Hiệp hội Ngân hàng họp trao đổi về thanh toán song phương xuyên biên giới qua mã QR

17/09/2024 - 04:41
(Bankviet.com) Ngày 21/8, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) tổ chức cuộc họp nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, cùng một số vấn đề cần quan tâm tại Thông tư số 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Tham dự cuộc họp, về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), có: ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán.

Về phía Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có: ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký; đại diện các tổ chức tín dụng hội viên tham dự trực tiếp và trực tuyến.

af2i6742(1).jpg
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Trao đổi tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, để thúc đẩy thanh toán giữa các quốc gia trong khu vực, thời gian quan, NHNN đã hợp tác với các ngân hàng trung ương Thái Lan, Campuchia và Lào triển khai thử nghiệm kết nối thanh toán song phương qua mã QR.

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, việc hợp tác thanh toán song phương qua mã QR giữa các quốc gia trong khu vực là phù hợp với xu hướng liên kết trong ASEAN, mang lại tiện ích thanh toán bằng đồng bản tệ cho các khách hàng Việt Nam khi sang các nước có hợp tác, cũng như du khách từ các nước này khi đến Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay các giao dịch thanh toán song phương qua mã QR chưa phát sinh giao dịch chiều thanh toán tại Việt Nam, mặc dù số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam đối với các dự án hợp tác với Thái Lan và Campuchia lên đến hàng chục nghìn đơn vị.

Theo đại diện Vụ Thanh toán, một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vấn đề trên là: Mức độ nhận diện thương hiệu tại các điểm chấp nhận thanh toán song phương của ngân hàng và mạng lưới chấp nhận thanh toán tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, dễ gây nhầm lẫn giữa mã QR thanh toán nội địa và mã QR thanh toán song phương: Các ngân hàng khi tham gia dịch vụ đều ưu tiên triển khai chiều Việt Nam thực hiện thanh toán tại đơn vị chấp nhận thanh toán ở nước ngoài…

Tại cuộc họp, lãnh đạo Vụ Thanh toán cho biết, dự kiến cuối năm nay, NHNN sẽ triển khai dự án hợp tác thanh toán song phương với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. "Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách đối với mạng lưới thanh toán của hệ thống ngân hàng Việt Nam", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

af2i6780.jpg
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán phát biểu. Ảnh: Minh Ngọc

Do đó, ông Phạm Anh Tuấn đề nghị NAPAS (với vai trò là đơn vị đầu mối kết nối) và các ngân hàng thành viên tham gia dự án kết nối cần có giải pháp đảm bảo chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR chiều thanh toán tại Việt Nam, trong đó: đảm bảo việc chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR tại các đơn vị chấp nhận thanh toán của các ngân hàng thành viên; có biện pháp mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán song phương qua mã QR.

Phát biểu tại cuộc họp, từ góc độ là đơn vị đầu mối kết nối, ông Nguyễn Đăng Hùng, Phó Tổng Giám đốc NAPAS đã chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thử nghiệm dự án kết nối thanh toán qua mã QR với Thái Lan và Campuchia, đồng thời phân tích các nguyên nhân, nhằm trao đổi và tìm kiếm các giải pháp thích hợp giữa các bên liên quan trong vấn đề thúc đẩy thanh toán song phương.

Đại diện các ngân hàng, trung gian thanh toán đã đóng góp các ý kiến, kiến nghị nhằm tháo gỡ các vướng mắc, cải tiến tiến độ vận hành, thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR với tinh thần tích cực hưởng ứng, tìm kiếm các giải pháp thống nhất, đưa ra lộ trình triển khai rõ ràng.

Sau khi lắng nghe chia sẻ từ phía đại diện các đơn vị, ông Phạm Anh Tuấn đánh giá cao các ý kiến được đưa ra tại cuộc họp. "Việc chỉ rõ được các điểm còn “nghẽn”, giúp các bên có cơ sở để tìm ra giải pháp tháo gỡ", ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán đề nghị các ngân hàng tiếp tục “hiến kế”, khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu các biện pháp để thúc đẩy thanh toán song phương qua mã QR. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với NAPAS và các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bàn bạc và thống nhất giải pháp để xây dựng kế hoạch triển khai khả thi, phù hợp vì sự phát triển chung của ngành Ngân hàng.

af2i6729.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Minh Ngọc

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, cuộc họp đã gợi mở được nhiều vấn đề cần bàn bạc thảo luận.

Về vấn đề thanh toán liên thông qua mã QR với các nước trong khu vực, trước mắt là Thái Lan, Lào, Campuchia, sau đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng đây là nhiệm vụ cấp bách và rất áp lực. Để thống nhất các ý kiến, Hiệp hội Ngân hàng sẽ sớm có văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng hội viên. Sau đó, dự kiến sẽ thành lập tổ nghiên cứu kết nối liên thông thanh toán qua mã QR, do NAPAS làm đầu mối, nhằm nghiên cứu, đưa ra nội quy làm việc thống nhất, đồng thuận, rõ ràng đối với các ngân hàng đồng ý tham gia dự án kết nối thanh toán song phương.

Đồng thời, đề nghị Vụ Thanh toán cũng như Ngân hàng Nhà nước tham vấn các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý, chia sẻ, hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc cho phía ngân hàng, trung gian thanh toán trong quá trình triển khai.

“Hiệp hội Ngân hàng sẽ nỗ lực để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức hội viên”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Bên cạnh vấn đề thanh toán song phương xuyên biên giới, cuộc họp cũng đã trao đổi về một số vấn đề cần quan tâm tại Thông tư số 40/2024/TT-NHNN quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Các quy định này bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, do đó, cần đảm bảo có thời gian cho các bên thực hiện thu thập, làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng sử dụng ví điện tử, cũng như tài khoản thanh toán liên kết với ví điện tử, từ đó đảm bảo các vấn đề an ninh, an toàn trong việc mở và sử dụng ví điện tử.

Ngoài ra, một số tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua mã QR là các trung gian thanh toán có số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán lớn nhưng chưa hợp tác chấp nhận thanh toán lẫn nhau dẫn đến tình trạng khách hàng hoặc đơn vị chấp nhận thanh toán sử dụng dịch vụ/ứng dụng trên điện thoại di động của ngân hàng thuộc hệ thống mã QR nào chỉ được thanh toán trong hệ thống mã QR đó. Do vậy, cần thiết nghiên cứu đưa ra giải pháp hợp tác, kết nối liên thông thanh toán qua mã QR đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