Quy định mới về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước: Đủ nguồn cung ngoại tệ cho thị trường Tín dụng chảy vào bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vẫn tăng cao |
“Mở đường” để các tổ chức tín dụng tiếp cận và áp dụng công nghệ 4.0
Ngày 19/7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức Họp góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
Phát biểu tại cuộc họp, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký VNBA cho biết, Thông tư 39/2016/TT-NHNN (Thông tư 39) là một trong những văn bản vô cùng quan trọng. Đây được coi như một văn bản “xương sống” đối với hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng.
“Qua 6 năm triển khai, Thông tư 39 đã tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong hoạt động cho vay. Song đến nay đã có nhiều đổi mới trong phương thức cho vay, nên nhiều quy định tại Thông tư không còn phù hợp. Chính vì vậy, việc sửa đổi Thông tư 39 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong quá trình hoạt động” - ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
TS. Nguyễn Quốc Hùng Tổng Thư ký VNBA phát biểu tại cuộc họp |
Trình bày tóm tắt ý kiến góp ý của các tổ chức hội viên VNBA đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Phương, Thành viên Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho biết: Các tổ chức hội viên của VNBA đã có ý kiến đối với các vấn đề như: Chủ thể quan hệ vay vốn; khách hàng vay vốn; phương án, dự án chứng minh mục đích sử dụng vốn; xác định thành viên vay vốn; những nhu cầu vốn không được cho vay; thỏa thuận về thứ tự thu nợ gốc, lãi tiền vay; điều kiện cho vay; kiểm soát việc cho vay; nghĩa vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng theo quy trình nội bộ…
Ngoài các nội dung của Dự thảo sửa đổi, VNBA cũng đưa ra một số vấn đề khác đề nghị Ngân hàng nhà nước xem xét bổ sung trong Thông tư 39, như: Quy định về lãi chậm trả; cho vay khách hàng là người không cư trú; cung cấp báo cáo tài chính; cho vay bằng phương thức điện tử; sử dụng hoá đơn điện tử; quy định về hồ sơ đề nghị vay vốn; phí cam kết rút vốn….
“Đây là những vấn đề chưa được đề cập trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39. Trên thực tế, những nội dung này cũng đang gây ra nhiều bất cập cho các tổ chức tín dụng trong quá trình triển khai thực hiện” - ông Nguyễn Văn Phương cho biết.
Thảo luận tại cuộc họp, một trong những vướng mắc, kiến nghị nổi bật được các tổ chức tín dụng đề cập là quy định liên quan đến “cho vay bằng phương thức điện tử”. Ông Đỗ Việt Hùng, thành viên HĐQT Vietcombank, cho rằng, quá trình chuyển đổi số sẽ hỗ trợ nền kinh tế nói chung, các tổ chức tín dụng nói riêng hoạt động hiệu quả hơn. Do vậy, tại Dự thảo Thông tư lần này, rất nhiều điểm cụ thể cần phải sửa đổi để phù hợp với thực tế. Hiện, các tổ chức tín dụng cũng đã áp dụng phê duyệt tự động đối với những khoản vay nhỏ theo những tiêu chí nhất định…. “Do đó, những vấn đề về thẩm định, quyết định cho vay, chữ ký số, chứng từ, tiêu chí phê duyệt… nên được thống nhất tại dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung lần này” - ông Đỗ Việt Hùng đề nghị.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc Công ty tài chính FE Credit cho rằng, nhu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng trên kênh kỹ thuật số đối với các khoản vay mục đích tiêu dùng là rất lớn, đặc biệt là với các công ty tài chính. Triển khai cho vay trên kênh số sẽ giúp khách hàng tiếp cận tín dụng ngân hàng một cách thuận tiện, dễ dàng, đẩy lùi tín dụng đen.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Phúc, mặc dù dự thảo Thông tư lần này đã bổ sung điều khoản quy định về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử (Điều 24a) trong đó cho phép tổ chức tín dụng thực hiện cho vay bằng phương tiện điện tử phải xây dựng, ban hành, công khai quy trình, hồ sơ thủ tục cho vay bằng phương tiện điện tử phù hợp với quy định tại Thông tư này, quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật về giao dịch điện tử, các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin khách hàng và an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng…
Song, theo đánh giá của FE Credit, nội dung này vẫn còn giới hạn tổ chức tín dụng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thẩm định, phê duyệt tự động các khoản vay tiêu dùng do vẫn phải tuân thủ “nguyên tắc phân định trách nhiệm giữa khâu thẩm định và quyết định cho vay” của Thông tư 39.
