Tham dự Tọa đàm có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng; bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài (BWG); bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông; bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật,Văn phòng Chính phủ; ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN); bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN; ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN; đại diện Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Câu lạc bộ Công nghệ Tài chính Ngân hàng Việt Nam (VietFintech), cùng đại diện các tổ chức tín dụng là hội viên HHNH; các thành viên của BWG.
Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm Góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) |
Sửa đổi Luật là việc quan trọng và bức thiết
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký HHNH đánh giá từ khi Luật Giao dịch điện tử 2005 được ban hành đến nay có rất nhiều sự đổi mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ. Sửa đổi Luật Giao dịch điện tử là việc quan trọng và cần thiết để thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (dự thảo Luật sửa đổi), HHNH đã góp ý 3 lần và nhiều nội dung đã được tiếp thu sửa đổi. Nhưng qua rà soát vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Do đó, HHNH phối hợp với Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài tổ chức Tọa đàm để ghi nhận ý kiến đóng góp từ các hội viên trên cơ sở thực tiễn nhằm hướng tới mục tiêu Luật ban hành có thể đi vào cuộc sống.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại buổi tọa đàm |
Bà Nguyễn Minh Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết quá trình soạn thảo, Ban soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến góp ý trong đó có bản góp ý của NHNN. Ban soạn thảo vẫn tiếp tục tiếp thu các ý kiến góp ý đặc biệt là các ý kiến kết hợp lý luận và thực tiễn triển khai trong ngành Ngân hàng nhằm nghiên cứu. tham mưu đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền, để dự thảo Luật ban hành có tính khả thi nhất.
Bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài phát biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh |
Theo bà Michele Wee, Chủ tịch Nhóm công tác ngân hàng nước ngoài, đây được coi là một trong những Đạo luật vô cùng quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với lộ trình chuyển đổi số của nền kinh tế nói chung và của ngành Ngân hàng nói riêng. Bà Michele Wee cho rằng, các ý kiến đóng góp từ các ngân hàng trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu chính sách sẽ là nguồn thông tin quan trọng trong quá trình sửa đổi Luật.
Được biết, Luật Giao dịch điện tử được ban hành năm 2005. Trong 17 năm triển khai thực hiện, hiện có 141 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực liên quan đến Luật Giao dịch điện tử 2005, bao gồm: 26 Luật, 29 Nghị định, 57 Thông tư, 29 Quyết định các cấp và 9 Điều ước quốc tế (6 Hiệp định, 3 Công ước). Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, Ban soạn thảo đã xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân từ ngày 29/4/2022 và đã nhận được 95 văn bản ý kiến góp ý với hơn 900 ý kiến góp ý cụ thể.
Về quan điểm xây dựng, dự thảo Luật sửa đổi quy định về những thành tố cơ bản để thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định lại nội dung đã được pháp luật khác quy định về nội dung, điều kiện, hình thức của giao dịch. Luật sửa đổi là cơ sở để luật khác quy định đặc thù về thực hiện các giao dịch bằng phương tiện điện tử trong các ngành, lĩnh vực cụ thể và không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực.
Về cơ bản, dự thảo Luật sửa đổi mở rộng phạm vi điều chỉnh so với Luật Giao dịch điện tử 2005, đảm bảo giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch và dịch vụ tạo lập tài khoản, xác thực điện tử, hợp đồng điện tử, về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Đồng thời, dự thảo Luật quy định về dịch vụ tin cậy và hỗ trợ giao dịch điện tử, an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử; quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số; quy định về dữ liệu số, nền tảng số, dịch vụ số và giao dịch trực tuyến.
Nhiều nội dung còn ý kiến quan ngại
Tại Tọa đàm, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế thuộc HHNH chia sẻ những góp ý từ phía các tổ chức hội viên của HHNH.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Pháp chế thuộc HHNH phát biểu |
Theo đó, vấn đề các TCTD quan ngại nhất là về quy định các yếu tố cấu thành điều kiện hiệu lực của giao dịch điện tử. Bà Nguyễn Thị Phương cho biết, với định hướng luật hình thức, hướng dẫn chi tiết về phương thức giao dịch, cách thức các bên xác lập giao dịch bằng phương tiện điện tử, việc chẻ nhỏ từng yếu tố cấu thành điều kiện hiệu lực của giao dịch điện tử có thể đem lại nguy cơ vô hiệu về hình thức nếu sau này các bên tranh chấp và viện dẫn điều kiện trình tự thủ tục các bước giao dịch đã quy định.
