Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Tín dụng Các ngành Kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - đơn vị trực tiếp soạn thảo Dự thảo Thông tư quy định về hoạt động Bao thanh toán tại Việt Nam; cùng sự hiện diện của hơn 100 đại biểu đến từ các tổ chức tín dụng, công ty tài chính là hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty luật, trường đại học và cơ quan truyền thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Trình bày tham luận “Quy định pháp luật cần có về Bao thanh toán (BTT) và đề xuất xây dựng khuôn khổ pháp lý về Bao thanh toán”, ông Peter Brinsley - Giám đốc và Người sáng lập Point Forward đã giới thiệu về các khía cạnh quy định pháp luật của Bao thanh toán (BTT), đặc biệt tại thị trường Anh, trong đó các quy tắc ứng xử được đề cập chi tiết như: hành động liêm chính và giao dịch công bằng, có trách nhiệm với khách hàng và bên bảo lãnh; cung cấp cho khách hàng và bên bảo lãnh mọi thông tin phù hợp một cách kịp thời và minh bạch; bảo đảm các tài liệu pháp lý rõ ràng; cung cấp dịch vụ khách hàng hiệu quả và kịp thời theo thỏa thuận pháp lý.
Trong khung quy định pháp lý về BTT, yếu tố quản trị, yêu cầu đầu vào đối với những đơn vị muốn cung cấp dịch vụ BTT, quy trình ủy quyền và cơ chế cấp phép của tổ chức BTT được đề cập. Cuối cùng, chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị đối với thị trường Việt Nam, trên cơ sở cần phát huy những ưu điểm và hạn chế nhược điểm của quy định nhằm phát triển BTT thời gian tới.
Góp ý dự thảo thông tư quy định về BTT, bà Phan Thị Hồng Thúy - Giám đốc Pháp chế Ngân hàng MUFG, đồng Đại diện Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) - Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đề cập đến các nội dung, gồm: định nghĩa BTT bên mua hàng; BTT không có cam kết hoàn trả của bên bán (miễn truy đòi bên bán). Trong phần này, có một số đề xuất đối với NHNN quy định cụ thể về cơ chế quản lý và vận hành sản phẩm từ các khía cạnh: thẩm định tín dụng, nhận biết khách hàng (KYC); thỏa thuận ký kết với bên bán/bên mua; quản lý rủi ro tín dụng.
Tham luận cũng đề cập các dịch vụ khác liên quan đến BTT; thanh toán lãi, phí trong dịch vụ BTT; đồng tiền BTT cho bên bán và bên mua; phân loại nợ và trích lập dự phòng; đơn giản hóa thẩm định tín dụng; ngôn ngữ BTT cần được linh hoạt; chi nhánh ngân hàng nước ngoài BTT cho khách hàng không cư trú; BTT bằng phương tiện điện tử. Đây là những khía cạnh góp ý thực tế về hoạt động BTT dưới góc nhìn của các ngân hàng có yếu tố nước ngoài, cần được lưu ý trong Dự thảo Thông tư ban hành sắp tới của Ngân hàng Nhà nước.
Đưa ra những góp ý cụ thể khác dưới góc nhìn của ngân hàng trong nước về hoạt động BTT, các đại diện của Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, cần có hướng dẫn chi tiết về các khoản nợ lãi và các chi phí phát sinh; thời hạn BTT cần được điều chỉnh; hướng dẫn cụ thể hơn về các nghĩa vụ giám sát về các hoạt động BTT; điều kiện BTT đối với khách hàng là người cư trú và người không cư trú; thẩm định và quyết định BTT; điều chỉnh quy định về nội dung của Hợp đồng BTT, cụ thể khoản phải thu chỉ cần được bảo đảm từ phía bên bán rằng không sử dụng cho một Hợp đồng mua bán nào khác; quy định cụ thể hơn về cấp tín dụng, về hạn mức, thẩm định và xác thực khách hàng lần đầu tiếp cận TCTD cũng như khách hàng lâu năm.
Về phương thức xét duyệt cho vay, đại diện 2 ngân hàng cho rằng, cần có phương thức triển khai, xác lập Hợp đồng BTT và phương thức điện tử; hướng dẫn quy định về vấn đề hạch toán đối với số dư BTT; cần thay đổi quy trình giải ngân; phương án và mục đích sử dụng vốn; về hồ sơ BTT, yêu cầu tối thiểu là hợp đồng và chứng từ, áp dụng khi thẩm định khách hàng, nhưng khi thực hiện giải ngân có yêu cầu này hay không hay chỉ cần căn cứ hóa đơn điện tử?; quy định trong BTT ngược, đề xuất chỉ lấy xác nhận ở lần đầu tiên thông qua chữ ký số của bên bán…
Ông Jingchang Lai - Chuyên gia trưởng, Trưởng nhóm Phát triển Cở sở Hạ tầng Tài chính châu Á và Thái Bình Dương, Nhóm tư vấn các định chế tài chính, IFC cũng đưa ra một số quan điểm khác để góp ý Dự thảo Thông tư sắp ban hành của Ngân hàng Nhà nước. Ông cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục, quy trình BTT do giá trị BTT tại Việt Nam còn thấp, theo đó, để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển BTT trong thời gian tới cần hết sức tạo điều kiện bằng các quy định rõ ràng, cụ thể nhưng phải tinh gọn, tránh rườm rà, có thể rút bớt các quy định khắt khe về kế toán.
Đối với việc phân loại khoản vay và 5 nhóm nợ, cần phân loại trích lập dự phòng rủi ro phù hợp, do đặc thù khoản nợ trong BTT có tỷ lệ vỡ nợ thấp nên dễ dàng kiểm soát những khoản BTT hơn khoản vay thông thường. Về kế hoạch sử dụng vốn, cần có yêu cầu hoạt động tài trợ vốn không được sử dụng để mua các công ty khác và đầu tư các lĩnh vực khác.
Hội thảo cũng tiếp nhận nhiều góp ý khác của các tổ chức tín dụng và công ty Luật. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã có phần hồi đáp các câu hỏi của đại biểu tham dự về các vấn đề như thể chế nước ngoài; những nội dung liên quan Thông tư 02; về điều khoản cấn trừ công nợ; về các vấn đề liên quan Luật các TCTD 2024; BTT miễn truy đòi; dịch vụ khác liên quan đến BTT; thời hạn BTT; đồng tiền BTT; phương án sử dụng vốn; phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro; BTT điện tử… Hầu hết các ý kiến đóng góp được tiếp thu cũng như nghiên cứu thêm để gấp rút bổ sung, hoàn thiện nội dung Dự thảo Thông tư quy định về BTT sao cho kịp tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng, tính hiệu quả khi ban hành.
Kết thúc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, những góp ý của các tổ chức tín dụng thực sự quan trọng trong việc hoàn thiện Dự thảo Thông tư ban hành về hoạt động BTT tại Việt Nam. Song song đó, rất cần sự thống nhất đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan cũng như các vụ, cục khác của Ngân hàng Nhà nước để việc ban hành và triển khai Thông tư được thống nhất thông suốt và thuận lợi trong hệ thống tổ chức tín dụng.
Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, sau khi hoàn thành tổ chức Hội thảo cùng chủ đề vào ngày 11-12/4 tại Hà Nội, Hiệp hội sẽ tổng hợp toàn bộ ý kiến góp ý của các đơn vị bằng văn bản, gửi tới Ngân hàng Nhà nước để hoàn thiện Dự thảo Thông tư, góp phần hoàn thiện khung pháp lý về Bao thanh toán, lĩnh vực hiện đang còn khá mới mẻ tại thị trường Việt Nam.
VPĐD TP.HCM