GVR mới đây đã công bố tổng thu nhập sơ bộ 9 tháng đầu năm 2024 (bao gồm doanh thu, thu nhập tài chính, thu nhập ròng từ các công ty liên kết và thu nhập khác) là 16,2 nghìn tỷ đồng (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước) và lợi nhuận sau thuế là 2,4 nghìn tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ) tại cuộc họp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) vào ngày 30 tháng 9.
Như vậy, kết quả này thể hiện mức hoàn thành 64,8% kế hoạch doanh thu năm và 69% kế hoạch lãi ròng của năm.
9 tháng đầu năm, GVR hoàn thành 64,8% kế hoạch doanh thu năm và 69% kế hoạch lãi ròng của năm |
Ước tính cả năm 2024, doanh thu và thu nhập khác hợp nhất GVR đạt 26.307 tỷ đồng (vượt 5,23% kế hoạch năm), lợi nhuận trước thuế hợp nhất 4.450 tỷ đồng (vượt 8% kế hoạch) và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.746 tỷ đồng (vượt 9% kế hoạch).
Theo GVR, trong năm 2024, phân khúc cao su đã hoạt động tương đối tốt do tăng giá gần đây. Các nước sản xuất cao su chính, như Thái Lan và Indonesia, bị ảnh hưởng bởi sản lượng giảm trong khi nhu cầu từ hai thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ổn định.
Theo đó, giá cao su thế giới được dự báo sẽ tiếp tục neo ở mức cao, có thể tăng đạt 192 Cents/kg do từ nay đến cuối năm tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng nghiêm trọng.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ARNPC) mới đây đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn, đồng thời điều chỉnh giảm nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,5 triệu tấn, nâng mức cao su tự nhiên thiếu hụt năm nay lên 1,24 triệu tấn.
Trong giai đoạn 2024 - 2027, giá cao su dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức tích cực do cung cao su được dự báo vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu trong ít nhất 3 năm tới
Thị trường BĐS phía Nam đem đến nhiều cơ hội cho GVR
Bên cạnh sự hỗ trợ về giá cao su, quỹ đất cao su chuyển đổi lớn tại các tỉnh phía Nam sẽ đảm bảo tiềm năng phát triển KCN cho GVR trong nhiều năm tới. Bởi thị trường phía Nam đang thiếu hụt nguồn cung đất, trong khi tỷ lệ lấp đầy ở mức cao. Trong giai đoạn 2021-2030, nguồn cung đất KCN phía Nam sẽ đến từ việc chuyển đổi đất cao su. Việc chuyển đổi đất cao su có nhiều lợi thế về diện tích đất thửa lớn, giải phóng mặt bằng nhanh và chi phí thấp. Nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn để thu hút vốn đầu tư vào vùng này, ví dụ như vị trí địa lý không thuận lợi cách xa thành phố lớn, sân bay, cầu cảng hoặc cơ sở hạ tầng không đồng bộ làm tăng chi phí vận tải; nhu cầu tiêu thụ cao su tăng làm chậm quá trình chuyển đổi đất.
Ban lãnh đạo GVR chia sẻ, DN đã được phê duyệt chuyển đổi đất cao su sang đất KCN với tổng diện tích là gần 23,500 ha, hiện đang triển khai gần 11,000 ha tại các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Một số KCN đang chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý của GVR gồm có dự án KCN Minh Hưng III GĐ2, KCN Bắc Đồng Phú mở rộng, KCN Nam Đồng Phú mở rộng, KCN Tân Lập, KCN Rạch Bắp GĐ2, KCN Bàu Xéo II.
