Tham gia báo cáo tại Hội thảo quốc tế APSIPA về Xử lý tín hiệu và thông tin vào ngày 24/7 tới đây, Nguyễn Trung Du và Nguyễn Bình Nam đã thực hiện đề tài nghiên cứu về phát hiện lỗ hổng trong phần mềm điều khiển của thiết bị serial wifi server. Nghiên cứu khoa học của sinh viên Trường Đại học CMC phân tích về cách sử dụng các công cụ quét thiết bị IoT trên mạng và phương pháp dịch ngược trong việc tìm lỗ hổng trong các thiết bị này.
Để thực hiện đề tài này, hai bạn đã nghiên cứu sâu về dịch ngược, cho thấy các công cụ quét thiết bị IoT và kĩ thuật dịch ngược được sử dụng như thế nào, phát hiện và khai thác lỗ hổng trong ngành an toàn thông tin, khai thác lỗ hổng tạo ra bởi các hacker để phá mã bảo mật, từ đó đề xuất các biện pháp an toàn thông tin.
Dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng cả Trung Du và Bình Nam đều đang là thực tập sinh tại Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI). Đây chính là đặc quyền của sinh viên Trường Đại học CMC, mang đến cơ hội đào sâu nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm và nâng cao kiến thức chuyên môn, có sự chuẩn bị tốt hơn cho sự nghiệp tương lai.
Dù mới chỉ là sinh viên năm 2 nhưng Nguyễn Bình Nam đã từng tham gia thực hiện rất nhiều dự án công nghệ thông tin như: dự án mã nguồn mở hệ điều hành thời gian thực RIOT-OS; xây dựng máy tính 8-bit bằng điện tử số, điện tử logic; phân tích cách hoạt động của mã độc ransomware ESXiArgs; thiết kế ngôn ngữ lập trình NIMBLE và xây dựng chương trình thông dịch cho ngôn ngữ lập trình; thiết kế và lập trình hệ điều hành Sora 32-bit; lập trình tạo ra chương trình tính toán và mô phỏng động lực học của tên lửa. Ngoài ra, Nam cũng sở hữu kết quả IELTS ấn tượng với điểm số 8.0, đồng thời tự xây dựng trang blog về khoa học, kĩ thuật và công nghệ.
Truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên trong việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, Trung Du nhắn nhủ, các bạn hãy có cho mình 4 chữ “dám”, đó là dám nghĩ, dám đương đầu, dám thử và dám làm.
Nguyễn Lưu