Các tuyến đường vận tải dầu khí trên biển và các điểm nghẽn
Nguồn cung dầu của thế giới đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ bất chấp việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) tiếp tục duy trì chính sách cắt giảm. Trong khi đó, các số liệu cũng cho thấy sản lượng dầu dư thừa của một số quốc gia chủ chốt trong OPEC đang lên tới 4,5 triệu thùng/ngày.
Các tuyến đường vận chuyển dầu thô chủ yếu bắt nguồn từ các nước Trung Đông, như Saudi Arabia và Iraq. Các tàu chở dầu thường đi qua những điểm chiến lược như eo biển Bab-el-Mandeb, ngăn cách Djibouti (châu Phi) với Yemen (châu Á), và eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng nhất thế giới, nối liền Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất với Iran.
Từ những địa điểm này, hành trình của các tàu chở dầu kéo dài từ 2 đến 4 tuần để đến các khu vực khác nhau:
- Hoa Kỳ và phần còn lại của Bắc và Nam Mỹ (qua Mũi Hảo Vọng).
- Châu Á (qua eo biển Malacca, nằm giữa Sumatra và Malaysia).
- Châu Âu (qua Kênh đào Suez hoặc, nếu tàu quá lớn, vòng qua Mũi Hảo Vọng trước khi vào Bắc Âu qua Eo biển Dover).
Những tuyến đường này rất quan trọng về mặt thương mại nhưng còn gặp phải nhiều thách thức, từ vấn đề an ninh đến tắc nghẽn giao thông.
Kênh đào Panama |
Các nút thắt trên các tuyến vận tải biển chính
Các điểm nghẽn trên các tuyến đường biển toàn cầu đóng vai trò then chốt đối với an ninh năng lượng toàn cầu. Đây là những khu vực hẹp, nơi lượng lớn dầu mỏ, khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các chất lỏng khác được vận chuyển qua. Với kích thước hạn chế, những điểm này thường yêu cầu các quy định chặt chẽ về kích thước tàu để đảm bảo an toàn và hiệu quả trong việc lưu thông hàng hóa. Dưới đây là một số nút thắt quan trọng trong vận tải biển quốc tế:
Kênh đào Panama: Nối Thái Bình Dương với biển Caribe và Đại Tây Dương. Các tuyến đường thay thế như Eo biển Magellan, Mũi Horn và Eo biển Drake sẽ làm tăng đáng kể thời gian và chi phí vận chuyển. Nếu đi vòng quanh Nam Mỹ, tàu phải đi về phía đông qua Mũi Hảo Vọng hoặc Kênh đào Suez.
Kênh đào Suez: Kết nối Viễn Đông với Tây Âu qua biển Đỏ và Địa Trung Hải. Đây là tuyến đường chiến lược cho dầu và khí đốt tự nhiên từ Vịnh Ba Tư đến châu Âu và Bắc Mỹ, với tổng sản lượng dầu và khí LNG vận chuyển qua đây chiếm 11% và 8% tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2023.
Eo biển Malacca: Nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương, là tuyến đường ngắn nhất giữa các nhà cung cấp dầu khí Trung Đông và thị trường Đông Á, Đông Nam Á.
Eo Hormuz: Nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ả Rập, là cửa ngõ dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Eo biển này đủ sâu và rộng để tiếp nhận các tàu chở dầu lớn, với sản lượng dầu và khí LNG vận chuyển qua đây chiếm 1/4 và 1/5 tổng sản lượng toàn cầu vào năm 2023.
Mũi Hảo Vọng: Mặc dù không phải là điểm nghẽn, nhưng Mũi Hảo Vọng là tuyến đường thương mại quan trọng, đóng vai trò trung chuyển cho các chuyến hàng dầu. Trước khi có Kênh đào Suez, đây là con đường biển duy nhất giữa châu Âu và châu Á. Năm 2023, sản lượng dầu thô đi qua Mũi Hảo Vọng chiếm khoảng 8% tổng lượng dầu giao dịch trên biển toàn cầu.
Các tuyến vận tải biển quốc tế quan trọng nhất hiện nay |
Căng thẳng địa chính trị vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Vào giữa tháng 11 năm 2023, các nhóm phiến quân Houthi từ Yemen đã tiến hành các cuộc tấn công vào các tàu xung quanh eo biển Bab el-Mandeb và Biển Đỏ. Ban đầu, các cuộc tấn công này chủ yếu nhắm đến các tàu container chở hàng không phải năng lượng, nhưng khi tình hình leo thang, ngày càng nhiều tàu chở dầu và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã phải tránh tuyến đường Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez, lựa chọn lộ trình dài hơn vòng quanh châu Phi.
Việc chuyển sang các tuyến đường dài hơn không chỉ làm tăng chi phí vận chuyển mà còn kéo dài thời gian hành trình từ 10 đến 15 ngày so với trước đây. Các tàu chở dầu chọn đi qua Bab el-Mandeb và Kênh đào Suez đã phải đối mặt với phí bảo hiểm rủi ro cao hơn, làm gia tăng chi phí logistics cho các công ty vận tải.
Kể từ khi được khai trương vào năm 1879, kênh đào Suez đã trở thành huyết mạch giao thông quan trọng nhất ở Ai Cập và là trụ cột của hệ thống kinh tế toàn cầu - khoảng 10% thương mại thế giới đi qua kênh đào mỗi năm. Như vậy, kênh đào là nguồn thu lớn cho chính phủ, với tổng phí thu phí là 5,1 tỷ đô la vào năm 2012, gần bằng một phần 10 thu nhập ngoại hối của đất nước. Hơn nữa, kênh đào, với vị trí chiến lược, cũng là một động lực quan trọng cho nền kinh tế Ai Cập, đưa quốc gia này vào một hệ thống các tuyến thương mại toàn cầu. |
Theo thống kê, sản lượng hàng hóa vận chuyển qua Kênh đào Suez trong tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 1,2 triệu tấn, giảm 74% so với mức trung bình năm 2023. Trong khi đó, thông lượng vận chuyển qua Mũi Hảo Vọng đã tăng lên gần 6,0 triệu tấn, tăng 65% so với mức trung bình năm 2023.
Dự báo cho cả năm 2024 cho thấy thông lượng qua Kênh đào Suez chỉ đạt khoảng 30% so với mức trung bình giai đoạn 2019-2023, cho thấy rằng các gián đoạn tiếp tục có thể làm giảm đáng kể lượng hàng hóa qua tuyến này.
Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ vẫn đang diễn biến phức tạp. Lực lượng Houthi, được Iran hậu thuẫn, tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào Israel.
Ví dụ, vào ngày 21/12 vừa qua, Lực lượng Houthi tuyên bố đã tấn công một "mục tiêu quân sự" ở khu vực Jaffa thuộc miền Trung Israel bằng tên lửa đạn đạo. Sự leo thang này không chỉ tạo ra rủi ro cho an ninh hàng hải mà còn khiến các hãng tàu phải xem xét lại lộ trình vận chuyển của họ.
Căng thẳng tại các điểm nghẽn như Eo biển Bab-el-Mandeb và Eo biển Hormuz có khả năng đẩy giá cước tàu chở dầu lên cao hơn do chi phí bảo hiểm gia tăng. Năm 2023, sản lượng dầu và khí LNG qua Eo Hormuz chiếm khoảng 1/4 và 1/5 tổng sản lượng toàn cầu, cho thấy tầm quan trọng của khu vực này đối với an ninh năng lượng toàn cầu.
BIMCO dự báo rằng căng thẳng địa chính trị trong năm 2025 tại khu vực này vẫn sẽ tiếp tục mức độ như năm 2024. Theo đó đây cũng chính là yếu tố hỗ trợ giá cước vận tải dầu khi trên biển nói riêng và vận tải biển nói chung trong năm tới.
