Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch bệnh COVID-19: Cần chính sách mới, mạnh mẽ, thiết thực hơn

03/10/2021 - 16:15
(Bankviet.com) Ngày 1/10, Tạp chí Hải quan tổ chức Diễn đàn chính sách trực tuyến với chủ đề: "Hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19: Từ chính sách đến thực tiễn”. Diễn đàn tập trung đánh giá những chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 đã ban hành và cho rằng cần có thêm chính sách mới, mạnh mẽ, thiết thực hơn để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài. Trong 4 tháng trở lại đây, tổng cầu nền kinh tế suy giảm, sản xuất, giao thương đình trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, lao động mất việc làm, nhiều đơn hàng bị mất,… Đối với các ngành hàng liên quan đến xuất khẩu và sử dụng nhiều lao động, chỉ có 15-20% các nhà máy sản xuất cầm chừng do theo được “3 tại chỗ”, còn lại đến 80-85% số nhà máy phải ngừng sản xuất. Các con số này cho thấy mức độ khó khăn của doanh nghiệp là rất lớn.

Hàng loạt chính sách hoãn, giãn thuế, phí đã được áp dụng

Trước khó khăn này, Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Tổng cục Thuế, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tham mưu, nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ để trình các cấp ban hành và chủ động ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do COVID-19 gây ra. Năm 2020, có 2 nhóm chính sách chính từ công cụ thuế và thu ngân sách bao gồm: cụm chính sách về gia hạn nộp các khoản thuế, tiền thuê đất và cụm chính sách về giảm, miễn số thuế tiền thuê đất, các khoản phí, và khoản đóng góp ngân sách nhà nước khác.

Trong năm 2020, ngân sách đã hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp 129 nghìn tỷ đồng, trong đó 97,5 nghìn tỷ đồng là thực hiện theo chính sách gia hạn các khoản phải đóng góp vào ngân sách và có 31,5 nghìn tỷ đồng là miễn giảm trực tiếp cho người nộp thuế.

Năm 2021, trước những biến động khôn lường của dịch bệnh đặc biệt là đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 3, thứ 4, Bộ Tài chính đã đề xuất duy trì miễn giảm cho khoảng 30 loại phí, lệ phí có tác động đến hoạt động của doanh nghiệp, cũng như đời sống của người dân; duy trì chế độ giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ các ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ…

Đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP với các chính sách hỗ trợ gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (GTGT) và tiền thuê đất.

Nghị định được triển khai từ tháng 4/2021. Bộ Tài chính ước tính gói hỗ trợ này sẽ miễn giảm khoảng 115 nghìn tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2021, số tiền hỗ trợ và gia hạn cho người dân và doanh nghiệp là 78 nghìn tỷ đồng. Trong đó được hỗ trợ nhiều nhất là thuế GTGT, chiếm khoảng 60% tổng số tiền được hỗ trợ.

Mới đây nhất, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị quyết về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Với gói hỗ trợ mới này, tổng số tiền được miễn giảm ước lên đến 21,3 nghìn tỷ đồng.

Gói hỗ trợ này dự kiến tập trung vào 4 nhóm chính sách như sau: giảm 30% thuế GTGT hỗ trợ sản phẩm hàng hóa mang tính thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh; miễn toàn bộ các loại thuế đối với hộ kinh doanh trong quý III và quý IV/2021; giảm 30% tiền thuê đất; giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp của năm 2021 cho tất cả các tổ chức doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm cao

Tính đến nay, hệ thống ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 1,13 triệu khách hàng với dư nợ trên 1,58 triệu tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 215.320 khách hàng với dư nợ 227.009 tỷ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23/1/2020 là khoảng 520.000 tỷ đồng.

Nhận xét về các chính sách của ngành ngân hàng, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các chính sách cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm nghĩa vụ tài chính, tăng khả năng tiếp cận vốn, giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho ngân hàng.

Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng: “Chính sách và nguồn lực là 2 thuận lợi chính để hệ thống ngân hàng vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ khách hàng, thêm vào đó ngân hàng luôn xác định mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng là cộng sinh, cùng chia sẻ bằng tinh thần trách nhiệm cao”

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng chia sẻ: “Các tổ chức tín dụng (TCTD) cũng là doanh nghiệp nhưng họ đang hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp khác”.

Cơ sở để làm được điều đó theo phân tích của ông Hùng là bởi 2 lý do:

Thứ nhất, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, ngay từ tháng 3/2020, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành Thông tư 01 và trong năm 2021 tới nay đã điều chỉnh, bổ sung và ban hành Thông tư 03, Thông tư 14 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Nhờ sự vào cuộc sớm của NHNN, ban hành chính sách kịp thời nên các TCTD có cơ sở để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, nguồn lực từ bản thân các TCTD. Nguồn lực đó có được là kết quả của một quá trình các TCTD nỗ lực mở rộng kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ để tăng lợi nhuận. Cộng thêm việc Nghị quyết 42 của Quốc hội phát huy được hiệu lực, giúp TCTD giảm dần tỷ lệ nợ xấu, từ đó có thêm nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp.

“Chính sách và nguồn lực là 2 thuận lợi chính để hệ thống ngân hàng vào cuộc quyết liệt, hỗ trợ khách hàng, thêm vào đó ngân hàng luôn xác định mối quan hệ doanh nghiệp - ngân hàng là cộng sinh, cùng chia sẻ bằng tinh thần trách nhiệm cao”, ông Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.

Cần cơ chế, chính sách mới thiết thực và mạnh mẽ hơn

Các chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ và các bộ, ngành khẩn trương ban hành để kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao cũng như hồ hởi đón nhận. Tuy nhiên, một số phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn – vướng ở khâu thực thi.

Bên cạnh đó, vấn đề đặt là làm thế nào để các cơ chế đó đến được đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời, phát huy được hiệu quả, tránh tình trạng chính sách thì đúng nhưng tổ chức thực hiện chưa trúng, chưa kịp thời.

Ngoài ra, cũng còn những băn khoăn về thời hạn hiệu lực của các chính sách. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng chính sách về thuế hỗ trợ doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức hoãn, giãn thời gian nộp chứ chưa giảm, vì vậy, hết thời gian giãn nộp, doanh nghiệp sẽ phải nộp tiền thuế được gia hạn trước đó.

Mặt khác, nhìn nhận một cách thực tế, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, tỷ lệ thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp còn rất hạn chế, nhiều chính sách ban hành ngắn hạn, chưa tướng xứng với tình trạng và khả năng phục hồi của doanh nghiệp. Nhiều dự báo cho rằng, phải đến giữa năm 2022, các doanh nghiệp mới phần nào khôi phục được. Do đó, bên cạnh việc kéo dài thêm các chính sách hỗ trợ như gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất… cần có thêm các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn. "Gánh nặng tài chính vẫn treo lơ lửng, nên doanh nghiệp mong mỏi cần chính sách hỗ trợ bằng tiền tươi thóc thật" - ông Đậu Anh Tuấn nói.

Vị Trưởng Ban pháp chế của VCCI cũng cho hay, nguồn lực có hạn nên nếu hỗ trợ quá nhiều ngành thì sẽ không có hiệu quả tích cực, nhưng chọn ngành nào, lĩnh vực nào quan trọng lại là vấn đề gây “tranh cãi”. Vì thế, hiện một số địa phương đã chủ động, lựa chọn những khu vực kinh tế, những dự án tạo ra cú hích cho phát triển để hỗ trợ với nguyên tắc sản xuất là việc của doanh nghiệp, phòng chống dịch là nhiệm vụ của chính quyền.

Ông Tuấn cũng đề xuất giải pháp không tốn nhiều nguồn lực mà doanh nghiệp đều được thụ hưởng, đó là phải tiếp tục tháo gỡ khó khăn của các quy định pháp luật còn gây phiên hà, chồng lấn. Việc cải thiện môi trường kinh doanh cần tiếp tục được ưu tiên đẩy mạnh hơn nữa để tạo hiệu ứng lớn trên thực tế, tạo nên nhiều lực đẩy, động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho hay, nguyện vọng của doanh nghiệp lớn nhất bây giờ là được hoạt động. Nguyện vọng tiếp theo của doanh nghiệp là được cơ quan nhà nước đặt vào vai trò đồng hành, cùng tham gia vào việc quản lý an toàn trong dịch bệnh, là chủ thể chính của sự phục hồi kinh tế chứ không phải đặt doanh nghiệp trong vai nhận sự hỗ trợ, được giải cứu, bị động như hiện nay.

Bà Thuỷ đề xuất “Khi xây dựng chính sách, phần tham vấn doanh nghiệp cần chiếm tỷ trọng cao hơn để chính sách sát với thực tiễn, dễ thực thi. Ngoài ra, hoạt động đối thoại công - tư cần được đẩy mạnh, cơ quan xây dựng chính sách cần chủ động đối thoại với doanh nghiệp hơn nữa”.

Theo bà Thủy, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế nên nghiên cứu đề xuất chính sách giảm thuế, phí, lệ phí để kích cầu nền kinh tế. Chẳng hạn, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất và lắp ráp trong nước áp dụng nửa cuối năm 2020 là "bài học rất tốt".

Ông Nguyễn Quốc Hùng thì cho rằng, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, cần có cơ chế mới, chính sách mới. Ông Hùng phân tích ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhưng ảnh hưởng của ngân hàng có độ trễ, qua thời gian mới thấy rõ. Trước mắt năm 2021, các TCTD phải trích lập dự phòng rủi ro tối thiểu 30% tạo áp lực cho các TCTD, bên cạnh đó là nợ nhóm 1 cũng có thể bị ảnh hưởng, bởi khó khăn của doanh nghiệp luôn tiềm ẩn, chuỗi cung ứng bị đứt gãy thì nguy cơ nợ xấu trong tương lai rất cao. Ngoài ra, các khoản lãi dự thu, nếu không thu được thì vẫn phải thoái thu. Như vậy, có thể nhìn thấy rõ khó khăn trong tương lai của các TCTD.

Cũng theo ông Hùng, dư địa hỗ trợ doanh nghiệp của các TCTD gần như cạn kiệt nên muốn để ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cần có cơ chế, chính sách mới vượt thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Hùng nêu gợi ý, trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Chính phủ đã có Nghị định 55/2015/NĐ-CP (sau này là Nghị định 116/2018/NĐ-CP), trong đó có quy định trường hợp khoanh nợ khi có thiên tai dịch bệnh. Với trường hợp doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 cũng nên có những chính sách đặc biệt, riêng có.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần vào cuộc, đối thoại với doanh nghiệp từ đó đưa ra chính sách hỗ trợ phù hợp. Chính sách tài khóa phải vào cuộc, đẩy mạnh bảo lãnh để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn vay.

Ông Hùng cũng đề xuất để có nguồn lực giúp doanh nghiệp giảm chi phí vốn, Chính phủ có thể xem xét phát hành trái phiếu, vay của ngân hàng trung ương như các nước đang làm chứ không chỉ dùng chính sách tiền tệ.

Ngoài chính sách hỗ trợ, theo các chuyên gia, thủ tục áp dụng cũng cần được thiết kế thật đơn giản, dễ áp dụng, đừng để doanh nghiệp phải cân nhắc giữa số tiền được hỗ trợ với thời gian và công sức mà doanh nghiệp bỏ ra có đáng phải làm hay không.

Số liệu thống kê cho thấy, từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngân hàng đã miễn giảm lãi hơn 26.000 tỷ đồng, miễn giảm phí gần 2.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp. Từ tháng 7/2021 đến nay, Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 16 tổ chức tín dụng tiên phong giảm lãi suất cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch COVID-19. Các tổ chức cam kết thực hiện từ tháng 7 đến hết năm 2021 là 20.300 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 8/2021, các ngân hàng đã giảm gần 9.000 tỷ đồng lãi vay, tương tương 43,01% cam kết. Từ nay đến cuối năm, các ngân hàng sẽ triển khai số còn lại cùng với 4.000 tỷ đồng mà 4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) tiếp tục hỗ trợ. Đây là nỗ lực rất lớn của các tổ chức tín dụng.

Nhóm Phóng viên

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