Các TCTD cũng đề nghị xem xét kỹ nội dung về chứng cứ và giá trị pháp lý của các hợp đồng điện tử, các giao dịch xác thực bằng phương tiện điện tử được coi là chứng cứ và chứng minh trước tòa như thế nào?. Thủ tục để xác thực và công nhận các chứng từ điện tử cho mục đích sử dụng để làm căn cứ giao dịch vụ án chưa có quy định cụ thể và còn có quan điểm khác nhau. Hay cách thức xác định làm chứng cứ của giao dịch điện tử, chứng từ điện tử tại Bộ luật Tố tụng dân sự còn hạn chế…
Tham gia góp ý tại Tọa đàm, đại diện các TCTD như MB, Eximbank, Techcombank, TPBank, HDBank, Agribank, VietinBank, CitiBank, HSBC, CIMB… cũng nhấn mạnh các nội dung về chữ ký điện tử, các biện pháp xác thực khác đã được triển khai trong thực tế như SMS, OTP, Token OsaTP, sinh trắc học… và đề nghị bổ sung quy định về tính pháp lý của các biện pháp này.
Theo đại diện MB, Luật Giao dịch điện tử đang chủ yếu đề cập và quy định đối với chữ ký điện tử, chứng thư điện tử, trong khi thực tế các giao dịch của các ngân hàng đang được chấp nhận các biện pháp xác thực khác (như trên) tùy theo loại giao dịch.
“Vậy, các giao dịch không được ký với chữ ký điện tử mà sử dụng các biện pháp xác thực theo Quy định 630/QĐ-NHNN thì tính pháp lý của các chứng từ giao dịch trong trường hợp này sẽ xác định như thế nào?”, đại diện MB nêu vấn đề và đề xuất: “Cơ quan soạn thảo bổ sung quy định phù hợp với thực tiễn triển khai và quy định rõ ràng hơn về giá trị pháp lý của các loại hình chữ ký điện tử ngoài chữ ký số”.
Toàn cảnh Tọa đàm |
Các TCTD cũng lo ngại một số quy định trong Dự thảo Luật sửa đổi có thể ràng buộc thêm trách nhiệm pháp lý và chi phí cho các TCTD trong việc triển khai đặc biệt là các nội dụng chứng thực chữ ký điện tử nội bộ, chứng thực chữ ký, xác thực chữ ký, trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản. Việc sử dụng dịch vụ của bên thứ 3 cung cấp dịch vụ liên quan chữ ký điện tử, chứng thực điện tử hoặc các dịch vụ công khác sẽ tạo ra gánh nặng chi phí lớn.
Ngoài ra, ý kiến các TCTD cũng đề nghị rà soát quy định để ghi nhận chứng thư điện tử, chữ ký số từ đối tác nước ngoài. Dự thảo Luật sửa đổi không còn quy định phạm vi giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam nhưng cần có quy định về xác thực khách hàng, xác thực tính phù hợp, hợp pháp của các giao dịch đó và cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.
Sẽ tiếp tục góp ý để hoàn thiện Luật
Trao đổi tại Tọa đàm, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, đối với quy định về chữ ký điện tử, dự thảo Luật sửa đổi chỉ đang thừa nhận tính pháp lý của chữ ký số mà chưa có quy định pháp luật về chữ ký điện tử khác. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban soạn thảo tham khảo thêm kinh nghiệm về các luật có liên quan như Luật eSIGN của Mỹ hay eiDAS của EU, hiện đang chia chữ ký điện tử thành 3 mức độ đảm bảo để phù hợp với các mức độ, cách thức, giá trị giao dịch khác nhau trên môi trường điện tử.
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN phát biểu tại Tọa đàm |
Do đó, ông Lê Anh Dũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm bổ sung quy định về cấp độ chữ ký điện tử, giá trị pháp lý theo cấp độ đó, để bảo đảm phù hợp với thực tiễn khi sử dụng chữ ký điện tử cũng như xác thực các giao dịch trên môi trường điện tử, cũng như tạo căn cứ để các ngành, lĩnh vực khác có các hướng dẫn cụ thể hơn.
Về hợp đồng điện tử, tại Điều 39 dự thảo Luật sửa đổi có quy định “Giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”, tuy nhiên, quy định như vậy không thể hiện rõ được giá trị pháp lý và giá trị làm chứng cứ của hợp đồng điện tử. Ông Lê Anh Dũng cho biết, hiện nay dự thảo Luật đã quy định về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu và chữ ký điện tử, do đó, đề nghị ban soạn thảo xem xét sửa đổi và quy định cụ thể hơn về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử tại khoản 1, Điều 39 theo hướng: “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử được xác định trên cơ sở giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu tại Điều 11 và giá trị pháp lý của Chữ ký điện tử tại Điều 33”.
Cũng theo ông Lê Anh Dũng, dự thảo luật bao hàm nhiều nội dung, do đó chỉ nên nghiên cứu phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng. Đề nghị xem xét quy định giao Chính phủ có quy định hướng dẫn triển khai giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực, tương tự như cách tiếp cận trước đây.
