Mới đây, Công ty CP Apax Holdings (Mã cổ phiếu: IBC) đã công bố báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu IBC của Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) và công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup (Tập đoàn Egroup).
Cụ thể, từ ngày 20/12 đến 22/12, Shark Thủy đã bị Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) bán giải chấp 113.800 cổ phiếu IBC, giảm sở hữu của ông từ 6,69 triệu cổ phiếu xuống còn 6,58 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 7,9%.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Egroup (công ty mẹ của Apax Holdings) do ông Shark Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng bị bán giải chấp 71.900 cổ phiếu IBC trong ngày 19/12. Việc bán giải chấp này đã khiến sở hữu của Tập đoàn Egroup tại Apax Holdings giảm xuống còn 58,8%.
Tiếp đó, Tập đoàn Egroup còn bị Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset bán giải chấp 716.800 cổ phiếu IBC.
Được biết, các giao dịch bán giải chấp cổ phiếu IBC được các công ty chứng khoán thực hiện bằng phương pháp thỏa thuận/khớp lệnh liên tục.
Đáng chú ý, đợt bán giải chấp này diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu IBC đang có chuỗi giảm sàn 24 phiên liên tiếp. Chốt phiên giao dịch 27/12, thị giá IBC tiếp tục giảm kịch biên độ xuống còn 2.600 đồng/cp, tương ứng mức giảm hơn 86% so với thời điểm đầu tháng 11.
Diễn biến giá cổ phiếu IBC thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Liên quan đến giá cổ phiếu IBC giảm mạnh thời gian qua, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết nguyên nhân giá cổ phiếu giảm mạnh đến từ việc nhà đầu tư có vay ký quỹ/thế chấp bị bán chủ động/bán giải chấp từ các công ty chứng khoán để nhanh chóng thu hồi vốn và hiện tượng này vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset cho biết đã thực hiện giải chấp 300.000 cổ phiếu IBC thuộc sở hữu của Tập đoàn Egroup, thời gian diễn ra từ ngày 25/11 đến ngày 9/12 nhưng không cổ phiếu nào được khớp lệnh.
Thời gian gần đây, Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (công ty con của Apax Holdings) liên tục vướng nhiều lùm xùm liên quan đến chất lượng dạy học, chậm trả lương, nợ lương giáo viên... Nhiều phụ huynh đã đề nghị Apax English hoàn trả hàng tỷ đồng tiền học phí khi không thực hiện đúng cam kết đào tạo.
Bên cạnh đó, rất nhiều người đầu tư theo Shark Thủy đã liên tục đòi tiền. Sau đó, Shark Thủy đã thừa nhận những vấn đề trên đang là những tồn tại trên và xin lỗi nhà đầu tư. Lãnh đạo của Apax English cho rằng đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Tiền thân là Công ty CP Đầu tư VN Benchmark, Apax Holdings được thành lập năm 2012 với vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Năm 2017, vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng lên 688,8 tỷ đồng thông qua nhiều lần phát hành tăng vốn và đấu giá ra công chúng. Đến năm 2021, Apax Holdings tăng vốn điều lệ lên 831,5 tỷ đồng nhờ vào việc nhà đầu tư trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu. Cuối năm 2017, IBC hoàn tất việc chuyển sàn từ UPCoM sang HoSE.
Được biết, trong hệ thống Apax Holdings, công ty mẹ là Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup với ngành nghề chính là xuất bản phần mềm, vốn điều lệ 962,5 tỷ đồng. Vốn góp của Egroup tại Apax Holdings là 496,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 59,8% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2021.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn được gọi là Shark Thủy sau khi gắn với chương trình Shark Tank) là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị – Tổng Giám đốc Tập đoàn Egroup, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Anh ngữ Apax.
Apax Holdings hiện kinh doanh chủ yếu trong lĩnh vực giáo dục, với 3 công ty con là Công ty CP Anh ngữ Apax (Apax English), Công ty CP Phát triển giáo dục Igarden và Công ty CP Trường liên cấp Firbank Australia. IBC cũng có 3 công ty liên kết là Công ty CP Tập đoàn hạ tầng giáo dục, Công ty CP Giáo dục tư duy và Sáng tạo CMS, Công ty CP Hạ tầng Trường liên cấp STEAME.
Theo báo cáo thường niên năm 2021 của Apax Holdings, đến ngày 31/12/2021, công ty này có 120 trung tâm Apax English/Leaders, 16 trường mầm non Steame Garten và 5 trung tâm Englishnow. Trong số đó, Apax English đang là công ty con nổi trội nhất. Tính đến cuối tháng 6/2022, Apax Holdings đang sở hữu 66,36% cổ phần Apax English.
Kết quả kinh doanh theo BCTC hợp nhất quý 3/2022, IBC ghi nhận doanh thu thuần gần 374 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế giảm chỉ còn 2,6 tỷ đồng, bằng 1/5 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 776 tỷ đồng trong khi quý 3/2021 lãi sau thuế 5,3 tỷ đồng. Trong quý này, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ âm 6,4 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần IBC đạt 1.043 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nhờ chi phí bán hàng giảm 115 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm vẫn tăng 12% đạt 38,5 tỷ đồng.
Anh Khôi