Ngày 19/6/2024, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com với chủ đề “Khẳng định vị thế - vươn tầm quốc tế”.
Hội nghị quốc tế có tham dự của ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương); bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh và ông Mike Zhang, Giám Đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam, cùng hàng trăm doanh nghiệp là các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam.
Toàn cảnh Hội nghị quốc tế về xuất khẩu trực tuyến thông qua nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com với chủ đề “Khẳng định vị thế - vươn tầm quốc tế” (Ảnh: Sỹ Đồng). |
Theo báo cáo e – Conomy SEA 2023 của Google, Temasek và Bain & Compamy, năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2022. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới tiếp tục là động lực tăng trưởng chính với tổng giá trị hàng hoá giao dịch ước đạt 14 tỷ USD, tăng 16,7 %.
Số liệu từ Tổng Cục Hải quan cũng cho thấy, quý I/2024, giá trị xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam qua thương mại điện tử xuyên biên giới ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ yếu là điện tử, dệt may, giày dép, nông sản, thủ công mỹ nghệ.
Theo Nghị quyết của Chính phủ đến năm 2025, nền kinh tế số Việt Nam sẽ đóng góp khoảng 20% GDP quốc gia. Trong đó, thương mại điện tử được đánh giá là một trong những trụ cột quan trọng (doanh thu khoảng 35 tỷ USD), góp phần thúc đẩy nền kinh tế số Việt Nam.
Thông qua hội nghị lần này giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có cái nhìn rõ hơn về tiềm năng và cơ hội mà thương mại điện tử mang lại; đồng thời, nhanh chóng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng cần thiết để đưa sản phẩm Việt Nam đến với thị trường toàn cầu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong thời gian qua, hoạt động thương mại số không ngừng được đẩy mạnh, tăng cường và đổi mới, nhằm thích ứng với tình hình mới, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, giao thương và xuất khẩu. Đây được coi là tiền đề để các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024 tiếp tục phát huy vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và thị trường.
Bộ Công Thương và Cục Xúc tiến thương mại cũng đã nghiên cứu, triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại để phù hợp hơn với tình hình thực tiễn; phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động nhằm đồng hành với các doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Việc hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng các kênh phát triển thị trường trong tình hình mới đang là ưu tiên hàng đầu của Bộ Công thương.
Ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mai (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Sỹ Đồng). |
“Thực tế đã ghi nhận, thông qua những chuyển đổi số mạnh mẽ trong xúc tiến thương mại, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam đã tiết kiệm được chi phí, rút ngắn khoảng cách và thời gian. Tăng tốc độ giao dịch và xử lý đơn hàng, tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường và khách hàng tiềm năng, qua đó góp phần vào thành tích xuất khẩu ấn tượng của cả nước”, ông Hoàng Minh Chiến nhấn mạnh.
Đối với Alibaba.com, ông Hoàng Minh Chiến cho biết, Bộ Công Thương đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp này đối với việc thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ, tư vấn đào tạo cho các doanh nghiệp Việt Nam có thêm kỹ năng về xuất khẩu trực tuyến, để từ đó kinh doanh bền vững.
Đơn cử, trong năm 2023 – 2024, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com xây dựng và vận hành “Gian Hàng Quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion”. Gian hàng Quốc gia Việt Nam tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế. Đồng thời, hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế thông qua hình thức xúc tiến thương mại trong môi trường số với cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng trên toàn thế giới thông qua mạng lưới khách hàng rộng lớn của Alibaba.
Đồng quan điểm trên, bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thương mại điện tử đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế số, giúp cho các doanh nghiệp được tiếp cận với khách hàng không chỉ ở trong nước và cả thế giới.
Tuy nhiên, bà Hồ Thị Quyên cũng đưa ra 6 thách thức đối cho các doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử. Đó là, các doanh nghiệp vẫn còn thiếu niềm tin và lo ngại về tính bảo mật; việc tạo và duy trì một hệ thống thương mai điện tử cần phải đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực, ảnh hướng điến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp; sản phẩm và dịch vụ thường phức tạp nên cần phải tư vấn chi tiết, tuỳ chỉnh cho từng khách hàng. Điều này làm tăng tính phức tạp khi bán hàng trực tuyến; cạnh tranh từ các kênh kinh doanh truyền thống; đa dạng về văn hoá và pháp lý khi làm việc với các đối tác quốc tế; thương mại điện tử B2B đòi hỏi các doanh nghiệp phải quản lý một chuỗi cung ứng từ việc đặt hàng đến giao hàng và chăm sóc khách hàng…
Ông Mike Zhang, Giám Đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam (Ảnh: Sỹ Đồng). |
Trình bày tại hội nghị, ông Mike Zhang, Giám Đốc Quốc gia Alibaba.com Việt Nam giới thiệu quá hình thành và phát triển nền tảng thương mại điện tử Alibaba.com. Cùng với đó, ông Mike Zhang đưa ba xu hướng chính có tác động sâu sắc đến thị trường 2B2 toàn cầu trong tương lai.
Trong đó, đặc biệt chú ý 3 vấn đề, một là sự tiến bộ của công nghệ tiếp tục thúc đẩy biên giới thương mại. Nó sẽ mang đến một làn sóng mới giúp trao quyền cho các doanh nghiệp qua sự phổ biến của phân tích dữ liệu; tự động hoá quy trình; việc tích hợp AI để nâng cao hiểu biết qua thiết kế sản phẩm, chiến dịch tiếp thị và phân tích dự đoán xu hướng thị trường một cách linh hoạt.
Hai là, đa dạng hoá các chuỗi cung ứng chưa bao giờ đơn giản. Đây là thách thức và rào cản lớn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ba là nhu cầu tiêu dùng phát triển nhanh và đa dạng, dòi hỏi sự đáp ứng nhanh chóng cả người mua lẫn người bán.
Đại diện Alibaba.com tại Việt Nam cũng giới thiệu một số công nghệ mới (Ảnh: Sỹ Đồng). |
Cũng trong sự kiện này, đại diện Alibaba.com tại Việt Nam cũng giới thiệu một số công nghệ mới đang được tích hợp vào hệ thống thương mại điện tử Alibaba.com.
Trong đó, ra mắt tính năng “Source by Region”. Đây là một tính năng sẽ ưu tiên hiển thị các nhà cung cấp từ các thị trường trọng điểm như Việt Nam ngay trên trang chủ của ứng dụng di động Alibaba.com, cho phép người mua tìm kiếm sản phẩm theo từng khu vực một cách thuận tiện.
Việc nâng cấp này hứa hẹn gia tăng đáng kể sự hiện diện của các nhà cung cấp Việt Nam, mang đến cho họ cơ hội tiếp cận lượng lớn người mua tiềm năng - hơn 48 triệu người dùng hoạt động trên toàn thế giới.