“Hiện tại Chính phủ cũng đang trong quá trình xây dựng nhiều văn bản liên quan đến giao dịch điện tử (Nghị định về định danh và xác thực điện tử; Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân…). Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu, rà soát để đảm bảo thống nhất, phù hợp giữa các nội dung quy định tại Luật với cả các dự thảo văn bản như trên để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong quá trình triển khai thực hiện”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế phát biểu tại tọa đàm |
Phát biểu góp ý tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, NHNN đang xây dựng dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư 07, 13 về bảo lãnh ngân hàng. Với xu hướng thương mại điện tử, dự thảo Thông tư được xây dựng theo hướng cho phép các TCTD thực hiện bảo lãnh điện tử.
Trong quá trình sửa 2 văn bản này, ông Nguyễn Xuân Bắc cho biết, chữ ký điện tử rất được quan tâm. Luật Giao dịch điện tử 2005 công nhận chữ ký điện tử nhưng theo quy định tại Nghị định 130 thì khi thực hiện chữ ký số thì phải mua dịch vụ của bên thứ 3 với chi phí khá cao dẫn đến hạn chế áp dụng. Trong khi đó, ngân hàng sử dụng hình thức xác thực khác nhưng chưa có quy định công nhận hình thức này.
“Đề nghị nghiên cứu công nhận các xác nhận OTP và các xác nhận khác trên nền tảng công nghệ khác. Để tạo thuận lợi cho giao dịch xuyên biên giới trong đó có giao dịch bảo lãnh, cần thừa nhận chữ ký của đối tác nước ngoài, người không cư trú”, ông Nguyễn Xuân Bắc đề nghị.
Ngoài ra, ông Nguyễn Xuân Bắc cũng chỉ ra việc dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều khái niệm còn gây nhầm lẫn như: quy định chữ ký điện tử bao gồm cả con dấu dễ gây nhầm lẫn; có chỗ quy định văn bản giấy, có chỗ quy định văn bản khiến người đọc băn khoăn văn bản khác văn bản giấy ra sao… Do đó, ông Nguyễn Xuân Bắc đề nghị Ban soạn thảo rà soát và điều chỉnh lại nhất quán, tránh gây nhầm lẫn và khó hiểu trong thực tiễn.
Bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN phát biểu tại Tọa đàm |
Theo bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, các nghiệp vụ truyền thống của ngân hàng đều được chuyển đổi, số hóa và thực tiễn là các TCTD đi tiên phong. Các cơ quan quản lý đang chỉnh sửa quy định hiện hành trên nền thực tiễn. Trong quá trình xây dựng các văn bản của ngành, NHNN đã ghi nhận nhiều phản ánh từ các TCTD về các vướng mắc và mong muốn được cụ thể hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Nhưng các văn bản, quy định cần cụ thể hóa lại liên quan Luật Giao dịch điển tử, do đó, nếu Luật này được sửa đổi sớm, thì việc ban hành các văn bản của ngành sẽ thuận lợi hơn.
“Chúng tôi cũng mong muốn văn bản quy định sẽ cụ thể hóa, lắng nghe thực tiễn của TCTD, tạo thuận lợi cho việc ban hành quy định nghiệp vụ của ngành ngân hàng”, bà Bùi Thúy Hằng chia sẻ.
Bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ sự phát triển chung của thị trường, kinh tế |
Tại buổi tọa đàm, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh việc sửa đổi Luật nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân, phục vụ sự phát triển chung của thị trường, kinh tế. Trên tinh thần đó, bà Phạm Thúy Hạnh đề nghị: “Thực tế cần đến đâu thì văn bản pháp lý tạo điều kiện đến đó. Các ý kiến tại Tòa đàm rất có lý, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp thu chỉnh lý làm rõ”.
Trước các ý kiến góp ý từ các TCTD, bà Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử chỉ quy định cách thức thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử trên môi trường điện tử, không can thiệp vào nội dung các luật khác. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân lựa chọn phương tiện điện tử để thực hiện giao dịch, không có tính bắt buộc. Nguyên tắc này cũng thể hiện trong dự thảo Luật, các bên tự nguyện lựa chọn, tự thỏa thuận lựa chọn công nghệ bởi công nghệ thay đổi liên tục. “Một số nội dung góp ý sẽ được quy định ở văn bản hướng dẫn. Ban soạn thảo sẽ lắng nghe và tiếp thu các ý kiến để sau khi ban hành Luật thực thi được ngay”, bà Nguyễn Minh Hằng chia sẻ.
Phát biểu kết thúc Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật Giao dịch điện tử đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, Luật sau khi ban hành phải đảm bảo rõ ràng, minh bạch cho mọi người hiểu đúng, tránh hiểu nhầm.
“Sau Tọa đàm, HHNH sẽ tập hợp ý kiến các hội viên và có văn bản góp ý nêu rõ nội dung kiến nghị, nguyên nhân và đề xuất hướng sửa đổi để làm sao Luật thực thi tốt”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ và cho biết thêm: “Trên cơ sở ý kiến của các hội viên, HHNH sẽ có văn bản góp ý về dự thảo luật này gửi đến Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và kể cả Ủy ban Công nghệ của Quốc hội”.