“Do đó, để tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, bao quát cho hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử, FE Credit đề nghị Ngân hàng nhà nước bổ sung vào Điều 24a quy định cho phép tổ chức tín dụng được chủ động quyết định áp dụng phương thức thẩm định, phê duyệt tín dụng một cách linh hoạt trên cơ sở bảo đảm được yếu tố độc lập và an toàn. Trong đó, việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng thực hiện tự động trên hệ thống phần mềm đối với các khoản vay giá trị nhỏ, khoản vay cho mục đích tiêu dùng” - ông Nguyễn Thành Phúc đề nghị.
Họp góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng |
Đồng quan điểm, đại diện Techcombank đề nghị cần có quy định riêng, cụ thể hơn, hợp lý hơn đối với cho vay bằng phương thức điện tử. Thực tế cũng không hẳn chỉ cho vay bằng phương thức điện tử mà là áp dụng công nghệ thông tin, áp dụng công nghệ dữ liệu trong hoạt động cho vay.
Theo đại diện của Techcombank, nếu chỉ bằng 1 điều sửa đổi như tại dự thảo Thông tư là chưa đáp ứng được, bởi không chỉ hoạt động cho vay nhỏ lẻ mà rất nhiều hoạt động tại các ngân hàng đang áp dụng khoa học dữ liệu và các mô hình tính toán được dựa trên dữ liệu thống kê để trợ giúp cho quá trình tìm kiếm khách hàng, xây dựng sản phẩm, thẩm định và ra quyết định tín dụng đối với các khoản vay…
“Do đó, nếu chỉ dùng 1 từ là “cho vay bằng phương thức điện tử” như Dự thảo Thông tư là chưa bao hàm hết mà cần phải quy định tại một chương riêng” - đại diện Techcombank nêu vấn đề và đề nghị: “Ngân hàng nhà nước sớm nghiên cứu và đưa ra hành lang pháp lý “mở đường” để các tổ chức tín dụng tiếp cận và áp dụng các công nghệ 4.0”.
Không chỉ phù hợp với thực tiễn, Thông tư 39 sửa đổi cần phù hợp với quá trình triển khai lâu dài
Trước những khó khăn các tổ chức tín dụng đang gặp phải, với vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo Thông tư sửa đổi, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng nhà nước cho biết: Mục tiêu của Ngân hàng nhà nước từ Quyết định 1627 đến Thông tư 39 đều xuyên suốt quan điểm là ban hành khung pháp lý chung về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Trên tinh thần đó, các nội dung sửa của Thông tư 39 đều đưa các nguyên tắc cơ bản nhất đến với các tổ chức tín dụng. Trên cơ sở những nguyên tắc chung này, tổ chức tín dụng tự đưa ra các hướng dẫn, quy định nội bộ đối với hoạt động cho vay nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù hoạt động của từng tổ chức tín dụng cũng như đặc thù của các nhóm khách hàng và khẩu vị rủi ro của tổ chức tín dụng.
Đối với quy định cho vay bằng phương thức điện tử, bà Bùi Thúy Hằng cho biết, cơ quan soạn thảo mong muốn đưa ra được khung pháp lý chung hoàn thiện nhất cho việc cho vay bằng phương tiện điện tử, từ đó các tổ chức tín dụng có thể chủ động xây dựng, triển khai thực hiện để tránh được những rủi ro pháp lý sau này.
Bên cạnh đưa ra được các điều khoản quy định đối với việc cho vay bằng phương tiện điện tử, cơ quan soạn thảo cũng nhận thấy cần khắc phục một số điểm trong thực tiễn thời gian qua khi triển khai thực hiện Thông tư 39. Bà Bùi Thúy Hằng cho biết, trong quá trình nghiên cứu, cơ quan soạn thảo cũng đã tiếp thu và đưa vào chỉnh sửa. Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cũng mong muốn “Tiếp tục đồng hành với VNBA và các tổ chức tín dụng trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư 39”.
Một lần nữa nhấn mạnh Thông tư 39 là văn bản “xương sống” có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và đến thời điểm cần sửa đổi, nhưng TS. Nguyễn Quốc Hùng, cũng cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều lấn cấn như Luật Giao dịch điện tử chưa sửa đổi, Nghị định về thí điểm Sanlbox chưa được ban hành... cũng cần cân nhắc, không nhất thiết phải gấp gáp sửa đổi ngay mà tiếp tục rà soát, phối hợp các đơn vị có liên quan đảm bảo văn bản mới đưa ra phù hợp với quá trình triển khai lâu dài chứ không chỉ phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Trong quá trình sửa đổi bổ sung soạn thảo Dự thảo, VNBA tiếp tục đồng hành với các hội viên, phối hợp chặt chẽ với tổ soạn thảo để văn bản mới hoàn thiện hơn phù hợp thực tiễn. Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, ứng dụng cho vay bằng phương thức điện tử các tổ chức tín dụng rất quan tâm” - ông Hùng khẳng định.
Hoàng Lan