Một số dự án chuyển đổi đất cao su sang đất KCN. Nguồn MBS Research |
Theo tìm hiểu, tiềm năng chuyển đổi đất cao su của GVR ngày càng trở nên rõ ràng hơn sau khi quy hoạch các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh và mới đây vào tháng 8/2024, quy hoạch tỉnh Bình Dương 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 được thông qua. Quỹ đất cao su lớn này khi hoàn thành chuyển đổi sẽ đem lại dòng tiền đều trong dài hạn cho GVR, bao gồm:
Thứ nhất là dòng tiền từ cho thuê đất KCN với các KCN GVR được phân làm chủ đầu tư. Lợi nhuận sẽ cao hơn khi mà đất cao su là đất liền thửa diện tích lớn, GPMB nhanh với chi phí thấp hơn.
Ước tính, GVR có thể chuyển đổi và làm chủ đầu tư của hơn 6,000 ha đất KCN từ nay đến 2030. Tuy nhiên nhiều KCN tại các vị trí xa trung tâm và hệ thống giao thông đường bộ chính như các KCN tại Tây Ninh sẽ mất nhiều thời gian để thu hút khách thuê và lấp đầy KCN hơn.
Thứ hai là dòng tiền từ tiền đền bù khi đất được thu hồi để phát triển dự án với tổng diện tích đền bù hơn 25,000 ha từ nay đến 2050. Tiền đền bù đất cao su tại các tỉnh phía Nam đang dao động từ 1 – 2.5 tỷ VND/ha, dự kiến có thể cao hơn trong các năm tới khi mà hiện nay GVR và các tỉnh đang thương thảo để điều chỉnh tăng mức giá đền bù.
Các dự án chính GVR tập trung triển khai 2024 – 2026 |
Trên thị trường chứng khoán, GVR đang được giao dịch ở mức giá 36.150 đồng/cp, tăng 80% từ đầu năm và có dấu hiệu gặp áp lực cung lớn khi tiến sát vùng kháng cự. Như vậy, mặc dù tiềm năng của GVR là khá lớn, nhưng điều này đã phần nào phản ánh vào giá và khiến nhiều NĐT trở nên thận trọng hơn khi có ý định sở hữu cp này.
Làm ăn khấm khá, mức lương của ban lãnh đạo 2024 thế nào?
Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo đã đưa ra tờ trình về kế hoạch tiền lương, thù lao HĐQT, BKS của GVR trong năm 2024.
Cụ thể, mức tiền lương bình quân kế hoạch của người quản lý doanh nghiệp năm 2024 được xác định là 78,4 triệu đồng. Trong đó mức lương cơ bản là: 32,074 triệu đồng/người/tháng và cộng thêm phần điều chỉnh tăng thêm (hệ số điều chỉnh cho năm 2024 là 1,44)
Căn cứ tình hình thực hiện tiền lương người quản lý Tập đoàn năm 2023 và kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Tập đoàn xác định mức lương bình quân kế hoạch của HĐQT chuyên trách là: 80.181.033đ/người/tháng;
Trưởng Ban kiểm soát hoạt động chuyên trách hưởng lương bằng 90% người quản lý doanh nghiệp.
Tiền lương của ban lãnh đạo đã có sự tăng nhẹ so với năm trước |
Tuy nhiên, đây chưa phải là con số cuối cùng, vì ngoài tiền lương thì HĐQT và BKS còn được hưởng mức thù lao bổ sung (không bị tính thuế). Cụ thể, Ban kiểm soát sẽ nhận mức thù lao hàng tháng là 10,6 triệu đồng/người/tháng; tổng thù lao Ban kiểm soát sẽ là 254,4 triệu đồng/người/tháng/. Trong khi đó, thù lao của HĐQT được xác định là 11,7 triệu đồng/người/tháng; tổng thù lao của HĐQT sẽ là 280,8 triệu đồng.
Như vậy, kế hoạch tiền lương và thù lao của ban lãnh đạo GVR cho năm 2024 không chỉ phản ánh sự tăng trưởng tích cực mà còn thể hiện sự phát triển khả quan của Tập đoàn. Mức lương bình quân được nâng cao so với năm trước là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực và thành công đã đạt được, cũng là nguồn động lực mạnh mẽ để BLĐ tiếp tục hướng tới những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
Long Nguyễn