Vị trí kênh đào Suez (chấm đỏ) nối Biển Đỏ và Địa Trung Hải |
Chính sách gia tăng xuất khẩu dầu khí của ông Trump tạo điều kiện thuận lợi cho lưu lượng vận chuyển từ Vịnh Hoa Kỳ đến châu Á
Cụ thể, kế hoạch năng lượng toàn diện của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tập trung vào việc phê duyệt giấy phép cho các dự án khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), tăng cường khoan dầu ngoài khơi và trên các vùng đất liên bang.
Theo báo cáo tháng 12/2024 của IEA, nguồn cung dầu toàn cầu dự kiến sẽ tăng 1,9 triệu thùng mỗi ngày (mb/d) vào năm 2025. Trong đó, nguồn cung ngoài OPEC+ sẽ tăng khoảng 1,5 mb/d, với sự đóng góp lớn từ Hoa Kỳ, Brazil, Guyana, Canada và Argentina. Nhu cầu dầu thế giới cũng dự kiến sẽ tăng từ 840.000 thùng mỗi ngày vào năm 2024 lên 1,1 mb/d vào năm 2025, trong đó, Châu Á được dự đoán là khu vực dẫn dắt sự tăng trưởng nhu cầu dầu này, trong khi nhu cầu của các thành viên OECD và đặc biệt là ở Trung Quốc đã chậm lại đáng kể.
Dù vậy, tình trạng dư cung tiềm ẩn có thể được giảm bớt nhờ quyết định của OPEC+ về việc duy trì cắt giảm sản lượng thêm ba tháng và kéo dài thời gian tăng cường thêm chín tháng đến tháng 9/2026. Điều này có thể giúp ổn định thị trường và gia tăng hoạt động vận chuyển dầu khí, đặc biệt là tuyến đường từ Vịnh Hoa Kỳ sang châu Á.
Doanh nghiệp vận tải dầu khí có xu hướng dịch chuyển hoạt động sang khu vực Mỹ, châu Âu
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp vận tải dầu khí không chỉ hoạt động độc lập mà còn gia nhập các liên minh toàn cầu như Womar Pool và Hafnia Pool để nâng cao vị thế trong việc đàm phán giá cước thuê tàu biển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang mở rộng phạm vi hoạt động sang các khu vực như Mỹ và châu Âu, thay vì chỉ tập trung vào Châu Á, Đông Nam Á, Nhật Bản và Trung Đông, chẳng hạn như Tổng Công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans - PVT).
Đội tàu của PVT hiện đã lên đến 58 chiếc với tổng trọng tải hơn 1,6 triệu DWT, trong đó hơn 85% đội tàu đang hoạt động trên các tuyến vận tải quốc tế, vươn tới các thị trường yêu cầu cao như châu Âu và Bắc Mỹ. |
Điều này cho thấy phù hợp giữa dòng chảy thương mại và xu hướng hoạt động của các doanh nghiệp vận tải dầu khí nước ta. Do vậy, Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng với sự đồng điệu này, các doanh nghiệp vận tải dầu khí của nước ta sẽ có nhiều hoạt động tích cực trong giai đoạn tới, đặc biệt là trong bối cảnh ngành vận tải dầu khí đường biển tiếp tục khả quan.
Kỳ vọng vận tải đường sắt thay thế đường biển trong xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu Tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, tuyến đường sắt từ Trung Quốc qua Trung Á, Tây Á đến Đông Âu sẽ là ... |
Cổ phiếu vận tải và viễn thông thăng hoa, VN-Index giữ vững đà tăng VN-Index sáng 20/12 giằng co quanh mốc 1.255 điểm, nhóm vận tải và viễn thông dẫn đầu với sắc xanh áp đảo. YEG tăng trần ... |
Hoàng Anh