Hân hoan bài ca chiến thắng và hi vọng

30/04/2024 - 01:50
(Bankviet.com) Ngày 30/4 năm ấy, cả đất nước đã vang lên bài ca chiến thắng, bài ca của tinh thần yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập, tự do, của hào khí Việt Nam anh hùng được truyền thừa qua bao thế hệ...
“Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng tôi mới nhận được. Đúng 11 giờ 30 phút, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm Dinh Độc Lập. Bộ Tổng tham mưu Ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”.

Đó là tin tức ngắn gọn được phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngày 30/4/1975, ngày Bắc - Nam sum họp một nhà, non sông thu về một mối. Ngày 30/4 năm ấy, cả đất nước đã vang lên bài ca chiến thắng, bài ca của tinh thần yêu nước nồng nàn, của khát vọng độc lập, tự do, của hào khí Việt Nam anh hùng được truyền thừa qua bao thế hệ.
 

Bài ca chiến thắng mùa xuân năm 1975 (Nguồn ảnh: Hệ thống tư liệu - Văn kiện Đảng)

Ngược dòng thời gian trở về mùa xuân năm 1975 lịch sử, sau khi bị mất toàn bộ Quân khu 1 và 2, một nửa binh lực của quân Ngụy đã bị tiêu diệt. Trong thế tan rã chiến lược hầu như không thể cứu vãn, địch vẫn ra sức tổ chức lực lượng, tích cực phòng ngự, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với quân ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình; lần lượt tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc và sau đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Ngày 18/4/1975, quân ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch, bắt sống Trung tướng Tư lệnh mặt trận Nguyễn Vĩnh Nghi. Ngày 20/4/1975, trước sức tiến công của quân ta, Sư đoàn 18 của Ngụy tháo chạy, Xuân Lộc thất thủ. Các tuyến phòng ngự từ xa bị phá vỡ, địch co về phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn với ba tuyến gồm vòng ngoài, vòng ven và nội đô. Chiều ngày 26/4/1975, quân ta nổ súng mở màn chiến dịch tổng tiến công mang tên “Hồ Chí Minh” nhằm giải phóng Sài Gòn và toàn bộ miền Nam. Từ ngày 26 - 28/4/1975, quân ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn và khiến địch bị rối loạn hoàn toàn về chiến lược. Ngày 29/4/1975, các binh đoàn bộ đội của ta tiến công, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích. Sáng 30/4/1975, trong thế thua đã rõ ràng, địch xin ngừng bắn, các quân đoàn của ta nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4/1975, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống Ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Ngày 01/5/1975, toàn bộ lực lượng còn lại của quân Ngụy tan rã, quân ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Gần nửa thập kỉ đã trôi qua, lá cờ đỏ sao vàng - lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập năm nào nay đã phấp phới tung bay trên mọi nẻo đường đất nước và cả trên những đấu trường, những diễn đàn quốc tế. Hồn cốt lá cờ giải phóng đã hóa thành sức mạnh dân tộc, thành niềm hi vọng lớn lao của đất nước Việt Nam luôn khát khao hòa bình, phồn vinh và thịnh vượng.

Nhìn lại chặng đường kiến thiết đất nước suốt năm thập kỉ qua, Việt Nam đã từng là một quốc gia thuần nông, phải trải qua bao mưa bom, bão đạn; qua bao vây, cấm vận nhưng vẫn kiên cường, giữ vững nền độc lập; gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai, cùng bè bạn năm châu hội nhập toàn cầu.

