Năm 2023, nền kinh tế Việt Nam được dự báo gặp không ít thách thức đến từ lượng trái phiếu đáo hạn ở mức cao, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi lạm phát, triển vọng tăng trưởng chậm lại, chính sách tiền tệ chưa thể theo kỳ vọng của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh kinh tế đối diện nhiều khó khăn, thị trường chứn khoán (TTCK) năm 2023 sẽ ra sao? Định giá về mức thấp trong nhiều năm liệu có phải là giai đoạn quyết liệt giải ngân để “săn voi”? Tại Talkshow Chọn danh mục do Báo đầu tư tổ chức các chuyên ra đã đưa ra ý kiến về vấn đề này.
Dự báo về TTCK năm 2023, ông Nguyễn Tuấn Anh, Founder FiinPeace cho rằng cần chia thành hai giai đoạn. Trong giai đoạn khoảng 5 tháng đầu năm (từ đây cho đến kỳ đại hội cổ đông của 2023), thị trường sẽ trong xu hướng đi ngang, thậm chí nhiều cổ phiếu có thể tiếp tục giảm trong tháng 4, tháng 5 do nhiều nhà đầu tư thất vọng về kết quả của cuộc họp đại hội cổ đông. Chuyên gia cũng lưu ý có khả năng xuất hiện sự kiện "thiên nga đen" trong thời điểm này.
Ngược lại, cũng sẽ có nhiều cổ phiếu của doanh nghiệp đưa ra được chiến lược mới, gọi là lấy được thị phần. Thay vì câu chuyện lợi nhuận quý 1 hay quý 2 có tăng trưởng hay không, việc lãnh đạo doanh nghiệp xuất hiện trong đại hội cổ đông và thể hiện được uy lực trong việc chiếm lĩnh thị phần mới là điều cần quan tâm. Bởi nhà đầu tư cần hiểu bản chất của tăng trưởng lợi nhuận bền vững đến từ việc tăng trưởng lượng khách hàng, từ đó mới có thể tăng trưởng doanh thu.
Sang đến giai đoạn tháng 5 trở đi, chuyên gia khá lạc quan vào triển vọng thị trường chứng khoán. VN-Index có thể quay lại những ngưỡng khá cao lên đến 1.100 - 1.200 vào thời điểm tháng 10 đến cuối tháng 11. Tuy nhiên, đến tháng cuối năm đà tăng của thị trường có thể chững lại do tâm lý nghỉ lễ cuối năm.
Về xu hướng dòng tiền, ông Nguyễn Thành Trung, Trường phòng Phân tích CTCK Thành Công cho rằng một những yếu tố để dòng tiền quay trở lại thị trường là sự ổn định. Bởi, khi những thông tin xấu và sự kiện nổi bật đã xảy ra trong năm 2022 thì năm nay thị trường sẽ ổn định hơn.
Ngoài sự ổn định, tăng trưởng lợi nhuận thị trường dự báo cũng khá khả quan. Thống kê trên 100 doanh nghiệp lớn của Việt Nam chiếm khoảng 80 – 85% vốn hóa thị trường, khả năng là năm 2023 tăng trưởng của nhóm này từ 10 – 15%. Theo đánh giá dựa vào những kịch bản, kế hoạch kinh doanh thì chữ E ở dưới sẽ tăng đâu đó khoảng 10 – 15%.
Về định giá, chỉ số P/E của TTCK đạt khoảng 10 – 11 lần. Đây là mức thấp nhất lịch sử thị trường. Nếu nhìn vào quá khứ, khả năng P/E tiếp tục giảm không cao. Từ E tăng từ 10 – 15% đại diện cho 100 doanh nghiệp, P/E định giá thị trường rất thấp thì và khả năng xác suất tăng cao hơn xác suất giảm.
Từ những kịch bản đó, chuyên gia cho rằng khả năng thị trường năm 2023 tăng theo mức min của lợi nhuận doanh nghiệp là 10 – 15%. Nếu P/E tiếp tục cải thiện và sự ổn định của thị trường cao thì P/E thị trường sẽ được nâng lên chứ không còn mức định giá như hiện tại.
Ông Trung cũng nhận định năm nay là năm TTCK sẽ tạo đáy trong một chu kỳ mới. Trong bối cảnh thị trường bắt đầu chu kỳ mới, thông thường nhóm ngành liên quan đến tính chu kỳ cao, đặc biệt là nhóm tài chính có khả năng sẽ "chạy" trước thị trường.
Từ nhóm ngành tài chính và những nhóm ngành liên quan đến chu kỳ cao, chuyên gia lựa chọn ra được 2 nhóm ngành. Đầu tiên, ngân hàng là nhóm ngành có khả năng ngân hàng dẫn dắt thị trường. Bản chất ngân hàng đã đi ngang rất lâu nên năm 2023 sẽ là điểm sáng. Tiếp theo là nhóm ngành mang tính chất chu kỳ cao và có độ nhạy với thị trường là nhóm chứng khoán.
Năm 2022, nhiều cổ phiếu chứng khoán và ngân hàng đã giảm 60 – 70%, P/B nhiều mã đã về quanh quanh 1 lần, thậm chí dưới 1 lần. Do đó, đây sẽ là hai nhóm cổ phiếu sẽ bật tăng trước khi thị trường hồi phục từ đáy.
Trong nhóm ngân hàng, nhà đầu tư có lựa chọn rủi ro cao có thể xem cổ phiếu có kế hoạch tăng trưởng cao trong năm 2023. Nếu khả năng chịu đựng rủi ro thấp thì NĐT có thể lựa chọn ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi vấn đề nợ xấu và trái phiếu.
Đối với nhóm chứng khoán, nhà đầu tư nên tập trung vào những công ty chứng khoán top đầu, có thị phần cao, tập trung vào hoạt động môi giới và có định giá P/B tầm quanh 1 lần. Từ tháng 3/2020, thị trường tạo đáy khi Covid xảy ra, cổ phiếu chứng khoán cũng tăng gấp 5 – 10 lần trong giai đoạn năm 2021.
Bên cạnh hai nhóm cổ phiếu trên, những cổ phiếu giảm giá sâu, có dòng tiền ổn định và trả cổ tức cao cũng là một sự lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư ưa thích sự an toàn. Theo đó, những cổ phiếu ngành điện được cho là khá hấp dẫn để đầu tư trong bối cảnh vĩ mô năm 2023 vẫn còn nhiều bất ổn.
Dù vậy, tùy khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư mà lựa chọn cổ phiếu phù hợp. Với những NĐT khả năng chịu đựng thấp, thì cần tập trung vào những doanh nghiệp, cổ phiếu phù hợp với mục tiêu của mình.
Anh Khôi