Dòng vốn FDI chất lượng tiếp tục dịch chuyển vào Việt Nam Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI Dòng vốn FDI vào Đông Nam Á tăng 9 lần trong 20 năm |
Ngày 16/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Hội thảo Công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam.
Thông tin từ hội thảo cho thấy, trải qua 35 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài năm 1987 được ban hành, Việt Nam đã là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, so với năm 1991 - thời điểm Việt Nam chỉ tiếp nhận 1,28 tỷ USD vốn đăng ký và 428,5 triệu USD vốn thực hiện thì số vốn FDI đăng ký và giải ngân năm 2021 đã gấp lần lượt khoảng 30 lần về vốn đăng ký và 38 lần về vốn giải ngân so với năm 1991, dù năm 2021 là thời điểm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Bên cạnh những mặt tích cực, các dự án FDI vẫn bộc lộ nhiều bất cập cần sớm được khắc phục |
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng đóng góp quan trọng vào tạo việc làm, thúc đẩy thương mại quốc tế, thúc đẩy liên kết cụm ngành, liên kết chuỗi giá trị và góp phần nâng cao năng suất lao động. Theo ước tính, giá trị xuất khẩu của khu vực FDI tương đương khoảng 72% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam có thặng dư thương mại trong những năm gần đây.
Mặc dù có những đóng góp tích cực, nhưng theo đại diện VCCI, hoạt động của các dự án đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề bất cập. Chẳng hạn, theo báo cáo của cơ quan thuế thì có tình trạng một số doanh nghiệp FDI chuyến giá, trốn thuế tại Việt Nam.
Một số doanh nghiệp chưa tuân thủ tốt các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam, tạo ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Vụ việc tại biển miền Trung năm 2016 hay xa hơn là vụ xả thải ra sông Thị Vải vào năm 2009 là những lời nhắc nhở về rủi ro tiềm tàng đối với môi trường mà các dự án FDI có thể gây ra nếu không được quản lý, giám sát tốt.
Đặc biệt, theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường tại 28 tỉnh phía Bắc từ năm 2017 - 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên. Cụ thể, năm 2017 có 44,5% doanh nghiệp FDI vi phạm; năm 2018 là 56% và đến năm 2019 con số này là 68%.
Bên cạnh đó, tình trạng người lao động bị đối xử thiếu công bằng, thậm chí ngược đãi cũng đã xảy ra tại một số doanh nghiệp FDI. Các số liệu thống kê cũng ghi nhận vấn đề đình công tập thể diễn ra thường xuyên hơn đối với các doanh nghiệp FDI so với các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.
Hơn nữa, theo nghiên cứu của VCCI, quy mô vốn trung bình một dự án FDI đang có xu hướng nhỏ lại. Chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp. Mức độ nội địa hóa các sản phẩm mới đạt khoảng 20-25%, thấp hơn so với các nước trong khu vực…
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị nêu quan điểm cần chủ động thu hút, hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc |
Trước những tồn tại của khu vực FDI, ông Đậu Anh Tuấn - Ủy viên Ban Thường trực, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI đặt câu hỏi, làm sao để thu hút các dự án FDI có chất lượng từ các nhà đầu tư với định hướng kinh doanh có trách nhiệm?
Trên thực tế, Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu ra những tồn tại, hạn chế của khu vực FDI, theo đó đưa ra quan điểm: “Chủ động thu hút, hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”.
Đồng tình với quan điểm cần nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, bởi nếu không chọn lọc, thì dòng vốn FDI cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, thậm chí có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam.
Cụ thể, theo bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP): EU đang áp dụng bộ luật liên quan đến môi trường, con người. Nhật Bản cũng đang thực hiện thẩm định nhân quyền tại các doanh nghiệp. Hay như Mỹ, hiện đang cấm nhập khẩu từ các doanh nghiệp có hành vi bóc lột sức lao động.
“Tất cả những yêu cầu trên sẽ thay đổi cách thức hoạt động của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do vậy, Việt Nam cần định hướng thu hút FDI và các hoạt động kinh doanh phù hợp với thông lệ thế giới” - Ramla Khalidi nhấn mạnh.
Để sàng lọc các dự án FDI, tại hội thảo, VCCI đã giới thiệu bộ công cụ sàng lọc dự án đầu tư tại Việt Nam, công cụ sẽ bao gồm danh mục các yếu tố cần xem xét khi chính quyền địa phương thẩm định các dự án FDI như: Việc làm, chuyển giao công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng, liên kết với doanh nghiệp địa phương, lao động, môi trường. Bộ lọc này kỳ vọng sẽ hạn chế tình trạng “dễ dãi” trong lựa chọn dự án FDI tại nhiều địa phương do chỉ chú trọng số lượng mà bỏ qua chất lượng dự án.
Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 đã nêu ra những tồn tại, hạn chế của khu vực FDI, theo đó đưa ra quan điểm chủ động thu hút, hợp tác thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc. |
Nguyễn Hòa