HOSE đã quyết định chính thức hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TGG của The Golden Group và ấn định thời điểm rời sàn đối với cổ phiếu IBC của Apax Holdings |
Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) có quyết định chính thức hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TGG của Công ty CP The Golden Group và cổ phiếu IBC của Công ty CP Đầu tư Apax Holdings do liên tục vi phạm quy định công bố thông tin.
Đối với trường hợp của The Golden Group, cổ phiếu TGG hiện đang trong các diện theo dõi vi phạm: đình chỉ giao dịch, kiểm soát. TGG bị đình chỉ vì tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch. Đến nay, The Golden Group vẫn chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, quá 6 tháng so với thời hạn quy định.
Ngoài ra, cổ phiếu TGG còn bị kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định. Đến nay, The Golden Group chưa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 và đã quá 45 ngày so với thời hạn quy định.
Ngày 31/10/2023, The Golden Group có công văn xin tạo điều kiện cho công ty được nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 chậm nhất đến ngày 15/11/2023. Tuy nhiên, đến nay, công ty chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 và báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023. Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của The Golden Group chưa được khắc phục. HoSE cho rằng, các vi phạm này có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Do đó, căn cứ quy định tại Nghị định 155, ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, HoSE thông báo về việc sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu TGG của Công ty CP The Golden Group theo quy định nêu trên.
Theo tìm hiểu, The Golden Group có tên cũ là Louis Capital, thuộc nhóm cổ phiếu họ nhà Louis. Đây là một trong hai cổ phiếu từng bị ông Đỗ Thành Nhơn (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Louis Holdings) thao túng.
Ngày 20/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty CP Chứng khoán Trí Việt, Công ty CP Louis Holdings, Công ty CP Louis Capital, Công ty CP Louis Land và các đơn vị liên quan.
Đối với trường hợp của Apax Holdings - doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Nguyễn Ngọc Thủy, thường gọi là Shark Thủy, HOSE đã ấn định thời điểm rời sàn là vào thứ Tư ngày 6/12 tới, tròn một tuần sau khi có thông báo chính thức.
HOSE cho biết, cổ phiếu IBC đang trong 3 diện theo dõi vi phạm, gồm đình chỉ giao dịch do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch; cổ phiếu bị kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời gian quy định; và bị cảnh báo do tổ chức niêm yết chưa họp ĐHĐCĐ thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.
HOSE còn cho biết đến nay, Apax Holdings chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022; báo cáo tài chính quý I, quý II và soát xét bán niên 2023; báo cáo quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023.
Kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Apax Holdings chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.
Vì vậy, căn cứ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2022 và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; HOSE thông báo sẽ hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC.
Trước khi tin hủy niêm yết được đưa ra, cùng lúc 3 thành viên HĐQT của Apax Holdings đã có đơn từ nhiệm, gồm ông Quách Mạnh Hào, Nguyễn Minh Chính và Nguyễn Trọng Quỳnh, đều với lý do cá nhân. Trong đó, ông Quách Mạnh Hào đã có đơn từ nhiệm từ ngày 6/11. Như vậy, HĐQT Apax Holdings sẽ chỉ còn 2 người là Chủ tịch Nguyễn Ngọc Thủy và một thành viên là ông Nguyễn Ngọc Khánh.
Trước sự kiện hàng lạt cổ phiếu bị hủy niêm yết, cần hiểu rõ, trường hợp này không giống như cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, từ HNX hay HOSE xuống UPCoM để vẫn đảm bảo tính thanh khoản, mà sẽ hoàn toàn bị "dập tắt".
Vấn đề lớn xảy đến với cổ đông nhỏ lẻ là rất khó để chuyển số cổ phiếu đang nẵm giữ thành tiền mặt, dù trên lý thuyết, họ vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu khi cổ phiếu đã bị hủy niêm yết bắt buộc. Do vậy, không ít nhà đầu tư lúng túng và khó kiểm soát tâm lý đầu tư ở giai đoạn này.
Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư nên giữ bình tĩnh, chủ động liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu với hy vọng sẽ phục hồi trong tương lai. Dù vậy, thực tế minh chứng khả năng này là khá xa vời, bởi các doanh nghiệp có cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc và phải rời khỏi sàn đều là những đơn vị làm ăn thua lỗ liên tục nhiều năm, thông tin thiếu minh bạch, hoạt động kinh doanh có nhiều "mập mờ"...
Vì vậy, để bảo vệ chính mình, nhà đầu tư không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không minh bạch, có dấu hiệu bất thường, hoặc đang phải nhận những chế tài nghiêm khắc từ cơ quan quản lý chứng khoán.
"Gã khổng lồ" Nhật Bản thâu tóm thành công doanh nghiệp bán buôn thực phẩm lớn nhất Việt Nam New Viet Dairy là công ty nhập khẩu và phân phối thực phẩm – đồ uống và nguyên liệu hàng đầu, nằm trong danh sách ... |
Vi phạm về thuế, Thuỷ sản Nam Việt (ANV) nhận “tráp” phạt gần 400 triệu đồng Mới đây, Cục trưởng Cục thuế An Giang vừa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực thuế đối với Công ... |
Đức Long Gia Lai (DLG) được hủy quyết định mở thủ tục phá sản Mới đây, Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG: HOSE) đã nhận được quyết định của Tòa án Nhân dân Cấp cao ... |
Tiểu Vy