Từ năm 1975, tình hình đất nước chưa ổn định do phải từng bước khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, kinh tế tăng trưởng chậm làm mất cân đối cung - cầu, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân mỗi năm giai đoạn 1977 - 1985 chỉ tăng 4,65%, trong đó: Nông, lâm nghiệp tăng 4,49%/năm; công nghiệp tăng 5,54%/năm và xây dựng tăng 2,18%/năm. Theo loại hình sở hữu, sở hữu quốc doanh tăng 4,29%; sở hữu tập thể tăng 10,26% và sở hữu tư nhân, cá thể tăng 0,71%. Về cơ cấu ngành kinh tế, nông, lâm nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, chiếm 38,92% GDP, chủ yếu dựa vào độc canh trồng lúa nước. Mặc dù công nghiệp được dồn lực đầu tư nhưng tỉ trọng còn thấp (chiếm 39,74% GDP) và chưa là động lực để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Diễn biến lạm phát giai đoạn này có nhiều biến động, chỉ số lạm phát tăng mạnh, đỉnh điểm là vào giai đoạn từ 1983 - 1985, lạm phát bị đẩy lên mức 700 - 800% (lạm phát phi mã) (Hình 1).

Về mặt xã hội, Chính phủ chủ trương nhanh chóng xóa nạn mù chữ và đẩy mạnh bổ túc văn hóa, xem đó là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đầu năm 1978, cả quốc gia có 1.323,7 nghìn người thoát nạn mù chữ. Công tác dạy nghề phát triển mạnh mẽ, năm 1985, số trường trung học chuyên nghiệp là 314 trường với quy mô 128,5 nghìn sinh viên và 11,4 nghìn giáo viên. Hệ thống y tế được mở rộng, xây mới và áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật, năm 1985, số nhân viên y tế tăng từ 110,9 nghìn người (từ năm 1976) lên 160,2 nghìn người, số bác sĩ tăng từ 9.104 người lên 19.029 người. Tuy nhiên, do lạm phát cao nên đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Trước bối cảnh kinh tế, xã hội đất nước gặp nhiều khó khăn sau đại thắng mùa xuân năm 1975, ngành Ngân hàng Việt Nam đã khẩn trương tiếp quản và cải tạo hệ thống ngân hàng của chế độ cũ ở miền Nam, xây dựng hệ thống ngân hàng mới của chính quyền cách mạng, thực hiện thống nhất tiền tệ trong cả nước; ban hành và thực hiện nhiều biện pháp về tiền tệ, tín dụng, quản lí ngoại hối, thanh toán góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Thực hiện chủ trương cải tiến và mở rộng tín dụng ngân hàng theo Quyết định số 32/CP ngày 11/2/1977 của Hội đồng Chính phủ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thể lệ cho vay vốn lưu động và quy định về cho vay đầu tư xây dựng cơ bản. Hoạt động tín dụng bước vào thời kì cải tiến mạnh mẽ và mở rộng các loại cho vay, trước hết là đối với khu vực kinh tế quốc doanh. Hệ thống thanh toán thống nhất trong cả nước được thiết lập; tình trạng công nợ tồn đọng giữa các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị được giải quyết đáng kể. Quan hệ tín dụng và thanh toán quốc tế với các nước xã hội chủ nghĩa được tăng cường, vị thế ngành Ngân hàng ngày càng được củng cố, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa đất nước.

Hình 1: Tăng trưởng GDP và lạm phát tại Việt Nam giai đoạn 1976 - 2000
Nguồn: Researchgate

Sau Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI năm 1986, Đảng đã đề ra đường lối đổi mới, cải cách, mở cửa đất nước, khơi dậy tiềm năng và sức sáng tạo của các loại hình kinh tế để phát triển sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, tăng sản phẩm cho xã hội.

Giai đoạn 1986 - 2000, GDP bình quân mỗi năm tăng 6,51%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,06%; khu vực dịch vụ tăng 6,66%. Cũng trong thời kì này, chỉ số lạm phát rất cao trong năm 1986 - 1988, tăng đến 800%, nguyên nhân chủ yếu là do kinh tế tăng trưởng chậm, có năm bị giảm, làm mất cân  đối cung cầu (thiếu cung), tiền nhiều hơn hàng, tuy nhiên, giai đoạn 1989 - 2000, lạm phát đã được kiểm soát đáng kể do cung đã tăng đáng kể, đặc biệt lương thực vượt nhu cầu trong nước, đã có xuất khẩu với khối lượng lớn.

Sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế và các lĩnh vực xã hội khác cũng được củng cố và tăng cường, đất nước từng bước thực hiện Chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Chính sách cải cách tiền lương đã thúc đẩy phát triển sản xuất, giúp đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người một tháng của dân cư tăng, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Thực hiện chủ trương đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để theo Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng từng bước đổi mới và phát triển, hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lí, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. Ngày 26/3/1988, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Nghị định số 53/HĐBT về tổ chức bộ máy NHNN, mô hình ngân hàng một cấp được chuyển thành mô hình ngân hàng hai cấp, tách bạch dần chức năng quản lí nhà nước của NHNN với chức năng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong giai đoạn này, NHNN chuyển sang cơ chế lãi suất thực dương để thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ và thị trường, nhờ đó, lạm phát phi mã được đẩy lùi. Bên cạnh đó, NHNN cũng kết hợp sử dụng các công cụ gián tiếp với công cụ kiểm soát trực tiếp trong điều hành chính sách tiền tệ; bước đầu hiện đại hóa công nghệ và tăng cường đào tạo nguồn nhân lực cho việc vận hành hệ thống ngân hàng mới. Vốn tín dụng được mở rộng đối với mọi thành phần kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm sau.

Bước vào thiên niên kỉ mới, Việt Nam đã vươn mình, hội nhập sâu rộng với các quốc gia trên toàn thế giới. Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006, Việt Nam đã tích cực tham gia vào các tổ chức, diễn đàn, các hiệp ước kinh tế - xã hội song phương và đa phương, qua đó đạt được những thành công đáng ghi nhận. Kinh tế liên tục tăng trưởng, vượt ra khỏi tình trạng kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển.

Hình 2: Tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 1985 - 2022
Đơn vị: %
Nguồn: World Bank data
 
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2000, quy mô GDP của Việt Nam đạt 39,58 tỉ USD, mức tăng trưởng đạt 6,8% (Hình 2), xếp thứ 6/10 khối ASEAN và thứ 60/200 trên thế giới. Giai đoạn 2000 - 2012, quy mô GDP Việt Nam vẫn nằm ngoài top 50 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2013, quy mô GDP đã chính thức lọt vào top này với quy mô 212,73 tỉ USD, xếp thứ 6 trong khối ASEAN. Từ năm 2013 đến nay, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. GDP năm 2023 tăng 5,05% so với năm 2022, (quý I/2023 tăng 3,41%; quý II/2023 tăng 4,25%; quý III/2023 tăng 5,47%; quý IV/2023 tăng 6,72%); trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,83% đóng góp 0,46 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng tăng 3,74%, đóng góp 1,51 điểm phần trăm (riêng công nghiệp tăng 3,02%) và dịch vụ tăng cao nhất với 6,82%, đóng góp 3,25 điểm phần trăm và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,33%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 4,95 triệu đồng/người/tháng, tăng 5,9% so với năm 2022, tình hình đời sống dân cư được cải thiện.

Về mặt xã hội, công tác an sinh xã hội tiếp tục được các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm thực hiện. Cùng với đó, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2023), quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược được củng cố vững vàng, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam; Đảng, Nhà nước và Chính phủ và các bộ, ban, ngành đã vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nhanh chóng kêu gọi Nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể vượt qua dịch bệnh. Đại dịch được khống chế thành công là nhờ sự chung tay, góp sức của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài với tình cảm sâu sắc cùng với tinh thần trách nhiệm, phát huy những giá trị truyền thống quý báu đoàn kết, “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc qua bao thế hệ. Sự vào cuộc quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân đã tạo nên khối sức mạnh tập thể vững chãi, kiên cường, từng bước cùng nhau vượt qua dịch bệnh.

Giai đoạn hậu Covid-19 đến nay, với nhiều khó khăn, thách thức của kinh tế thế giới nói chung và những nước phát triển nói riêng, trì trệ và tăng trưởng ảm đạm, đặc biệt là tình trạng lạm phát phi mã đã ảnh hưởng không nhỏ đến bức tranh kinh tế toàn cầu. Đặc biệt cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt và phức tạp hơn, vấn đề sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế ngày càng gia tăng, các thách thức từ biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh mạng nổi lên ngày một gay gắt, đặc biệt là các thế lực thù địch vẫn âm thầm chống phá đất nước. Tuy nhiên, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định đoàn kết, hợp tác, chia sẻ cùng các quốc gia trên thế giới, hướng tới bài ca hi vọng về một thế giới hòa bình và phát triển bền vững. Thêm vào đó, công tác đối ngoại, ngoại giao mang hình tượng “cây tre Việt Nam” đã giúp nước ta đứng vững giữa bão táp phong ba của tình hình kinh tế, chính trị… thế giới đầy biến động và phức tạp.
 
Cùng với sự đổi mới, hội nhập toàn diện của đất nước, ngành Ngân hàng Việt Nam cũng từng bước hoàn thiện về mô hình tổ chức, thể chế pháp lí, công nghệ và dịch vụ ngân hàng. NHNN đã phát huy vai trò là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; tích cực đổi mới, hoàn thiện cơ chế điều hành chính sách tiền tệ, phát triển nghiệp vụ Ngân hàng trung ương; đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra, giám sát; tăng cường hiện đại hóa công nghệ, phát triển dịch vụ ngân hàng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế. Trong đó, chính sách tiền tệ linh hoạt theo diễn biến kinh tế, xã hội đã được NHNN triển khai, thi hành hiệu quả. Những năm đầu thập niên 2000, lạm phát ở Việt Nam khá cao: Năm 2004 tăng 9,5%; năm 2005 tăng 8,4%; năm 2007 tăng 12,63%; năm 2008 tăng 19,89%; năm 2010 tăng 11,75%; năm 2011 tăng 18,58%. Tuy nhiên, nhờ thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt kết hợp cùng các chính sách tài khóa khác, lạm phát về cơ bản đã được kiểm soát. Từ năm 2013 đến nay, lạm phát giữ ở mức 1,4 - 4%, cá biệt năm 2015, lạm phát chỉ đạt 0,65%.

Đặc biệt, từ giai đoạn hậu Covid-19 đến nay, NHNN đã chủ động, tích cực ban hành các văn bản yêu cầu các TCTD xem xét hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, ưu tiên nới rộng mức tăng trưởng tín dụng, điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ người, dân doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế, góp phần cùng người dân, doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn chung của quốc gia.

Chiến tranh đã lùi xa, những năm tháng chiến đấu, hi sinh để giành lại lá cờ độc lập ngày 30/4/1975 đã trở thành lịch sử. Những kí ức anh hùng đó mãi là niềm tự hào dân tộc, trở thành động lực đối với nhiều thế hệ người Việt Nam đang bảo vệ và xây dựng đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và đường lối cách mạng dân tộc, đất nước đang từng bước vượt qua khó khăn, cùng bạn bè năm châu hướng đến một tương lai thái hòa, thịnh vượng. Việt Nam vẫn luôn tự hào, phát huy những giá trị cao quý của cả dân tộc để tự tin bước tiếp những chặng đường xây dựng đất nước và vươn mình ra thế giới.

Tài liệu tham khảo:

1. Lịch sử Quân sự Việt Nam (2013). Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bộ Quốc phòng.
2. Tổng cục Thống kê (2020). Những dấu ấn quan trọng về kinh tế - xã hội trong hành trình 75 năm thành lập và phát triển đất nước qua số liệu thống kê.
3. Tổng cục Thống kê (2023). Tình hình kinh tế - xã hội quý IV/2023 và năm 2023.
3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (2013). Khái quát lịch sử ngân hàng qua các thời kỳ


Ngọc Linh
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng