Thiếu hụt container trong khu vực châu Á đẩy cước phí và chi phí sản xuất tăng Những yếu tố đang đe dọa ngành vận tải biển Lo ngại cước phí vận tải biển tăng cao, giá xuất khẩu cà phê nối dài đà tăng |
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam mới đây đã gửi văn bản kiến nghị gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và Cục Hàng hải Việt Nam về việc tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.
Theo Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Không chỉ vậy, các hãng tàu cũng liên tục tự tăng các loại phí và phụ phí này mà thiếu căn cứ, cơ sở, cũng như chưa tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Các mức tăng hầu hết ở mức cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển Việt Nam.
Theo cập nhật mới nhất, khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hàng ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/2/2024 thì ngay từ đầu tháng 2/2024 đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10 – 20% phí THC (Terminal Handling Charge - phụ phí xếp dỡ tại cảng) đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. Đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10 – 20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kêu cứu vì hãng tàu tự ý tăng giá cước, phụ phí (Ảnh minh họa) |
“Việc ban hành Thông tư 39 đã được các Bộ, Ban, ngành nghiên cứu kỹ lượng sau hơn 5 năm không điều chỉnh bất kỳ loại giá dịch vụ nào. Tuy nhiên các hãng tàu nước ngoài chỉ trong thời gian chưa đến 1 tháng từ khi Thông tư 39 được ban hành đã ngay lập tức cho mình quyền điều chỉnh mức phí THC áp dụng riêng đối với Việt Nam. Các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng”, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam nhấn mạnh trong kiến nghị.
Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cũng cho biết thêm, hành vi điều chỉnh THC đợt này không phải lần đầu tiên. Do đó, điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với quốc gia trong công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển, dịch vụ logistics nước nhà.
Với hiện trạng quan ngại nêu trên, Hiệp hội Chủ hàng đề xuất các cơ quan ban ngành cần có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài.
Cụ thể, bổ sung Phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hoá container bằng đường biển vào danh mục hàng hoá, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hoá tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tuỳ ý tăng giá và lạm thu ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu.
Hãng tàu cần có báo cáo về cơ cấu phí THC, trong trường hợp các phụ thu này siêu lợi nhuận thì cơ quan chức năng cần phải áp dụng các chính sách thu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Sớm rà soát và ban hành cơ chế quản lý việc thu các loại phụ phí, so sánh với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý; đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần sớm ban hành cơ chế quản lý việc thu phí của các hãng tàu nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phù hợp.
Hà Linh