Đó là một trong những nhận định của TS. Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về tác động của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) (sửa đổi) vừa được thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV (Luật Các TCTD 2024) tại Chương trình Đối thoại đầu tuần của Báo Đầu tư với chủ đề "Thực thi Luật các tổ chức tín dụng: Những băn khoăn của doanh nghiệp và ngân hàng".
Đánh giá Luật Các TCTD 2024 là Luật tương đối toàn diện, phản ánh một cách tổng thể hoạt động của các TCTD, về lĩnh vực tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng chỉ ra 5 điểm mới của Luật, bao gồm:
Một là, Luật đã thể hiện được vai trò, trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban kiểm soát.
"Đây là một trong những nội dung về quản trị ngân hàng. Trước hết, phải xác định muốn làm tốt một hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả thì phải quản trị tốt, phải nâng cao trách nhiệm, vai trò của hội đồng quản trị và ban kiểm soát", TS. Nguyễn Quốc Hùng nói.
Hai là, Luật đã tiếp cận người dân để đảm bảo ứng dụng khoa học công nghệ, tạo hành lang pháp lý để các TCTD thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất và an toàn.
Ba là, đối với nội dung về can thiệp sớm. Qua bộ Luật mới này, vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được thể hiện sâu sát hơn. Với các TCTD không đạt hệ số an toàn phải nằm trong diện can thiệp sớm sẽ tự thấy được thực trạng hoạt động kinh doanh của mình.
Đồng thời, NHNN sẽ có cơ chế, đặc thù riêng để khi nào vượt qua được tình trạng đó thì không phải can thiệp sớm nữa, tránh tình trạng để mắc bệnh trầm trọng, dẫn tới phải kiểm soát đặc biệt.
Bốn là, nội dung về xử lý nợ xấu.
"Mặc dù chưa đạt được kỳ vọng so với Nghị quyết 42/2017/QH14 nhưng Luật mới cũng đã thể hiện được một phần về xử lý nợ xấu", Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nói thêm.
Năm là, Luật mới thể hiện rõ hơn các mô hình công ty cho thuê tài chính, mô hình của các công ty tài chính tiêu dùng, tài chính vi mô, và một phần liên quan vấn đề ngân hàng chính sách.
Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 có nhiều quy định kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động tín dụng và một trong những điểm được quan tâm hiện nay là "giới hạn cấp tín dụng đối với một khách hàng". Theo đó, tại Điều 136 Luật Các TCTD 2024, có đưa ra một số quy định, có thể kể đến như:
Trường hợp 1, về tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng: một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó của ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô không được vượt quá tỷ lệ sau đây:
Từ ngày 1/7/2024 đến trước ngày 1/1/2026: 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
Từ ngày 1/1/2026 đến trước ngày 1/1/2027: 13% vốn tự có đối với một khách hàng; 21% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
Từ ngày 1/1/2027 đến trước ngày 1/1/2028: 12% vốn tự có đối với một khách hàng; 19% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
Từ ngày 1/1/2028 đến trước ngày 1/1/2029: 11% vốn tự có đối với một khách hàng; 17% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó;
Từ ngày 1/1/2029: 10% vốn tự có đối với một khách hàng; 15% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó.
Trường hợp 2, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng đó không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng...
Trái ngược với những ý kiến lo ngại việc giới hạn cấp tín dụng có thể sẽ dẫn tới thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận, thậm chí có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây không phải là vấn đề lớn. Bởi lẽ, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng hiện nay đang rất lớn, việc ngân hàng cho vay 10-15% vốn tự có đã là con số không hề nhỏ. Hơn nữa, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của ngân hàng và khách hàng, cơ quan quản lý đã đưa ra lộ trình 5 năm để giảm tỷ lệ này.
"Tại sao một dự án lại luôn phải một ngân hàng cho vay, chỉ một ngân hàng cho vay nếu xảy ra sơ suất thì sẽ ra sao? Tại sao dự án tốt lại không để cho nhiều ngân hàng cùng cho vay?", TS. Nguyễn Quốc Hùng đặt câu hỏi và cho biết thêm: "Theo tôi, ngân hàng phải căn cứ vốn điều lệ của mình để lượng sức mình, cho vay đảm bảo ở tỷ lệ đảm bảo an toàn. Tôi rất ủng hộ việc giảm giới hạn cấp tín dụng với một khách hàng/nhóm khách hàng. Bởi vì trong hoạt động của tổ chức tín dụng, nên hạn chế tập trung vốn tín dụng vào một nhóm khách hàng và một khách hàng để hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn. Hơn nữa, chúng ta đã có quy định cho vay đồng tài trợ thì tại sao với các dự án lớn không đặt vấn đề thực hiện đồng tài trợ?".
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng nhấn mạnh, các dự án lớn nếu thực sự minh bạch hiệu quả thì dù có lên tới hàng tỷ USD cũng không sợ thiếu vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp phải thay đổi, thay vì dựa vào một ngân hàng thì cần cho nhiều ngân hàng cùng tham gia vào đánh giá, cho vay. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng cùng bắt tay nhau tài trợ vốn.
Với việc các quy định về giới hạn cấp tín dụng sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, đây là dịp để các tổ chức tín dụng rà soát, đánh giá lại tất cả khách hàng/nhóm khách hàng liên quan xem có rủi ro không, có yên tâm không. Nếu thấy tỷ lệ dư nợ quá lớn thì cần phải tính toán để có giải pháp xử lý khi khoản vay đáo hạn.
"Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, tập đoàn có nhiều công ty con, tự đánh giá, cơ cấu lại, nếu cần phải tính tới sáp nhập hay cắt giảm các dự án không hiệu quả. Nếu số vốn vay quá lớn vượt giới hạn cho phép, doanh nghiệp cũng phải tính tới phương án mời ngân hàng khác làm đầu mối thu xếp vốn để cùng tài trợ, không nên dựa vào duy nhất một ngân hàng", TS. Nguyễn Quốc Hùng phân tích thêm.
Minh Nhật