban hành thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng quản lí rủi ro về môi trường (rộng hơn so với nội dung về tín dụng xanh) nhằm tăng cường quản trị tín dụng với các lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ít carbon…; xây dựng kế hoạch phát triển 5 năm theo hướng phát triển chiều sâu, gia tăng hiệu quả, nâng cao vai trò kênh dẫn vốn dài hạn quan trọng cho nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh.
Việt Nam cũng cần đưa nội dung về phát triển xanh thành tiêu chí quan trọng trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đầu tư trong nước; khuyến khích các hoạt động thu hồi, tái chế, đổi mới sáng tạo (xử lí rác thải công nghiệp; xe điện, xe tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu đầu vào từ thiên nhiên)… Các doanh nghiệp cần xây dựng các phương án huy động các nguồn lực tài chính khả thi cho phát triển dự án kinh tế tuần hoàn (phương thức, quy mô, thời điểm, lãi suất, tiêu chuẩn phát hành, nhà đầu tư trong nước/quốc tế)...
Mặt khác, Việt Nam cũng cần tích cực tham gia đàm phán, thu hút đa dạng các nguồn vốn quốc tế, vốn ODA để tài trợ cho các dự án tín dụng kinh tế tuần hoàn; tăng cường hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực tài chính cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn... Chỉ khi có đủ nguồn lực mới có thể đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và thích ứng biến đổi khí hậu...
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2023). Dự thảo Nghị định về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2023). Dự thảo Kế hoạch hành động Quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2035.
3. Ellen MacArthur Foundation (2020), Financing the Circular Economy - Capturing the Opportunity. Ellen MacArthur Foundation Publishing: Cowes, UK.
4. European Commission (2020). A new circular economy action plan for a cleaner and more competitive Europe. European Commission: Brussels, Belgium, pages 1-20.
5. European Commission (2020). New Circular Economy Action Plan The European Green Deal.
6. Hiệp Hội Nhựa Việt Nam (VPA, 2022). Báo cáo tổng quan ngành nhựa Việt Nam năm 2022.
7. Ocean Conservancy (2017). The next wave: Investment strategies for plastic free seas. Ocean Conservancy: Washington, DC, USA.
8. OECD (2021). The OECD Inventory of Circular Economy Indicators.
9. Sitra and ADBI (2022). Prospects for Transitioning from a Linear to Circular Economy in Developing Asia. Chapter 4, pages 63-78.
10. UN Environment Programme (2018). Single-Use Plastics: A Roadmap for Sustainability. Kenya: UN Environment Programme.
11. WBCSD (2019). Policy enablers to accelerate the circular economy: Scaling up actions across regions and stakeholders.
12. The World Bank Group (2022). Squaring the Circle: Policies from Europe’s Circular Economy Transition. World Bank Publications.
TS. Nguyễn Đình Đáp
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam