Yếu tố rủi ro tạm lắng xuống, thị trường tuần qua vẫn giữ được thăng bằng trước căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, biến động khó lường từ căng thẳng giữa Nga - Ukraina cùng với áp lực tăng lãi suất của Fed trong thời gian tới vẫn dấy lên những lo ngại về rủi ro đối với thị trường. Chuyên gia nhận định như thế nào về diễn biến thị trường tuần tới?
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT: Các chỉ số chứng khoán đã cho thấy nỗ lực phục hồi trong tuần qua khi chạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, điển hình như chỉ số VN-Index tại vùng hỗ trợ 1.480-1.490 điểm và sau đó lấy lại mốc tâm lý 1.500 điểm. Tuy nhiên, thị trường vẫn còn phải đối mặt với nhiều rủi ro bất định trong ngắn hạn do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine gây ra. Chúng ta khó có thể đoán định được rằng mức độ căng thẳng của cuộc xung đột này có sớm hạ nhiệt hay không hay lại bị đẩy lên mức căng thẳng cao hơn.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT |
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT
Do đó, chúng tôi cho rằng thị trường chứng khoán vẫn sẽ tương đối thận trọng và các chỉ số chứng khoán khó có thể có những bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại. Chúng tôi đánh giá nhiều khả năng các chỉ số chứng khoán sẽ biến động trong kênh giá hẹp trong tuần giao dịch tới, trong đó chỉ số VN-Index dao động trong vùng từ 1.480-1.520 điểm.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC): Thực tế mà nói trong tuần qua, bối cảnh thị trường không có nhiều đổi khác so với tuần giao dịch trước đó. Những yếu tố tích cực và tiêu cực cũng không có nhiều thay đổi. Trong đó yếu tố tiêu cực và mang đến rủi ro nhất trong ngắn hạn vẫn là những yếu tố bên ngoài, cụ thể đó là xung đột chính trị hiện tại ở Ukraine và khả năng tăng lãi suất của FED trong kỳ họp giữa tháng Ba sắp tới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một tuần giao dịch không tệ nếu so với nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới. Từ Mỹ đến châu Âu và nhiều thị trường lớn châu Á, hầu hết đã hình thành xu hướng giảm dài hạn khi đã giảm sâu xuống dưới đường trung bình 200 ngày (MA200). Tuy nhiên thị trường Việt Nam vẫn ít nhiều duy trì được dòng tiền, bằng chứng rõ nét nhất là lực cầu bắt đáy rất mạnh trong những phiên hoảng loạn giúp chỉ số không giảm sâu và kết tuần đi ngang. Bên cạnh đó, thị trường vẫn cho thấy sự phân hóa. Có những nhóm ngành bị bán mạnh, nhưng vẫn có những nhóm ngành hút tiền như Dầu khí, Thép, Phân bón, Than, Cảng biển,…
Do đó khi bối cảnh chung không có sự thay đổi đột biến mới, diễn biến đi ngang và phân hóa khả năng sẽ tiếp diễn. Vùng dao động của thị trường quanh hỗ trợ và kháng cự 1.480-1.520. Trong diễn biến này, việc lựa chọn ngành và cổ phiếu là quan trọng hơn cả.
Tích cực
Tiêu cực
+ Sự phục hồi của nền kinh tế hậu Covid
+ Dòng tiền dồi dào từ nhà đầu tư cá nhân và margin
+ Nước ngoài trở lại mua ròng
+ Triển vọng gói đầu tư công sắp được triển khai
+ Xung đột chính trị hiện tại ở Ukraine
+ Ẩn số từ yếu tố liên thị trường trong bối cảnh lạm phát toàn cầu
+ Lạm phát trong nước
+ Diễn biến Covid trong nước lan rộng
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco: Theo nhận định của tôi, xu hướng thị trường tuần tới vẫn thiên về hướng đi ngang tích lũy. Vì (1) các tin tức quốc tế kể trên thường chỉ tác động tiêu cực tới chỉ số trong ngắn hạn, sau đó thị trường sẽ hấp thụ và phục hồi rất nhanh. (2) Việc thiếu sự đồng thuận từ nhóm trụ đang làm chỉ số dậm chân trước vùng cản và chưa thể bứt phá. (3) Dòng tiền xoay vòng nhanh làm đà tăng của một số nhóm cổ phiếu không bền dẫn đến việc khó lan tỏa tích cực cho thị trường chung. Do đó, biên độ dao động của chỉ số có thể vẫn trong vùng từ 1.480-1.510 điểm.
Tâm điểm sự chú ý tuần này dồn về nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hoá cơ bản. Sự leo thang của giá hàng hoá đã khiến loạt cổ phiếu trong nhóm dầu khí, phân bón, than, thép đua nhau tăng vọt. Theo dự báo chuyên gia, diễn biến của nhóm này trong tuần tới sẽ ra sao? Liệu có rủi ro khi đua giá nhóm này trong tuần tới?
Ông Đinh Quang Hinh: Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp trong ngành dầu khí, phân bón, than, thép được hưởng lợi từ tình hình hiện nay do giá hàng hóa cơ bản tăng cao và nhu cầu xuất khẩu gia tăng. Tuy vậy, những thông tin tích cực đã được phản ánh một phần vào diễn biến giá của các cổ phiếu thời gian vừa qua. Nhiều cổ phiếu trong những ngành này đã tăng giá 30% thậm chí có những cổ phiếu tăng giá trên 50% trong vòng một tháng qua. Do vậy, chúng tôi đánh giá đà tăng của những cổ phiếu này có thể chậm lại và đối diện với áp lực chốt lời gia tăng trong tuần tới.
Ông Bùi Văn Huy: Điều này sẽ phụ thuộc rất lớn vào diễn biến tiếp theo ở Ukraine, mà những sự kiện chính trị trước nay đều không có mẫu hình chung nào để sự báo cả. Tất nhiên, nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, giá cả hàng hóa tiếp tục tăng mạnh và neo cao trong một thời gian dài hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó trong tuần qua cũng đã có một lượng tiền không nhỏ đổ vào các cổ phiếu hàng hóa như Dầu khí, Thép, Phân bón, Than, Nông sản… Đây là cuộc chơi có cơ sở (xung đột chính trị), khó dự báo, rủi ro cao và đi kèm với lợi nhuận cao. Tất nhiên ai chấp nhận rủi ro cao có thể tham gia vào các nhóm cổ phiếu này.
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) |
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)
Để phân tích thêm theo hướng kinh tế học, có thể tìm thấy điểm chung ít nhiều ở giai đoạn hiện tại với diễn biến trong những năm thập niên 1970 với thuận ngữ "lạm phát đình đốn". Lạm phát đình đốn (stagflation) xảy ra khi lạm phát cao kết hợp với sự đình trệ của nền kinh tế. Bối cảnh khi đó lạm phát cũng rất cao với việc giá dầu tăng phi mã sau lệnh cấm vận dầu curu OPEC đối với Mỹ. Trong những năm thập niên 1970, chỉ số DowJones có lúc giảm 50% từ đỉnh và trong giai đoạn đó, chứng khoán toàn cầu diễn biến thực sự tế, trái ngược với thị trường hàng hóa.
Liên tưởng đến thời điểm hiện tại, nếu xung đột tiếp tục leo thang, không loại trừ diễn biến tương tự có thể xảy ra. Khi đó nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ diễn biến xấu. Đồng thời thị trường hàng hóa sẽ tiếp tục nóng. Điều này đòi hỏi sự mềm dẻo và khéo léo trong điều hành chính sách của các Ngân hàng Trung Ương.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Tôi dự báo giá hàng hóa thế giới tuần tới vẫn có thể neo ở mức cao do căng thẳng địa chính trị chưa có khả năng dịu bớt. Điều đó sẽ khiến áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên tâm lý thị trường. Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản nhờ đó sẽ vẫn được hưởng lợi. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần phải lưu ý không nên mua đuổi nhóm này trong những phiên tăng nóng khi sự hưởng lợi này chỉ tác động tới giá cổ phiếu trong ngắn hạn. Đà "ăn theo" có thể chững lại và quay đầu khi diễn biến thị trường quốc tế có những chuyển biến mới.
Trước tình trạng giá hàng hoá tăng phi mã, lạm phát cũng được dự báo sẽ bị đẩy lên cao và tạo áp lực lên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh lạm phát, nhiều nhà đầu tư cho rằng nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ là nơi "trú ẩn" an toàn. Quan điểm của chuyên gia về vấn đề này như thế nào?
Ông Đinh Quang Hinh: Đây là quan điểm dựa trên "phân tích dòng tiền" khi cho rằng trong bối cảnh lạm phát tăng cao thì dòng tiền sẽ hạn chế nắm giữ tiền mặt và trú ẩn vào các kênh tài sản, trong đó có vàng, bất động sản. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá để điều này thực sự phản ánh vào tình hình bán hàng hoặc kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bất động sản thì cần một khoảng thời gian tương đối dài và có độ trễ, còn trong ngắn hạn giá cổ phiếu chủ yếu biến động dựa trên sự kỳ vọng của nhà đầu tư.
Dưới góc độ nhà đầu tư chuyên nghiệp, chúng tôi thường không giao dịch dựa trên những yếu tố kỳ vọng về "dịch chuyển dòng tiền" như vậy mà vẫn phải dựa trên đánh giá cơ bản của doanh nghiệp, triển vọng kết quả kinh doanh các năm tới, định giá cổ phiếu để có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn và phù hợp nhất.
Ông Bùi Văn Huy: Đối với cổ phiếu Bất động sản, một cách lý thuyết, dựa trên mô hình luân chuyển nhóm ngành (Sectors Rotation), nhóm cổ phiếu Bất động sản hưởng lợi nhiều nhất trong giai đoạn Phục hồi của chu kỳ kinh tế và thực sự chịu tác động xấu trong giai đoạn suy thoái. Tương ứng với giai đoạn hiện tại của chu kỳ kinh tế thế giới và Việt Nam, nhóm Bất động sản nhìn chung sắp tới vẫn có thể đầu tư được chứ chưa đáng lo ngại.
Phân tích kỹ hơn về tác động của lạm phát đến nhóm bất động sản, ảnh hưởng lớn nhất là qua việc lạm phát có thể gây áp lực tăng lãi suất. Đối với bất động sản, lãi suất tác động đến cả phía cung (lãi suất đi vay của doanh nghiệp) và phía cầu (lãi suất đi vay mua bất động sản). Khi lạm phát tăng, giá bất đông sản có thể tăng, tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận chưa chắc tăng theo, thậm chỉ giảm. Do đó nếu lãi suất có theo xu hướng tăng, đầu tư vào cổ phiếu bất động sản cần phân tích rõ cấu trúc vốn của doanh nghiệp, quỹ đất cũng như phân khúc, khả năng bán hàng của doanh nghiệp đó.
Ở một góc nhìn rộng hơn, nếu lãi suất không tăng phi mã, tác động chắc chắn có nhưng có thể không gây những cú sốc quá lớn. Bởi lẽ thị trường Việt Nam không có những sản phẩm phái sinh dựa trên tín dụng bất động sản và bất động sản để khuếch đại tác động. Khủng hoảng nhà đất ở Mỹ 2007-2008 là một ví dụ cho việc thị trường bất động sản quá nóng, vỡ tung dưới tác động của lãi suất và có quá nhiều sản phẩm phái sinh, chứng khoán hóa liên quan đến thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Theo quan điểm của tôi, nhóm cổ phiếu bất động sản sẽ là nơi "trú ẩn" tốt chỉ khi tình hình lạm phát vẫn nằm trong mức dự báo (nhỏ hơn 4%). Nếu vượt qua khỏi ngưỡng này, ngân hàng nhà nước có thể sẽ phải đẩy mạnh lãi suất huy động để hút nguồn tiền về, từ đó kéo theo lãi suất cho vay tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản, khi nguồn vốn của nhà đầu tư chủ yếu vẫn đến từ việc sử dụng "đòn bẩy" là vay ngân hàng. Ví dụ điển hình như năm 2008, tỷ lệ lạm phát tại Việt Nam tăng lên 23%, khiến lãi suất huy động tăng theo lên khoảng 20%. Kết quả đã khiến thị trường bất động sản phải "đóng băng" trong thời gian dài.
Hiện tượng phân hóa diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, bất kể là những mã đang hút khách như hàng hóa cơ bản hay chứng khoán, ngân hàng. Dòng tiền sẽ hướng về nhóm cổ phiếu nào trong tuần sau thưa chuyên gia?
Ông Đinh Quang Hinh: Trong tuần tới, dòng tiền trên thị trường nhiều khả năng sẽ vẫn tập trung vào những câu chuyện liên quan đến tình hình xung đột giữa Nga-Ukraine. Các nhóm cổ phiếu liên quan đến hàng hóa cơ bản như sắt thép, thủy sản hay liên quan đến tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và cước phí vận tải tăng cao như tàu biển, cảng biển, logistic có thể thu hút được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Anh Khoa: Như tôi đã đề cập phía trên, nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản có thể tiếp tục hưởng lợi từ giá thế giới. Ngoài ra, thị trường sẽ khó có thể vượt đỉnh nếu không có sự ủng hộ từ nhóm ngành ngân hàng. Mặc dù chịu áp lực bán lớn trong những phiên gần đây nhưng nhóm cổ phiếu này lại phục hồi rất nhanh sau đó, cho thấy lực cầu vẫn duy trì. Nhóm cổ phiếu bất động sản và khu công nghiệp cũng đáng được chú ý khi thu hút được dòng tiền hướng về.
Minh Minh/Trí thức trẻ
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam