Hành hung nhân viên y tế là không thể chấp nhận

08/05/2025 - 01:37
(Bankviet.com) Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho rằng dù là vì lý do gì, hành hung nhân viên y tế khi đang làm nhiệm vụ là không thể chấp nhận.
Rà soát chấn chỉnh thái độ, y đức của nhân viên y tế Tình trạng hành hung nhân viên y tế: Cần xử lý nghiêm minh

Liên tiếp trong những ngày đầu tháng 5, dư luận không khỏi lo ngại trước các vụ việc bác sĩ bị hành hung trong khi đang làm nhiệm vụ cứu người. Những sự cố đáng tiếc xảy ra tại Phú Thọ, Nam Định… không chỉ gây tổn thương cho đội ngũ y tế mà còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự an toàn và môi trường làm việc trong các bệnh viện.

Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế đã thẳng thắn nhìn nhận thực trạng, chỉ ra các nguyên nhân của tình trạng này.

TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế
TS.BS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - Ảnh: Nguyên Thảo

Hành hung nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ là không thể chấp nhận được

- Thưa ông, trong thời gian gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến một số vụ việc nhân viên y tế bị hành hung, xúc phạm trong quá trình làm nhiệm vụ. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về thực trạng này?

TS.BS Hà Anh Đức: Những ngày gần đây đã xảy ra một số sự việc liên quan tới hệ thống y tế, hệ thống khám chữa bệnh, trong đó có tình trạng hành hung cán bộ y tế. Điển hình là vụ việc ở Phú Thọ và gần nhất là Nam Định xảy ra khi bác sĩ đang điều trị bệnh nhân tại khoa hồi sức cấp cứu.

Dù nguyên nhân là gì, hành vi hành hung nhân viên y tế, đặc biệt khi họ đang làm nhiệm vụ cứu người là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cho dù ai sai ai đúng thì khi bác sĩ đang làm nhiệm vụ chuyên môn phải đảm bảo an toàn để họ hoàn thành công việc.

- Sau các vụ việc Bộ Y tế đã có những chỉ đạo cụ thể nào, thưa ông?

TS.BS Hà Anh Đức: Ngay sau khi xảy ra các sự việc, Bộ Y tế đã khẩn trương ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu toàn ngành y tế chấn chỉnh công tác đảm bảo an ninh tại các cơ sở khám chữa bệnh. Chúng tôi chỉ đạo các Sở Y tế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an địa phương để bảo vệ cán bộ y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ cứu người.

Cụ thể, Sở Y tế Phú Thọ đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng điều tra và đến sáng nay (7/5/2025), Bộ Y tế đã nhận được báo cáo sơ bộ từ Công an tỉnh Phú Thọ. Theo đó, dù hành vi chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân liên quan, theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

- Theo ông, vì sao những sự việc hành hung nhân viên y tế lại liên tục xảy ra trong thời gian gần đây?

TS.BS Hà Anh Đức: Tình trạng nhân viên y tế bị hành hung, xúc phạm trong quá trình làm nhiệm vụ thực ra đã tồn tại từ nhiều năm nay, không phải là điều mới. Nguyên nhân đến từ cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan.

Lĩnh vực khám chữa bệnh vốn mang nhiều áp lực. Mỗi năm, hệ thống y tế tiếp nhận khoảng 200 triệu lượt khám chữa bệnh, bình quân mỗi ngày có hàng trăm nghìn người đến các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tại nhiều bệnh viện lớn, có những ngày số lượt khám lên tới gần chục nghìn tạo nên áp lực khủng khiếp lên cả hệ thống hạ tầng lẫn đội ngũ y bác sĩ.

Trong khi đó, tâm lý người bệnh thường mong muốn được khám nhanh, chu đáo, giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, nguồn lực ngành y cả về nhân sự và cơ sở vật chất đôi khi chưa thể đáp ứng đủ, kịp thời cho mọi người bệnh.

Số lượng bệnh nhân quá lớn với nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về dịch vụ y tế cũng tạo áp lực nặng nề lên nhân viên y tế, đây cũng là tình huống có thể khiến người bệnh, người nhà chưa hài lòng như cách họ mong muốn.

Hình ảnh nam thanh niên hành hung nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định - Ảnh cắt từ video
Hình ảnh nam thanh niên hành hung nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định - Ảnh cắt từ video

Bệnh viện có quỹ hỗ trợ bệnh nhân trong các tình huống đặc biệt

- Trước thực trạng này, Bộ Y tế có giải pháp gì mang tính căn cơ để vừa đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế vừa đáp ứng kỳ vọng của người dân, thưa ông?

TS.BS Hà Anh Đức: Về phía Bộ Y tế, chúng tôi đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, từ quy phạm pháp luật đến tổ chức thực tiễn.

Trước hết, bộ đã ban hành nhiều quy định về đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử trong môi trường y tế, được thể hiện rõ qua hệ thống luật, nghị định, thông tư và quy chế nội bộ của các cơ sở y tế. Mục tiêu là xây dựng một môi trường khám chữa bệnh nhân văn, chuẩn mực, lấy sự tôn trọng người bệnh làm cốt lõi.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó trong điều kiện hiện nay, chúng tôi rất mong xã hội, người dân có sự thấu hiểu và chia sẻ. Các y bác sĩ đang làm việc trong môi trường chịu áp lực rất cao, nhất là ở các khoa cấp cứu, hồi sức tích cực.

Từ năm 2014, Bộ Y tế đã ký quy chế phối hợp với Bộ Công an, trong đó có nội dung cụ thể liên quan đến việc bảo vệ an toàn cho cán bộ y tế và đảm bảo an ninh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Chúng tôi đã đề xuất các giám đốc bệnh viện cần tăng cường lực lượng bảo vệ tại những điểm nóng như khoa cấp cứu, hồi sức, đồng thời trang bị hệ thống camera giám sát, xây dựng quy trình phản ứng nhanh khi có tình huống mất kiểm soát xảy ra.

Ngoài ra, Bộ Y tế sẽ tiếp tục báo cáo và tham mưu cho Chính phủ hoặc trong phạm vi quyền hạn của Bộ trưởng ban hành các chính sách cụ thể, thiết thực hơn để bảo vệ cán bộ y tế cả về pháp lý, tâm lý và điều kiện làm việc.

- Còn về khía cạnh tài chính, theo ông, yếu tố này có góp phần gây ra mâu thuẫn giữa người bệnh và cán bộ y tế không?

TS.BS Hà Anh Đức: Thực tế, câu chuyện viện phí cũng là một trong những yếu tố có thể gây căng thẳng. Tuy nhiên, Luật Khám chữa bệnh đã quy định rất rõ ràng về cơ chế thanh toán và nghĩa vụ tài chính.

Bên cạnh đó, trong nhiều trường hợp người bệnh có hoàn cảnh khó khăn, hiện nay hầu hết các bệnh viện đều có Phòng Công tác xã hội, đóng vai trò kết nối với các mạnh thường quân, quỹ hỗ trợ, tổ chức từ thiện để giúp đỡ kịp thời.

Đặc biệt, từ khi Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành, các bệnh viện đã có cơ sở pháp lý để thành lập các quỹ nội bộ, trong đó có quỹ hỗ trợ bệnh nhân trong các tình huống đặc biệt như: Bệnh nhân không có người thân, không đủ khả năng chi trả, hoặc thậm chí tử vong đột ngột mà chưa thanh toán viện phí.

Đây là một hành lang pháp lý rất nhân văn, thể hiện nỗ lực của ngành trong việc vừa đảm bảo tính pháp lý, vừa duy trì tinh thần nhân đạo trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Hình ảnh bé trai bị tai nạn giao thông tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị yêu cầu phải đóng đủ tiền viện phí tạm ứng mới cấp cứu. Ảnh cắt từ clip
Hình ảnh bé trai bị tai nạn giao thông tới Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định cấp cứu nhưng bị yêu cầu phải đóng đủ tiền viện phí tạm ứng mới cấp cứu - Ảnh cắt từ video

Dựng "lá chắn an toàn" cho nhân viên y tế

- Vậy giải pháp tổng thể là gì để hạn chế và ngăn chặn các sự cố đáng tiếc xảy ra trong môi trường khám chữa bệnh, thưa ông?

TS.BS Hà Anh Đức: Mục tiêu trước mắt và lâu dài của ngành y tế là giảm thiểu tối đa các áp lực không đáng có cho cả nhân viên y tế và người bệnh. Để đạt được điều này, chắc chắn cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, không thể làm đơn lẻ.

Thứ nhất, cần chấn chỉnh lại quy trình đón tiếp và hướng dẫn tại các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các khoa cấp cứu, khám bệnh. Việc chuyên nghiệp hóa khâu tiếp nhận ban đầu sẽ giúp giảm đáng kể tâm lý căng thẳng, bức xúc từ phía người bệnh, tạo thiện cảm ngay từ những phút đầu tiên tiếp xúc.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ y tế phải được đào tạo bài bản về kỹ năng mềm, trong đó đặc biệt quan trọng là kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống.

Thứ ba, sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng phải thật sự kịp thời và hiệu quả.

- Trong toàn bộ các cải cách mà ngành y tế đang triển khai, phải chăng yếu tố cốt lõi vẫn là người bệnh?

TS.BS Hà Anh Đức: Chính xác. Mọi chính sách và giải pháp mà ngành y tế thực hiện từ chuyên môn đến tổ chức đều phải hướng đến mục tiêu lấy người bệnh làm trung tâm.

Riêng về cơ chế tài chính, đây là một trong những lĩnh vực cần tiếp tục được rà soát, điều chỉnh kịp thời và linh hoạt. Cần tạo ra sự thông thoáng, hạn chế tối đa rào cản tài chính cho người bệnh.

Xin cảm ơn ông!

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương